Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (GDMN) Nguyễn Bá Minh: Thực hiện ý kiến đóng góp của Ban soạn thảo tại phiên họp trước, tổ biên tập đã chỉnh sửa và bổ sung các nội dung: Làm rõ cơ sở pháp lý có trong Luật Giáo dục và Luật Trẻ em; Thực trạng xây dựng và ban hành các văn bản đã được bổ sung tổng hợp các nhóm cơ chế chính sách, đã bổ sung phân tích từng nhóm chính sách. Mục tiêu cụ thế, đã viết lại theo yêu cầu của ban soạn thảo, đảm bảo sự mạch lạc của văn bản.
Về điều kiện tiêu chuẩn Phổ cập GD trẻ mẫu giáo, đã bổ sung điều kiện theo Nghị định 20 và Thông tư 04; Nhiệm vụ giải pháp, xuyên suốt trong 3 phần: Thực trạng, Mục tiêu, Các giải pháp. Ban soạn thảo có ý kiến về xây dựng giải pháp đã được tổ biên tập phân tích những nội dung quan trọng như cần nhận thức, văn hóa vùng miền của người dân đưa trẻ đến trường. Tổ biên tập đã rà soát nghiên cứu các Đề án liên quan, sắp xếp lại theo logic và tập trung làm nổi bật.
Liên quan đến kết nối mục tiêu và giải pháp của Đề án, tổ biên tập tiếp thu điều chỉnh để đảm bảo sự gắn kết với Đề án. Lộ trình triển khai thực hiện, được trình bày dựa trên mục tiêu của Đề án theo yêu cầu của Ban soạn thảo. Khó khăn đặt ra khi thực hiện, dữ liệu địa phương chưa kịp tổng hợp, còn có địa phương gửi chưa đạt yêu cầu nên cần tiếp tục bổ sung. Tổ biên tập sẽ cập nhật dữ liệu được địa phương gửi về để minh chứng đảm bảo tính thuyết phục của Đề án.
Đội ngũ cần huy động thêm trên 9700 GV, một lượng khá lớn, tăng thêm 4418 phòng học. Hiện số phòng tạm, mượn chiếm 1,6% (5200), đó là khó khăn rất lớn. Thời gian tới giải pháp tập trung huy động nguồn lực xã hội, tận dụng đề án đã được phê duyệt, gắn với chương trình mục tiêu phát triển nông thôn mới. Giải pháp tập trung vào cơ chế chính sách huy động nguồn lực xã hội, bổ sung đủ GV. Cơ chế huy động nguồn lực chưa tương xứng tiềm năng, đối tác công tư, sử dụng đất đai là những rào cản lớn.
Kết luận tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh ghi nhận sự cố gắng của tổ biên tập tiếp thu, giải trình, trình Ban soạn thảo có ý kiến. Đề án đã cân đối, phù hợp chưa; Vấn đề đặt ra để xin ý kiến Ban soạn thảo: Tính toán kinh phí cần thiết; Nguồn lực về các chương trình dự án đã được phê duyệt, cần phải khai thác thế nào; Giải pháp huy động các nguồn lực bên ngoài; Đề xuất đầu tư dự án cho giai đoạn sau...
Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh, Đề án phải đánh giá thực trạng một cách đầy đủ và chi tiết, đề xuất giải pháp phù hợp để ban soạn thảo ý kiến hoàn thiện, khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đề án phải được làm thật kỹ, phải có điểm nhấn, không rườm rà, phân tích đảm bảo tính logic, chứng minh được và không được; có chuyên đề sâu về bảo đảm cơ sở vật chất, trường lớp, thực trạng hiện nay phòng học kiên cố, bán kiên cố; những vấn đề cơ sở vật chất đưa ra theo lộ trình phải có sự rà soát kỹ...
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, cần tích hợp các đề án đã được phê duyệt liên quan đến hỗ trợ phát triển mầm non vùng khó; Cố gắng thu thập chất liệu thực sự khoa học, các giải pháp đưa ra phải nổi trội, tránh dàn trải...
Tiếp thu thế nào để hoàn thiện Đề án, vai trò của Vụ GD Mầm non là rất quan trọng, 2 cụm từ Phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi cho thấy sự liên quan chặt chẽ. Thực trạng và nội dung đưa ra phải có tính gắn kết, phân tích thực trạng, đưa ra giải pháp có căn cứ nội dung cụ thể. Quan điểm mục tiêu phải rõ chỉ tiêu, phải tính toán thật kỹ, các điều kiện tiêu chuẩn mạng lưới cơ sở vật chất, đội ngũ, chương trình, phát triển thể chất hành vi….. rất quan trọng. - Thứ trưởng Ngô Thị Minh