Nỗi lo duy trì sĩ số
Nghỉ hè, các em trở về bản với bố mẹ. Hết hè, có em xuống núi để tựu trường đúng lịch. Nhưng không ít em ở nhiều bản vùng cao không nhớ lịch, thậm chí vì nhiều lí do đã quyết định bỏ học. Vì vậy, trước ngày tựu trường, các nhà trường ở vùng cao đã phải làm thêm một công việc mà bản thân mỗi thầy cô giáo đều phải tham gia dù không mong muốn. Đó là thay nhau, chia nhau đi gọi học trò ở các bản xa.
Dù làm gì, nghỉ hè ở đâu, cứ đến thời điểm tháng tám, các thầy cô lại trở về trường để cùng nhau lo sĩ số, lo đến bản báo học trò lịch tựu trường. Cô giáo Nguyễn Thị Đàm, quê ở Phú Thọ, dạy học ở điểm trường tiểu học Huổi Lá, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) đã 18 năm chia sẻ: “Mấy năm nay, học sinh đến trường đủ hơn, đúng lịch hơn nên ít khi phải đi bản vận động như trước”.
Cô giáo Hoàng Thị Thanh Huyền cùng đồng nghiệp Trường Mầm non số 2 Xuân Hòa ( Bảo Yên - Lào Cai) đến bản vận động học sinh |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sĩ số đầu năm ở các trường học vùng khó không ổn định và các thầy cô giáo phải lo việc đi gọi học trò. Song, lí do cơ bản vẫn là nhận thức của đại đa số phụ huynh trong các bản vùng sâu. Nhiều học sinh nữ sau hè đã được gia đình quyết định cho ở nhà lấy chồng. Phụ huynh cho rằng, vì đã nhận lễ của nhà trai rồi, nhà lại khó khăn nên không đi học được.
Việc đi đến tận bản để vận động, để tìm học sinh đâu phải dễ, có khi mất cả một tuần mới hoàn thành công việc. Núi cao, suối sâu, những con đường đất nhỏ chỉ vừa đi bộ chứ xe máy hay xe đạp thì khó lòng qua được. Hơn nữa, mùa này mưa lũ nhiều, nước ở các con suối dâng cao khó lòng qua được. Sóng điện thoại hay thông tin liên lạc đành chịu thua vì bản cao và xa quá.
Vượt khó khăn để chia sẻ với học trò
Hành trình xuống núi học chữ của học trò vùng cao thấm đẫm nỗi vất vả của cả thầy và trò |
Cô giáo Hoàng Thị Vân, giáo viên Trường PTCS Bán trú Tân Tiến (Bảo Yên - Lào Cai) thể hiện cảm xúc trên trang cá nhân sau chuyến đi bản tìm học trò: “Con đường đến trường còn xa lắm! Mong cac em cố gắng nhiều hơn”. Đó là cảm xúc vẹn nguyên của cô Vân và đồng nghiệp khi vượt qua những chặng đường xa tít với núi cao, suối sâu để đến các bản mới nghe qua đã thấy “rợn” người rồi như Cán Chải I, Cán Chải II, Thác Xa, Nặm Phung, Nặm Chày, Nặm Hu, Nặm Dìn, Nặm Phầy…
“Niềm mong mỏi về một tương lai tươi sáng của học trò đã giúp chúng em có thêm nghị lực để đến bản xa đón học trò”, cô Hoàng Thị Vân chia sẻ. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Đạo (Trường THCS số 2 Xuân Hòa - Bảo Yên - Lào Cai) đã dạy học ở vùng cao Xuân Hòa hơn chục năm. Đến giờ, thầy Đạo và đồng nghiệp của mình không đếm được và không nhớ rõ đã bao nhiêu chuyến lên bản để vận động học trò xuống núi. Thầy Đạo tâm sự: “Lặn lội lên nhà học trò, mới thấy gia cảnh các em còn thiếu thốn quá. Cơm trộn sắn ăn với muối ớt, ngẫm lại càng thấy thương học trò của mình quá”.
Khi đến các bản để tìm, vận động, bõ công không quản ngại đường xa, sau khi đã nghe lời thầy cô, hầu hết các em học sinh đã “khăn gói” theo chân các thầy cô giáo để đến trường, kịp với thời gian tựu trường. Phụ huynh cũng nhận thức được vai trò của việc học nên đã động viên con em mình đến trường. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, có em đã đi làm thuê ở nơi xa, đã lấy chồng nên khó lòng đưa các em trở lại trường được. Đó là khó khăn, là nỗi buồn của thầy cô giáo mỗi khi mùa tựu trường về.
“Đến nhà mới thầy hoàn cảnh của các em học sinh thật khó khăn. Ngoài đường xa, nhiều em gia đình rất nghèo khó nên không muốn đi học, chỉ muốn ở nhà lên nương rẫy trồng ngô khoai”, thầy giáo Nguyễn Duy Thể, giáo viên Trường THCS Thu Cúc (Tân Sơn, Phú Thọ) chia sẻ. Vì vậy, mỗi khi đi vận động học sinh, các thầy cô giáo thường mang theo sách vở, bút, quần áo để tặng các em. Đó như một sự động viên kịp thời để mong các em có thêm động lực đến trường.
Ấm áp nhà bán trú
Sự cố gắng của thầy cô giáo trước ngày tựu trường sẽ làm cho sỹ số học sinh các nhà trường được đông đủ hơn |
Những năm gần đây, các trường học ở vùng cao trên khắp các địa phương đã lập mô hình nhà bán trú. Đây là mô hình góp phần quan trọng làm vơi đi nỗi lo sĩ số đầu năm học của các nhà trường ở vùng cao Tây Bắc, giảm đi gánh nặng đối với thầy cô giáo và phụ huynh học sinh. Nhờ mô hình này, các chế độ, chính sách hỗ trợ cho học sinh người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa được áp dụng và đưa vào phục vụ cho công tác bán trú.
Sau mỗi buổi học, thay cho việc các em phải “ngược sơn” về bản trên con đường xa xôi thì nay các em được ở lại trong những căn phòng ấm cúng có đủ những điều kiện phục vụ cho sinh hoạt. Đặc biệt, bữa ăn nóng hổi hằng ngày tại bếp ăn bán trú đã giúp học trò vùng cao ấm lòng và phụ huynh hoàn toàn yên tâm cho con đến trường học chữ.
Học sinh bán trú Trường THCS Nậm Cang (Sa Pa, Lào Cai) cùng nhau chăm sóc vườn rau xanh để phục vụ cho bữa ăn của năm học mới |
Nhà bán trú được tổ chức cùng với những hình thức hoạt động vừa thân thiện vừa mang tính giáo dục cao, các em học sinh vùng cao đã coi đây là ngôi nhà, là mái ấm của mình. Các em học sinh cảm thấy gắn bó và có thêm quyết tâm học tập khi được Nhà nước hỗ trợ, được thầy cô chăm lo hằng ngày. Điều đáng mừng là từ khi có mô hình nhà bán trú, tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh tại các nhà trường vùng cao luôn chiếm từ 98 - 100% học sinh trong độ tuổi. Đặc biệt, phụ huynh và học sinh đã nhận thức được sâu sắc vai trò của sự học và quyết tâm theo học hết cấp.
Thầy giáo Lục Tiến Vinh - Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tân Tiến (Bảo Yên - Lào Cai) chia sẻ: “Những năm gần đây, nhờ có mô hình bán trú mà học sinh tại các bản xa đã tích cực đến trường. Tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm đáng kể và chất lượng giáo dục của nhà trường được nâng lên rõ rệt”. Đó cũng là tín hiệu vui đối với các trường học ở vùng cao. Bởi lẽ, khi điều kiện cần và đủ được đảm bảo thì việc nhận thức về vai trò của sự học và việc tiếp nhận con chữ sẽ trở nên dễ dàng hơn.