Xây dựng, trưởng thành về nhiều mặt
Khoa Dự bị Dân Tộc, Trường ĐH Cần Thơ được thành lập ngày 26/10/2007 nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững cho các địa phương còn gặp nhiều khó khăn các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL.
Khoa có nhiệm vụ tiếp nhận, tổ chức giảng dạy, giảng dạy và quản lý học sinh dự bị đại học, học sinh được xét tuyển thẳng vào đại học. Việc giảng dạy nhằm giúp cho học sinh củng cố lại một cách có hệ thống những kiến thức cơ bản của chương trình Trung học phổ thông và rèn luyện phương pháp tư duy, giúp cho học sinh có đủ năng lực để học tốt các môn học ở trình độ đại học.
Hiện nay, Khoa Dự bị Dân tộc, Trường ĐH Cần Thơ có các hệ đào tạo như: Đào tạo các lớp dự bị đại học 4 khối A, B, C, D gồm 2 hệ đào tạo dự bị chính quy và dự bị cử tuyển; hàng năm có khoảng 250 học sinh. Trong một năm học tập, học sinh dự bị đại học sẽ được học theo chương trình thống nhất và quy chế “Đào tạo hệ Dự bị đại học” của Bộ GD&ĐT (mỗi khối gồm từ 6 đến 8 môn học).
Ngoài 3 môn học chính khóa của khối A (Toán học, Vật lý, Hóa học), Khối B (Toán học, Hóa học, Sinh học), Khối C (Văn học, Lịch sử, Địa lý), Khối D ( Toán học, Văn học, Anh văn), các học sinh còn phải học các môn Tiếng Việt, Tin học, Anh văn, Giáo dục Công dân, Giáo dục Thể chất nhằm đáp ứng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Khoa Dự bị Dân tộc còn đào tạo các lớp bổ sung kiến thức cho học sinh được xét tuyển thẳng của 22 huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo đặc biệt khó khăn thuộc ĐBSCL; hàng năm có khoảng 1000 học sinh. Trong 1 năm học, học sinh diện xét tuyển thẳng sẽ được học theo 2 khối (Khối Tự nhiên và Khối Xã hội nhân văn) theo chương trình và quy chế đào tạo riêng của Trường ĐH Cần Thơ.
Hiện nay Khoa Dự bị dân tộc có 11 cán bộ cơ hữu, tất cả giảng viên đều có trình độ thạc sĩ và hằng năm có khoảng hơn 20 cán bộ từ các các đơn vị khác trong trường tham gia giảng dạy hệ dự bị đại học.
Theo thầy Nguyễn Hoàng Long - Quyền Trưởng Khoa Dự bị dân tộc, Trường ĐH Cần Thơ: Trong thời gian 10 năm qua, Khoa Dự bị Dân tộc đã có quá trình xây dựng, trưởng thành về nhiều mặt. Đào tạo gần 3000 học sinh hệ dự bị đại học (bao gồm hệ dự bị chính quy, hệ dự bị cử tuyển và hệ xét tuyển thẳng).
Đào tạo nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số
Trao học bổng cho các em học sinh nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Dự bị dân tộc |
Đào tạo hệ dự bị đại học là một trong những chiến lược của Đảng và Nhà nước nhằm tạo nguồn nhân lực trình độ khoa học kỹ thuật cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Nhờ sự quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng này đã có hàng ngàn con em đồng bào dân tộc được học đại học và ra trường trở về phục vụ quê hương.
Quá trình xây dựng và phát triển của Khoa Dự bị Dân tộc, Trường ĐH Cần Thơ trong 10 năm qua là quá trình liên tục phát huy nội lực của các thế hệ cán bộ, giảng viên và học sinh. Những thành tích đạt được là sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường ĐH Cần Thơ, sự hợp tác và giúp đỡ của các đoàn thể, đơn vị trong toàn trường…
Đặc biệt, từ năm học 2013 - 2014 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước, trong đó có 22 huyện nghèo thuộc khu vực Tây Nam bộ, Khoa Dự bị Dân tộc đào tạo hệ xét tuyển thẳng và hiện tại có 148 học sinh hệ xét tuyển thẳng đang học tập tại trường.
Bên cạnh được ôn tập, củng cố một cách có hệ thống kiến thức cơ bản của chương trình trung học phổ thông, các em còn được rèn luyện kỹ năng sống như kỹ năng ứng xử văn hóa, kỹ năng hoạt động xã hội, kỹ năng làm việc theo nhóm thông qua các hoạt động do Đoàn Thanh niên tổ chức như: văn nghệ, thể dục thể thao, hội trại thanh niên, hội thi viết báo tường và các hoạt động tình nguyện khác… để học sinh hoàn thiện bản thân.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đào tạo hệ Dự bị dân tộc nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy và học. Bên cạnh đó, các trường có nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng đầu vào, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy phục vụ hệ Dự bị dân tộc.
Như Trường ĐH Cần Thơ, năm học 2013 - 2014, trường đưa vào sử dụng khu hành chính Khoa Dự bị Dân tộc, với tổng kinh phí 25 tỉ đồng. Khoa được trang bị phòng máy tính có nối mạng internet, tất cả phòng học được lắp đặt máy chiếu phục vụ giảng dạy…
Theo PGS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ: Nhà trường luôn dành nhiều tình cảm và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thầy cô giáo và các em học sinh Khoa Dự bị Dân tộc. Trường luôn cố gắng trang bị cơ sở vật chất khang trang và đội ngũ giảng viên tốt nhất giúp các em học sinh có thể tiếp cận môi trường học tập, nghiên cứu hiện đại và có chất lượng…