Nâng chất lượng giáo dục gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc

Nâng chất lượng giáo dục gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc

(GD&TĐ) - Phú Thọ - đất phát tích của dân tộc Việt Nam, có 34 dân tộc cùng sinh sống, từ thời đại các Vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tạo ra những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.

Học bài. Ảnh: Minh Hằng
Học bài. Ảnh: Minh Hằng

Hiện nay, Phú Thọ có 1372 di tích lịch sử văn hóa (Trong đó, Khu di tích lịch sử Đền Hùng được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, 73 di tích được xếp hạng quốc gia, 219 di tích lịch sử và di tích kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng cấp tỉnh và 260 lễ hội đang được duy trì thường xuyên…).

Đặc biệt, Phú Thọ có 02 di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đó là hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Những giá trị văn hóa, di sản văn hóa ở Phú Thọ đều có khả năng khai thác phục vụ cho tham quan, du lịch, sử dụng trong dạy học và các hoạt động giáo dục ở trường phổ thông.

Cùng với chiều dài lịch sử phát triển của dân tộc, truyền thống hiếu học trên quê hương đất Tổ - Vua Hùng đã tồn tại và thăng hoa, đóng góp to lớn vào sự nghiệp trồng người của quê hương, đất nước. Do đó, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục gắn với việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa bản sắc dân tộc trong trường phổ thông là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết hướng tới xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đã bản sắc dân tộc

Trong nhưng năm qua, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ đã triển khai thực hiện nội dung giáo dục địa phương, sử dụng di sản văn hóa trong dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa bản sắc dân tộc trong trường phổ thông.

Thực hiện các phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực”, Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ đã ký Kế hoạch phối hợp số 1286/KH/SGD&ĐT-SVHTTDL-TĐTN-HLHPN-HKH ngày 04 tháng 9 năm 2012 với Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, tỉnh đoàn Thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh và Hội Khuyến học tỉnh về việc thực hiện phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, năm học 2012-2013.

Trong đó, nhấn mạnh việc đưa trò chơi dân gian, hát dân ca, hát Xoan và các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian khác vào trường học một cách bền vững; chủ động chăm sóc các di tích lịch sử văn hóa ở địa phương.

Căn cứ các văn bản Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2012-2013 của Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ đã ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo đến các cơ sở giáo dục về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó có nội dung giáo dục địa phương, giáo dục di sản văn hoá; chỉ đạo việc lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp sử dụng di sản văn hóa sao cho phù hợp, hiệu quả góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc.

Thực hiện Chương trình hành động số 382/CTr-UBND ngày 13 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp - hát Xoan Phú Thọ, giai đoạn 2012 - 2015", Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch cụ thể để tìm hiểu, đưa hát Xoan vào giảng dạy (môn Âm nhạc – THCS) và các hoạt động giáo dục ở trường phổ thông.

Thực hiện Công văn liên ngành số 73/HD - BGD&ĐT-BVHTTDL ngày 16 tháng 01 năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về “Sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm GDTX”, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có Văn bản số 251/SGD&ĐT-GDTrH ngày 1/3/2013 về việc hướng dẫn sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông nhằm tuyên truyền sâu rộng và chỉ đạo việc tổ chức thực hiện việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông.

Trong quá trình triển khai, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức biên soạn, thẩm định để ban hành tài liệu “Một số tư liệu Lịch sử tỉnh Phú Thọ” phục vụ cho giảng dạy Lịch sử địa phương; phối hợp với Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương trong đó có nội dung giáo dục di sản văn hóa thuộc các môn: Ngữ văn, Lịch sử, Điạ lí, Giáo dục công dân; giới thiệu tới các cơ sở giáo dục  cuốn sách “Đền Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” làm tư liệu học tập, tham khảo cho cán bộ, giáo viên và học sinh.

Năm học 2012-2013, cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa bản sắc dân tộc trong trường phổ thông bước đầu đã đạt được kết quả tích cực:

- Thông qua các hoạt động sử dụng và phát huy các giá trị văn hóa ở trường phổ thông, nhất là các trường PTDTNT huyện, trường PTDTNT tỉnh, đã thu hút đông đảo cán bộ, giáo viên học sinh tham gia, hưởng ứng tích cực, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên; giáo dục học sinh niềm tự hào, tự tôn dân tộc, giáo dục truyền thống, lối sống, lòng yêu quê hương đất nước, ý thức cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc.

- Phát huy tối đa những giá trị di sản văn hóa trong dạy học, giáo viên và học sinh đã khai thác triệt để những giá trị văn hóa, di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ qua các bài học địa phương của các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân về các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các làng nghề truyền thống, văn học dân gian, trò chơi dân gian, tín ngưỡng dân gian; nhiều cơ sở giáo dục đã nhận chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ, đình, đền, nhà tưởng niệm tại địa phương một cách chu đáo, tận tâm.

- Qua quá trình triển khai, nhiều cơ sở giáo dục đã vận dụng vào thực tiễn dạy học và các hoạt động giáo dục: Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa,văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian nhằm trao dồi sự hiểu biết của học sinh về các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh Phú Thọ và tinh hoa văn hóa của dân tộc, nhân loại; trong Cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học và Cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học đã có nhiều bài dạy, bài viết hay có sử dụng những giá trị văn hóa (đạt giải cấp tỉnh và cấp quốc gia).

- Nhiều cơ sở giáo dục đã tổ chức tuyên truyền, tìm hiểm và thực hiện nội dung hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong dạy học và các hoạt động giáo dục. Ngoài ra, trong các nhà trường còn tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian, trò chơi dân gian như: Hát dân ca, hát quan họ, ca dao, truyện cười Văn Lang, truyện ngụ ngôn, kéo co, đẩy gậy, nhẩy ba bố, đi cà kheo, đi cầu khỉ, bịt mắt đánh trống, múa sạp, đánh quay, ném còn, nhẩy dây, múa Khèn, hát Ví, biểu diễn cồng chiêng, hát đối dáp dân ca Mường, hát trống quân…vv

Để nâng cao chất lượng giáo dục gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa bản sắc dân tộc, cần tập trung vào các giải pháp sau:

- Làm tốt công tác tuyên truyền đến cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên và học sinh về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hoá trong dạy học và các hoạt động giáo dục của nhà trường; gắn với phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và các cuộc vận động lớn của ngành; chú ý công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, cách tiếp cận những giá trị văn hóa cho giáo viên theo tinh thần “di sản văn hóa ở quanh ta”.

- Xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục gắn với những giá trị văn hóa; xác định hình thức, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá cho phù hợp với kiểu bài và đối tượng học sinh (Không nhất thiết phải dạy học tại di sản mà sử dụng di sản như một phương tiện, tư liệu để dạy học); hướng dẫn học sinh chủ động, tích cực, sáng tạo trong việc tìm hiểu, khai thác, sử dụng các giá trị văn hóa trong quá trình học tập.

- Làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan, các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường đặc biệt là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tạo điều kiện hỗ trợ, đồng hành trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa bản sắc của dân tộc trong nhà trường một cách thống nhất, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả, có sức lan tỏa và bền vững.

- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện, tài liệu cho các cơ sở giáo dục; phổ biến rộng rãi Luật di sản văn hóa và có các văn bản hướng dẫn cụ thể về việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong trường phổ thông, để cán bộ, giáo viên và học sinh có điều kiện thuận lợi, có nhiều cơ hội nhất trong quá trình tiếp cận, giảng dạy và học tập, tiến tới xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa thế giới.

 Lê Xuân Trường
 Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.