Do đó, không có giảng viên tốt sẽ không có giáo viên tốt. Không có giáo viên giỏi sẽ không có trò giỏi.
Giảng viên sư phạm giữ vai trò tiên phong
Gần 20 năm trong nghề, cô Trần Thị Hiền Hòa – giáo viên Trường Mầm non Nhân Mỹ (Lý Nhân, Hà Nam) - chia sẻ, thời sinh viên, cô may mắn được giảng viên giỏi, có kinh nghiệm dạy. Những kiến thức học ở trường sư phạm đều được cô vận dụng vào thực tiễn công việc. Giờ đây, cô Hòa là một trong những giáo viên mầm non cốt cán của tỉnh Hà Nam; tham gia nhiều khóa tập huấn, bồi dưỡng do Bộ GD&ĐT và tỉnh tổ chức.
Trong quá trình tập huấn, cô được nhiều báo cáo viên giỏi, tâm huyết “truyền lửa” nhiệt huyết, tình yêu nghề, mến trẻ và năng lực sư phạm khi tổ chức các hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ. Từ kinh nghiệm và thực tiễn của bản thân, nữ nhà giáo cho rằng, không có giảng viên tốt sẽ không có giáo viên tốt.
Thầy Mai Xuân Bình - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Rí Cửa 2 (Tuy Phong, Bình Thuận) - phân tích, không có giảng viên tốt sẽ không có giáo viên tốt, cũng giống như “thầy có giỏi thì trò mới giỏi”. Từ quan điểm này, thầy Bình nhấn mạnh, cần chú trọng đến vai trò các trường sư phạm. Cùng với đó quan tâm đến đội ngũ nhà giáo nói chung và cơ sở giáo dục, đào tạo giáo viên nói riêng, bởi suy cho cùng, chất lượng giáo dục được quyết định bởi chất lượng của đội ngũ các nhà sư phạm.
Theo TS Hồ Lam Hồng - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) - nhấn mạnh, giảng viên ở các trường sư phạm là chiếc máy cái để đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp. “Đã qua đi thời kỳ “cơm chấm cơm” mà hiện nay hệ thống tiêu chuẩn hóa rất cụ thể và rõ ràng với từng đối tượng nghề nghiệp theo luật định. Chẳng hạn 5 tiêu chuẩn và 18 tiêu chí đối với giảng viên sư phạm” - TS Hồ Lam Hồng chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh: Các tiêu chuẩn của giảng viên sư phạm chú trọng nhiều đến năng lực chuyên môn nghiệp vụ và năng lực nghiên cứu khoa học. Đây là năng lực đặc thù đối với nhà giáo.
Cũng theo TS Hồ Lam Hồng, tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo cũng là điểm cần chú ý, bởi họ là những hình mẫu cho sinh viên học tập như bản lĩnh nghề nghiệp, lối sống và cách ứng xử chuẩn mực, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm để giữ gìn uy tín của nhà giáo. Đồng thời, tác phong làm việc khoa học, nghiêm túc… là những yếu tố cần thiết đối với giảng viên sư phạm.
Ngoài những tiêu chuẩn đã quy định, giảng viên sư phạm là người truyền cảm hứng cho người học; có khả năng kết nối như: Kết nối các cơ sở giáo dục với cơ sở đào tạo; kết nối đội ngũ giáo viên hay giảng viên sư phạm vào hoạt động nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng chuyên môn… và tấm gương tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ bản thân.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) thực hành thí nghiệm hóa học. Ảnh: INT |
Cần quy hoạch, sắp xếp lại các trường sư phạm
TS Trần Thị Minh Huế - Trưởng khoa Khoa Giáo dục mầm non, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) - cho rằng, cần quan tâm, phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Để đảm bảo chất lượng trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, cần quan tâm phát triển đội ngũ giảng viên giúp họ trở thành những “giảng viên tốt”.
Ở góc nhìn khác, TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - nêu quan điểm, một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên là quy hoạch, sắp xếp lại các trường sư phạm, cơ sở đào tạo. Trước mắt, từ nay đến năm 2025, cơ bản giữ nguyên hệ thống cơ sở sư phạm như hiện nay. Thực hiện phân tầng lại (theo sứ mệnh) hệ thống này thành các trường đại học sư phạm/đại học giáo dục trọng điểm, cơ sở sư phạm Trung ương, trường/khoa sư phạm của cơ sở đào tạo ở địa phương, các trường cao đẳng sư phạm địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng và nâng cấp trình độ đào tạo của cơ sở sư phạm địa phương cho phù hợp với các yêu cầu của Luật Giáo dục 2019.
TS Lê Viết Khuyến kiến nghị, Nhà nước có chính sách hỗ trợ sớm thành lập trường thực hành liên cấp chất lượng cao trong các trường/khoa sư phạm. Thực hiện đào tạo và bồi dưỡng giáo viên chủ yếu theo địa chỉ. Xây dựng cơ chế “đặt hàng đào tạo giáo viên” từ các địa phương.
Sau năm 2025, TS Lê Viết Khuyến đề xuất, cơ sở sư phạm từng bước chuyển thành trường giáo dục trong đại học đa lĩnh vực hoặc khoa sư phạm trong trường đại học địa phương. Ngoài ra, có thể phát triển thành trường đại học địa phương đa ngành để có sự ổn định trong hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và huy động được sức mạnh tổng hợp của tất cả cơ sở giáo đục đại học trong đào tạo giáo viên khi xuất hiện nhu cầu lớn. Giải thể cơ sở sư phạm không đảm bảo chất lượng dựa trên kết quả kiểm định và điều tra việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.
Theo TS Lê Viết Khuyến, Bộ GD&ĐT xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; quy định tiêu chuẩn chất lượng các loại giáo viên. Đồng thời, quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và giao chỉ tiêu đào tạo.
Nên có cơ chế bố trí việc làm của sinh viên tốt nghiệp ở trường đại học sư phạm, đại học giáo dục trọng điểm/Trung ương. Các trường này tập trung đào tạo giáo viên THPT, chuyên gia giáo dục ở các trình độ sau đại học, nghiên cứu khoa học giáo dục, bồi dưỡng giảng viên cho trường sư phạm và trường THPT trên phạm vi toàn quốc.
UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương quản lý trực tiếp và giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, THCS cho trường/khoa sư phạm địa phương. Trường/khoa sư phạm địa phương tập trung đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cho trường mầm non, tiểu học và THCS trong địa phương theo chỉ tiêu do chính quyền địa phương giao.
“Chỉ có giảng viên sư phạm tốt (được hiểu là những người vừa có tâm, vừa có tầm; vừa có trình độ chuyên môn cao và có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt…) mới có thể đào tạo lứa học trò tốt. Bởi giảng viên là người truyền lửa nghề nghiệp và là tấm gương sáng cho mọi người nhìn vào học tập” - TS Hồ Lam Hồng nhấn mạnh.