Cô Ngô Thị Lương - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Lai Châu - cho rằng: Khi giảng dạy và học tập phần này, giáo viên (GV) và học sinh (HS) gặp một số khó khăn như: Đối tượng tế bào khó quan sát bằng mắt thường; có nhiều kiến thức liên môn trừu tượng như Hóa học, Vật lý, Toán học; thiếu các hình ảnh trực quan sinh động.
Do đó việc tiếp thu, lĩnh hội các kiến thức của HS phần này gặp nhiều hạn chế, đôi khi HS phải chấp nhận tiếp thu kiến thức một cách thụ động.
Điểm mặt hạn chế trong dạy học Sinh học
Thực trạng dạy học Sinh học nói chung, học phần Sinh học tế bào (Sinh học 10) vẫn còn bất cập, thể hiện ở việc GV quá chú trọng truyền tải cho hết nội dung kiến thức bài học mà chưa thật sự quan tâm rèn kỹ năng tự học cho HS.
Với đặc trưng riêng, Sinh học là môn học cho phép tích hợp được nhiều phương pháp dạy học (PPDH) tích cực, trong đó có cả phương pháp dạy - tự học. Tuy nhiên, điều này cũng chưa thực sự được chú ý trong quá trình dạy học Sinh học ở nhà trường phổ thông hiện nay.
Việc ứng dụng CNTT trong dạy và học cũng là một trong những yêu cầu của giáo dục hiện đại.
Trên thực tế, nhiều phần mềm dạy học đang được sử dụng nhưng đa số mới chỉ dừng lại ở việc tạo ra các tài liệu hỗ trợ việc dạy của GV, tính tương tác giữa tài liệu với người học chưa cao, thông tin cung cấp một chiều, chưa gây được hứng thú và lòng say mê học tập của HS, do đó, gây ra những khó khăn trong dạy học theo hướng tăng cường hoạt động tự học của HS.
Một số bất cập về tài liệu dạy học
Riêng về tài liệu dạy học, cô Ngô Thị Lương cho biết, hiện nay các tài liệu dạy học Sinh học rất phong phú. Tuy nhiên, đối với sách giáo khoa, sách tham khảo, sau khi trình bày một khối lượng lớn tri thức (lý thuyết) thường có một loạt câu hỏi, bài tập vận dụng.
Cách cấu trúc này gây ra nhiều khó khăn trong quá trình tự học theo tài liệu đối với nhiều HS. Nó chỉ phù hợp với một bộ phận nhỏ HS có năng lực trí tuệ cao. Trước một lượng kiến thức lớn, rất nhiều HS có thể nhớ được hết, do đó sẽ rất khó khăn khi vận dụng.
Hơn nữa, với một khoảng thời gian dài, HS chỉ toàn học lý thuyết, không được trả lời câu hỏi và làm bài tập sẽ gây ra cảm giác nhàm chán, ức chế khi học và dễ quên nội dung lý thuyết. Hệ thống các câu hỏi, bài tập chưa được phân bậc một cách hợp lý cũng làm cho HS gặp nhiều khó khăn khi trả lời.
Đối với các tài liệu có sử dụng các phần mềm dạy học: Đa số các tài liệu này chủ yếu thực hiện chức năng hỗ trợ quá trình giảng dạy của GV, giúp GV tổ chức các hoạt động dạy - học, tính tương tác giữa nội dung học tập và người học còn chưa cao.
Đối với các tài liệu tự học tương tác (THTT): Để xây dựng được một tài liệu THTT chất lượng, có tính sư phạm và sử dụng để dạy – tự học hiệu quả đòi hỏi phải có thời gian đầu tư và sự gia công sư phạm của GV.
Do đó, trên thực tế có rất ít tài liệu loại này được chú ý xây dựng. Mặt khác, do một số GV còn chưa tích cực ứng dụng CNTT trong dạy học, cơ sở vật chất thiếu và không đồng bộ cùng với tâm lí ngại đổi mới nên chỉ dừng lại ở việc tạo ra các tài liệu trình chiếu thông thường, còn các tài liệu có tính tương tác cao giúp HS có thể tự học thì chưa được quan tâm, đầu tư xây dựng và sử dụng.
Quy trình xây dựng, sử dụng tài liệu tự học tương tác
Việc xây dựng tài liệu tự học tương tác, theo cô Ngô Thị Lương, phải đảm bảo tính định hướng vào mục tiêu bài học; đảm bảo tính chính xác, tính khoa học; đảm bảo tính trực quan, thẩm mỹ; tính sư phạm và đảm bảo tính hiệu quả.
Với các nguyên tắc này, cô Ngô Thị Lương đề xuất quy trình xây dựng tài liệu tự học tương tác phần Sinh học tế bào như sau:
Về sử dụng tài liệu, các nguyên tắc được cô Ngô Thị Lương đưa ra là:
Đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc sử dụng tài liệu; đảm bảo tính tương tác cao; đảm bảo phối hợp phương tiện dạy học khác một cách hiệu quả; đảm bảo rèn được kỹ năng tự học cho HS phát huy tối đa tính tích cực của HS.
Quy trình sử dụng tài liệu THTT phần Sinh học tế bào cụ thể:
Một số lưu ý
Cô Ngô Thị Lương cho biết, với việc xây dựng tài liệu THTT để sử dụng trên máy tính cá nhân sẽ giúp người học khắc phục được các khoảng cách về thời gian và không gian trong việc học tập từ đó dẫn đến giảm giá thành và nâng cao hiệu quả của việc học.
Tài liệu thường được phân phối cho từng HS mang về sử dụng trên máy tính cá nhân mọi nơi, mọi lúc tùy theo nhu cầu và điều kiện cụ thể của mỗi người. GV cũng có thể sử dụng tài liệu đó trong các khâu của quá trình DH.
Có thể tích hợp được đồ hoạ (graphic), các hình ảnh động và tĩnh (image), âm thanh (sound), phim video, các thí nghiệm ảo… nhằm tăng tính trực quan. Kết hợp chặt chẽ với các dạng câu hỏi (MCQ, điền khuyết, đúng sai, ghép đôi, kéo thả…), các bài tập, sơ đồ, bảng biểu…
Một ưu điểm khác của tài liệu tự học tương tác là có thể sử dụng mọi nơi, mọi lúc, sử dụng nhiều lần, lặp lại từng phần tùy nhu cầu cụ thể của từng người học.
Quá trình kiểm tra, đánh giá hoàn toàn tự động, khách quan, cho thông tin phản hồi nhanh chóng. Có thể là kiểm tra sau mỗi nội dung nhỏ hoặc kiểm tra toàn bài, có sự quản lý về thời gian đòi hỏi HS phải tích cực tư duy.
Tài liệu có thể được xuất bản thành các file chạy độc lập không mất thời gian cài đặt, dễ nhân bản với số lượng lớn. Thông tin nhiều nhưng vẫn được quản lí tốt bởi các file nhỏ, gọn, dễ sử dụng, dễ vận chuyển đến mọi nơi thông qua email hoặc truyền tệp trên mạng. Dễ dàng đưa vào các thư viện điện tử hiện đang rất phát triển.
Với các ưu điểm trên, tài liệu THTT giúp hình thành và phát triển năng lực tự học của HS.
Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả tài liệu THTT, đòi hỏi điều kiện về cơ sở vật chất (phòng máy có đủ máy tính cho HS học tập, nếu HS học ở nhà, cần có máy tính cá nhân) và trình độ nhất định của GV và HS về CNTT...