Nâng cao tuyên truyền thực hiện chương trình giảm nghèo

GD&TĐ - Nâng cao năng lực thực hiện chương trình giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025.

Bà Nguyễn Minh Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát biểu tại hội nghị tập huấn.
Bà Nguyễn Minh Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát biểu tại hội nghị tập huấn.

Sáng 15/11, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị tập huấn Nâng cao năng lực thực hiện chương trình giảm nghèo về thông tin thuộc 'Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025'.

Quang cảnh buổi tập huấn.

Quang cảnh buổi tập huấn.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe các chuyên đề: Một số chính sách hỗ trợ tiếp cận thông tin đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước Việt Nam về dân tộc, miền núi.

Kết thúc Hội nghị, các đại biểu được nghe về Kỹ năng viết bài, thông tin tuyên truyền về vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2019 tại 54 tỉnh, 503 huyện, 5.468 xã có 14.119.256 người DTTS với 3.350.756 hộ DTTS, chiếm 14,7% dân số cả nước (số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 tính trên 63 tỉnh, thành phố có 14.142.720 người DTTS với 3.612.331 hộ DTTS).

Trong đó có 6 dân tộc trên 1 triệu người (Tày, Thái, Mường, Khmer, Nùng và Mông); 14 dân tộc dưới 10.000 người, trong đó có 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người (Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu).

Ông Đinh Xuân Thắng – Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc - báo cáo viên tại buổi tập huấn.

Ông Đinh Xuân Thắng – Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc - báo cáo viên tại buổi tập huấn.

Đến nay, 100% huyện có đường đến trung tâm huyện; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm xã (năm 2008: 96%); 100% xã được tiếp cận với điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện đạt 93,9% (năm 2008: trên 70%);

100% xã có trường tiểu học và trung học cơ sở, 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,3% xã có trạm y tế; gần 100% số xã có nhà văn hóa hoặc điểm bưu điện văn hóa...

Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách để phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, song khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các dân tộc, các vùng, miền chưa được thu hẹp.

Hiện tỷ lệ DTTS chỉ chiếm 14,7% dân số cả nước, nhưng tỷ lệ hộ nghèo DTTS tính trên tổng số hộ nghèo cả nước còn cao. Năm 2015 là 45,25%, năm 2016 là 48,22%, năm 2017 là 52,66% và năm 2018 là 55,27%, cao hơn 3 - 4 lần so với tỷ lệ dân số DTTS và có xu hướng tăng.

Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo DTTS chiếm tới 61,29% tổng số hộ nghèo cả nước; thu nhập bình quân đầu người của DTTS chỉ bằng 0,3 lần so với bình quân chung cả nước. Chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư ngày càng lớn.

Đối tượng nghèo của Việt Nam đang diễn biến theo hướng tập trung vào DTTS. Chỉ tính riêng giai đoạn 2014 - 2017, số hộ nghèo là người DTTS mỗi năm tăng thêm 67.000 hộ. Đặc biệt là đối với một số nhóm DTTS tỷ lệ hộ nghèo rất cao như: Ơ Đu, Co, Khơ Mú, Xinh Mun, La Ha, Kháng, Mông và Xơ Đăng. Cá biệt có những nhóm DTTS tỷ lệ hộ nghèo rất cao.

Qua hội nghị, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương sẽ tiếp cận được nhiều hơn các thông tin về đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, qua đó, có được các kỹ năng để viết bài và tuyên truyền về công tác giảm nghèo bền vững một cách cụ thể, bài bản;

Đồng thời, giúp cho các chính sách về giảm nghèo bền vững của Đảng và Nhà nước được cụ thể hoá đến tận những người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cũng tại buổi tập huấn, TS. Nguyễn Quang Hòa, Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nguyên Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã chia sẻ những kỹ năng viết bài, thông tin tuyên truyền về vùng đồng bào dân tộc, miền núi.

Thông qua buổi tập huấn, đội ngũ phóng viên, biên tập viên đã có được thông tin đầy đủ, cụ thể để tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật thông qua các tin bài và phóng sự nhằm lan tỏa chính sách của Đảng và Nhà nước đến mọi tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, người miền núi; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân nắm và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, tạo động lực phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, góp phần đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền sai trái, xuyên tạc của các thể lực thù địch, xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ