Nâng chất giáo dục từ duy trì sĩ số

GD&TĐ - Đối với giáo dục vùng cao, công tác duy trì tỷ lệ chuyên cần đóng vai trò quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Mặt khác, khi sĩ số ổn định, các nhà trường sẽ có điều kiện xây dựng nền nếp, kỉ cương, tạo cơ sở tiếp thu kiến thức, kĩ năng cho HS được bảo đảm tính liên tục, hiệu quả. 

Cần tư vấn hướng nghiệp sớm cho HS dân tộc để nâng cao ý thức học tập. Ảnh: T.G
Cần tư vấn hướng nghiệp sớm cho HS dân tộc để nâng cao ý thức học tập. Ảnh: T.G

Cái khó của trường vùng cao

Thầy Nguyễn Xuân Toàn - Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bắc Hà, huyện Bắc Hà (Lào Cai) chỉ ra nguyên nhân khiến HS THPT tại Bắc Hà bỏ học: Kinh tế - xã hội khó khăn so với mặt bằng chung; Giao thông đi lại không thuận lợi, tập quán canh tác lạc hậu…

Đặc biệt, vài năm trở lại đây có hiện tượng bố mẹ đi làm tại Trung Quốc ít về nhà, không quan tâm đến con cái. Mặt khác, HS là người dân tộc thiểu số chiếm trên 80% nên có nhiều phong tục, tập quán ảnh hưởng lớn đến học hành như: Nghỉ học để ăn cưới, đám ma, tết, lễ hội…

Còn theo cô Nguyễn Hương Giang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Thanh Vân, Quản Bạ (Hà Giang), dù xã hội đã phát triển nhưng nhận thức của một bộ phận PHHS người dân tộc còn hạn chế. Nhiều gia đình vẫn xem nhẹ vấn đề HS bỏ học, một số GV nghĩ rằng HS bỏ học sẽ làm “nhẹ gánh” cho lớp, cho trường vì phần lớn trong đó có học lực yếu kém và chưa ngoan. Đặc biệt, không loại trừ trường hợp GV hạn chế về năng lực, tâm lý sư phạm, gây chán nản dẫn tới học yếu và bỏ học… ở HS.

Giải pháp nào ổn định sĩ số?

Theo bà Nguyễn Thị Minh Xuân - Trưởng phòng GD&ĐT Mường Khương (Lào Cai), xác định công tác huy động HS ra lớp và duy trì tỷ lệ chuyên cần sẽ quyết định đến sự phát triển của giáo dục, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, phòng GD&ĐT, các đơn vị trường học làm tốt công tác tuyển sinh. Tích cực tuyên truyền, vận động HS ra lớp; tổ chức ký cam kết huy động số lượng HS giữa lãnh đạo UBND xã, thị trấn với lãnh đạo huyện...

HS dân tộc bán trú. Ảnh minh họa/ INT
 HS dân tộc bán trú.           Ảnh minh họa/ INT

Công tác vận động HS ra lớp, duy trì HS đi học chuyên cần đã được đưa vào quy ước, hương ước. Đây cũng trở thành một trong những tiêu chí xét gia đình văn hóa để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhân dân trong việc tạo điều kiện cho con em đến trường.

Bà Xuân cũng cho biết: Để duy trì sĩ số lớp học, chính quyền địa phương và phòng GD còn giao trách nhiệm cho từng cán bộ phụ trách thôn bản; GV phụ trách lớp… vận động HS nghỉ học quay trở lại trường. Huy động sự vào cuộc của toàn thể các ban, ngành, đoàn thể trong xã, phối hợp với các đơn vị trường học nắm bắt tình hình đi học của HS theo từng buổi học. Cán bộ xã, GV phụ trách HS từng thôn có trách nhiệm tìm hiểu nguyên nhân HS nghỉ học và kịp thời đưa HS ra lớp...

Ngành Giáo dục đã tổ chức giao ban kiểm tra và làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương về nâng cao tỷ lệ HS đi học chuyên cần. Phân công lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức phòng Giáo dục trực tiếp phụ trách các xã, thị trấn…

Cô Đinh Loan Vân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nghĩa Thuận, Quản Bạ (Hà Giang) chia sẻ: Trường thuộc vùng khó với hơn 400 HS, 22 lớp học, 100% HS thuộc thành phần dân tộc khác nhau (Nùng, Mông…). Điều kiện gia đình HS cơ bản khó khăn. Để ổn định sĩ số HS, loại bỏ tình trạng HS bỏ trốn học, nhà trường xác định phải làm thật tốt công tác bán trú. Với HS vùng cao từng bữa ăn bảo đảm chất lượng, sự chăm sóc tận tình của GV trong quá trình bán trú, các hoạt động ngoại khóa hấp dẫn… sẽ là phương pháp hiệu quả khiến các em gắn bó và thêm yêu trường lớp, không bỏ - trốn học.

Cô Vân cho biết: “Do làm tốt công tác bán trú, nhiều HS sau thời gian ngắn vào trường chỉ số sức khỏe, cân nặng, chiều cao tăng đáng kể. Có HS ốm, bố mẹ đến đón về vẫn xin ở lại trường vì các em thích những bữa ăn bán trú đủ chất ngon miệng, có thầy cô chăm sóc tận tình, chu đáo... Duy trì sĩ số với trường vùng cao, HS dân tộc là bài toán không khó giải nếu tìm đúng cách”.

Với kinh nghiệm quản lý trường THPT, thầy Nguyễn Xuân Toàn lại rút ra những biện pháp phục tình trạng HS bỏ học, nâng cao tỷ lệ chuyên cần: Nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, GV về tác hại tình trạng HS bỏ học gây ra; Phát huy vai trò của GV bộ môn, GV chủ nhiệm và các tổ chức đoàn thể trong nhà trường đối với tình trạng HS bỏ học; Đặc biệt, cán bộ quản lý cần chỉ đạo thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và tích cực triển khai mô hình trường học gắn với thực tiễn, các hoạt động trải nghiệm; cùng đó cần tăng cường kiểm tra - đánh giá kết quả học tập của HS…

Duy trì sĩ số và nâng cao tỷ lệ chuyên cần đòi hỏi trách nhiệm của toàn xã hội, song nhà trường phải đóng vai trò hạt nhân nòng cốt. Các trường cần xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, các cấp quản lý trong việc giáo dục HS; có chế độ đối với các HS nghèo vượt khó, học tốt…
                                                                   Thầy Nguyễn Xuân Toàn 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ