Đại biểu Hoàng Quang Hàm nhấn mạnh: Nâng cao tính tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học là quan trọng, hội nhập là tất yếu, nhưng phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Do đó cần nhìn nhận đầy đủ quy định rõ trong luật các nội dung cần giao tự chủ và xác định điều kiện để thực hiện tự chủ cho từng loại hình cơ sở giáo dục đại học.
Theo đại biểu Hàm, tự chủ cần hướng tới và cụ thể rõ 3 mục tiêu: Tự chủ trong hoạt động chuyên môn; tự chủ về bộ máy và nhân sự; tự chủ về tài chính và tài sản.
Điều kiện để thực hiện tự chủ phải được xác lập và thực hiện thông qua quản lý nhà nước theo nguyên tắc không bó buộc tính tự chủ, nhất là các cơ sở tư thục nhưng phải đảm bảo phù hợp và không lãng phí các nguồn lực của xã hội.
"Ví dụ, các cơ sở tư thục hoặc có vốn nước ngoài được tạo điều kiện để tự chủ nhưng phải công khai, minh bạch thông tin, nhất là thứ bậc được đánh giá, kết quả kiểm định chất lượng của các tổ chức độc lập có uy tín, tỷ lệ sinh viên có việc làm khi tốt nghiệp v.v... để xã hội cân nhắc và lựa chọn.
Đặc biệt lưu ý tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập phải phân định rõ điều kiện và mức độ tự chủ phù hợp" - đại biểu Hoàng Quang Hàm dẫn giải.
Cũng theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, các cơ sở hoạt động bằng kinh phí ngân sách nhà nước với cơ sở hoạt động bằng một phần kinh phí nhà nước phải khác nhau về mức độ tự chủ, bộ máy nhân sự hay tự chủ về chuyên môn, nhất là tự chủ về tuyển sinh.
"Cần phải rà soát lại các quy định về quản lý tài chính, tài sản của các cơ sở công lập quy định tại Điều 66, 67 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, vì có nhiều điểm chưa phù hợp và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành như: phân loại mức độ tự chủ, sử dụng tài sản liên doanh, liên kết v.v..." - Đại biểu Hoàng Quang Hàm góp ý.