Vợ chồng Hương bằng tuổi nhau, mới kết hôn được 3 năm. Ai cũng bảo “vợ chồng bằng tuổi nằm duỗi mà ăn”, mà lẽ ra vợ chồng Hương cũng khá giả thật. Bởi cả hai đều có tiếng là chăm chỉ. Chồng Hương thuê một cửa hàng để buôn bán, còn Hương làm cho một công ty.
Với mức sống ở quê, thu nhập của vợ chồng cô được xem là cao, dù thêm cậu con trai nhỏ thì chi tiêu vẫn rủng rỉnh, không phải nghĩ ngợi nhiều.
Nhưng vấn đề đã bắt đầu từ trước khi vợ chồng Hương cưới nhau, cụ thể là bố mẹ chồng cô có vay một món nợ. Vay ai? Bao nhiêu? Vì sao? Lúc đó Hương không rõ nhưng cô nghĩ vợ chồng lấy nhau, cố gắng hỗ trợ bố mẹ mấy năm chắc phải xong.
Nhưng khi về nhà chồng, thực tế không giống Hương tưởng tượng. Bố mẹ chồng Hương nợ nhiều hơn cô nghĩ và không có trách nhiệm gì với số tiền này.
Lý do là vì họ đã bỏ công bỏ sức nuôi chồng Hương, lại thêm một phần của khoản nợ là ông bà vay để xây nhà nên giờ vợ chồng cô phải gánh vác toàn bộ khoản nợ đó, cộng với chi tiêu sinh hoạt gia đình và lo cho một cô em đang học đại học. Trong khi bố mẹ chồng Hương mới ngoài 50 tuổi, đều còn khỏe nhưng chẳng làm một việc gì.
Lúc mới cưới về, Hương còn đứng cửa hàng phụ chồng. Sau khi cô sinh con, gia đình nhiều khoản phải chi tiêu hơn nên thiếu trước hụt sau. Hương buộc phải ra ngoài làm việc.
Hai vợ chồng làm việc cật lực suốt nửa năm, chi phí hàng tháng mới không bị âm. Nhưng sức vợ chồng cô cũng chỉ gánh được đến tiền lãi và chi phí sinh hoạt chứ tiền gốc vẫn không trả được đồng nào.
Ở quê của Hương, số tiền 700 triệu đồng là rất to, trong đó nặng nhất là khoản 300 triệu đồng bố mẹ chồng cô vay nặng lãi. Vợ chồng Hương đã họp gia đình nhiều lần, đề nghị bố mẹ vay mượn anh em, bạn bè giúp, trả bớt phần lãi suất cao nhưng ông bà không đồng ý.
Sau này tìm hiểu Hương mới biết, bố chồng cô đã làm mất hết lòng tin của cô dì chú bác. Còn mẹ chồng cô, khi các bác gợi ý là nhà gần chợ thì đi buôn cái gì các bác lấy mối cho để đỡ các cháu, bà chối phắt: “Tôi không phải đi ngồi đầu đường xó chợ”...
Có những lần, vợ chồng Hương gộp lại còn đúng 40 nghìn đồng mà mai phải đóng hơn 2 triệu đồng tiền lãi, chỉ biết ôm nhau khóc. Hương muốn xin ra ở riêng thì bố mẹ chồng tuyên bố: “Chúng mày tự đón con đi học, chi phí chúng mày vẫn phải lo”.
Chưa kể mỗi lần có chuyện gì, bố mẹ chồng cô chửi rất ngoa, bố đẻ Hương mất rồi vẫn bị lôi ra mắng mỏ. Chồng cô đi vắng là bố chồng cô bảo: “Tại nó lấy mày nên mới thế nọ thế kia”...
Cố gắng lắm vợ chồng Hương mới trả được phần lãi (Ảnh minh họa) |
Bình thường đi làm, áp lực công việc nhiều, đến tháng lĩnh lương thì không được chi tiêu, chỉ để trả lãi đã tiếc chảy nước mắt, về nhà còn bị mắng nhiếc, Hương đã nhiều lần tâm sự với chồng. Cô hiểu, chồng mình là người sống biết điều, biết phân biệt phải trái.
Cũng bởi anh không có gì đáng chê trách nên dù chán cô cũng không nỡ rút lui. Cô thường hay nghĩ, mình sống với chồng chứ không phải với bố mẹ chồng để tiếp tục cố gắng.
Hoàn cảnh của nhà Hương khiến Thanh Tâm liên tưởng đến câu chuyện bó đũa. Khoản nợ kia cũng giống như một bó đũa lớn được cột lại, dù vợ chồng Hương có cố hết sức cũng không thể bẻ gãy đôi. Nếu chia nhỏ món nợ giống như người ta chia nhỏ bó đũa ra và mọi người cùng bẻ thì công việc sẽ hoàn thành sớm và dễ hơn.
Mặc dù chúng ta đều thống nhất là không từ bỏ gia đình nhưng nếu chỉ vì khoản nợ 700 triệu đồng mà vợ chồng Hương cả đời khổ sở, không có cơ hội ngẩng mày ngẩng mặt, nếu vì nó mà vợ chồng cô phải chia cắt thì những người trong cuộc có lợi ích và suy nghĩ gì?
Cho nên, thay bằng việc tiếp tục nghĩ và đưa ra những phương án tiêu cực, chia ly, có lẽ vợ chồng Hương nên thẳng thắn thuyết phục và kiên quyết yêu cầu cả gia đình vào cuộc. Khi mọi thành viên đoàn kết và có ý thức tiết kiệm, kiếm tiền trả nợ thì Thanh Tâm tin, một ngày nào đó, gia đình cô sẽ giải quyết được vấn đề.