Nâng cao nhận thức của xã hội về công tác lưu trữ

Nâng cao nhận thức của xã hội về công tác lưu trữ

(GD&TĐ) – Ngày 12/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến về dự thảo Luật Lưu trữ. Nhiều đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật này sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh lưu trữ quốc gia hiện hành.

Đa số các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, việc ban hành Luật này sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh lưu trữ quốc gia hiện hành; điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh trong hoạt động lưu trữ; bổ sung quy định phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với tập quán và thông lệ quốc tế.

Nâng cao nhận thức của xã hội về công tác lưu trữ ảnh 1
Luật Lưu trữ được đưa vào thực hiện sẽ bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với tập quán và thông lệ quốc tế.

Việc ban hành Luật sẽ góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội đối với công tác lưu trữ; tiếp tục khẳng định tài liệu lưu trữ là tài sản quý báu của quốc gia, phải được quản lý thống nhất để khai thác, sử dụng lâu dài và phát huy giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại biểu Vũ Duy Hoà (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, trước mắt, có thể chúng ta còn gặp một số khó khăn về cơ sở vật chất… nhưng cần phải khắc phục dần, và Luật cần hướng tới việc xây dựng một hệ thống lưu trữ thống nhất trong cả nước không phân biệt là cơ quan Đảng hay cơ quan Nhà nước. Đại biểu Lê Văn Cuông đồng tình với ý kiến trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc tồn tại hai cơ quan cùng thực hiện chức năng quản lý về lưu trữ là Hệ thống lưu trữ của Đảng Cộng sản Việt Nam quản lý tài liệu thuộc Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam; hệ thống lưu trữ của Nhà nước quản lý tài liệu thuộc Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam như thời gian qua tạo nên những bất cập nhất định trong chỉ đạo nghiệp vụ lưu trữ, xác định trách nhiệm quản lý nhà nước về lưu trữ; làm hạn chế việc khai thác, sử dụng và phát huy giá trị tài liệu phục vụ nhu cầu của xã hội.

Nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về quy định thời hạn bảo quản hồ sơ lưu trữ và thời hạn nộp tài liệu lưu trữ trên thực tiễn hiện nay rất khác nhau và cũng có nhiều tài liệu khác nhau, dẫn tới việc quy định thời hạn nộp tài liệu lưu trữ cũng không thống nhất. Do vậy, các đại biểu cũng đề nghị, có thể trong Luật không thể quy định cụ thể hết các vấn đề, nhưng cũng nên có định hướng tạo ra một quy định tương đối thống nhất, dễ dàng trong việc thực hiện.

Nhiều đại biểu cũng đồng tình với chủ trương xã hội hoá công tác lưu trữ, nhưng đề nghị phải có những quy định chặt chẽ để quản lý hoạt động của loại hình này, bởi nếu không sẽ dẫn đến tình trạng có thể mua bán tài liệu, trong đó có những tài liệu quan trọng, liên quan đến bí mật nhà nước, an ninh quốc gia…

Các đại biểu cũng đề nghị cần tăng cường các biện pháp lưu trữ bằng các phương tiện hiện đại, dần từng bước hạn chế việc lưu trữ bằng chất liệu giấy và một số chất liệu khác nhằm giảm bớt sự cồng kềnh trong các kho lưu trữ, các cơ quan công sở… đồng thời mất nhiều thời gian khi có nhu cầu tra cứu

Về Hội đồng xác định giá trị tài liệu lưu trữ, nhiều đại biểu cũng nhất trí với quan điểm của Uỷ ban Pháp luật cho rằng, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt đối với quốc gia, có tài liệu nếu để mất đi bản gốc thì không bao giờ có lại được, nên việc xác định giá trị tài liệu phải hết sức cẩn trọng, theo một quy trình chặt chẽ, không được chủ quan, phiến diện.

Việc xác định giá trị tài liệu là công việc đòi hỏi phải có chuyên môn, nghiệp vụ sâu và phải do một tập thể đề xuất để quá trình xem xét, đánh giá được chính xác, kỹ lưỡng. Do đó, đề nghị cần phải quy định cụ thể về Hội đồng xác định giá trị tài liệu trong Luật và phải coi hoạt động của Hội đồng này là quy trình nghiệp vụ bắt buộc trong hoạt động lưu trữ nói chung và trong quá trình xem xét, quyết định lựa chọn tài liệu để nộp vào lưu trữ lịch sử và loại tài liệu hết giá trị sử dụng để tiêu hủy nói riêng.

Ủy ban pháp luật cho rằng, do tài liệu lưu trữ ở những cấp độ khác nhau, tính chất, ý nghĩa và tầm quan trọng cũng rất khác nhau, nên thành phần tham gia Hội đồng không thể giống nhau, nhưng không thể không có những chuyên gia, nhà khoa học, sử học, do đó không thể quy định như tại khoản 4 Điều 16 của dự thảo Luật.

Trần Nhật

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ