Nâng cao năng lực dạy học trực tuyến cho giáo viên

GD&TĐ - Không chỉ học sinh, giáo viên khi dạy học trực tuyến cũng vất vả, khó khăn hơn. Hiểu rõ điều này, Bộ GD&ĐT đã có giải pháp để hỗ trợ thầy cô khi triển khai dạy học trực tuyến.

Cần đồng bộ hóa phương tiện kỹ thuật cho giáo viên dạy trực tuyến.
Cần đồng bộ hóa phương tiện kỹ thuật cho giáo viên dạy trực tuyến.

Mong mỏi của thầy cô

Những khó khăn của học sinh khi học trực tuyến được nói tới nhiều: Thiếu phương tiện, gia đình không có mạng Internet, hoặc có nhưng mạng chập chờn do đường truyền kém, nhiều gia đình dùng chung. Học sinh phải ngồi học trên máy tính, điện thoại thời gian dài dễ khiến mỏi mắt, mệt mỏi. Ngồi học ở nhà, học sinh dễ bị phân tâm bởi mạng xã hội, các trang web, trò chơi trên mạng.

Cùng thời gian học, các em có thể mở nhiều trang khác nhau trên máy tính, điện thoại để theo dõi. Thậm chí có học sinh vừa học vừa phụ việc cho gia đình như trông em, tranh thủ thời gian thầy cô giao nhiệm vụ học tập để đi nấu cơm, bán hàng… nên việc học sẽ không tập trung, liền mạch.

Theo cô Vũ Thị Anh, giáo viên Trường THPT Ân Thi, Hưng Yên, giáo viên chịu trách nhiệm về chất lượng học tập của học sinh trên lớp, nên khó khăn của học sinh nói trên cũng chính là thách thức của thầy cô. Bên cạnh đó, khi triển khai dạy học trực tuyến, giáo viên chỉ tương tác với học sinh qua màn hình, việc kiểm soát, bao quát, theo dõi thái độ, ý thức học tập của học sinh vô cùng khó khăn.

Không phải giáo viên nào cũng giỏi công nghệ thông tin, nên chưa sử dụng, khai thác tối đa phần mềm dạy học. Nhiều giáo viên vẫn áp dụng các bước hoạt động dạy học trực tiếp vào dạy học trực tuyến, dẫn đến dạy học không hiệu quả, học sinh bị áp lực bởi kiến thức nhiều. Thời gian của 1 tiết học 45 phút không giải quyết hết nội dung dạy học…

“Thực tế khi dạy học, học sinh THPT rất “ngại” bật camera, nên để theo dõi các em học tập là khó khăn với giáo viên. Mặc dù nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn luôn nhắc nhở một trong những nội quy trong học tập trực tuyến của học sinh là bật camera” - cô Vũ Thị Anh chia sẻ.

Để triển khai dạy học trực tuyến tốt hơn, cô Vũ Thị Anh cho rằng: Mong muốn đầu tiên của giáo viên là được hỗ trợ về công nghệ thông tin; hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng các phần mềm dành cho dạy học trực tuyến. Đa số giáo viên đã quen với không gian trực tiếp trước học trò, giờ dạy học qua không gian trực tuyến nên lúng túng trong tổ chức hoạt động, như: Cách giao nhiệm vụ cho học sinh; làm thế nào để kiểm tra học sinh thực hiện nhiệm vụ, học sinh trao đổi thảo luận; học sinh báo cáo sản phẩm, giáo viên đánh giá và kết luận…

Giáo viên cũng mong được hướng dẫn cách thiết kế kế hoạch bài dạy (giáo án) cho dạy học trực tuyến, bởi không thể mang nguyên kế hoạch bài dạy trực tiếp cho dạy học trực tuyến…

Dù bản thân không gặp nhiều khó khăn khi dạy học trực tuyến, tuy nhiên, theo cô Vũ Thị Dung, giáo viên Trường THPT Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội, nếu  dạy học trực tuyến phải kéo dài (do dịch bệnh), việc kiểm tra đánh giá các bài định kì và cuối kì đối với môn tự luận như môn Văn gặp nhiều khó khăn. “Tôi mong muốn Bộ GD&ĐT có gợi ý, giải pháp cụ thể (ví dụ thiết kế một app nào đó) để hỗ trợ giáo viên Ngữ văn chấm bài của học sinh thuận lợi nhất” – cô Vũ Thị Dung nêu nguyện vọng.

Giáo viên tại Hà Tĩnh chủ động xây dựng chương trình dạy trực tuyến.
Giáo viên tại Hà Tĩnh chủ động xây dựng chương trình dạy trực tuyến. 

Hỗ trợ giáo viên dạy học trực tuyến

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, việc dạy và học trực tuyến là tình thế bất khả kháng và cả thầy, trò đều vất vả hơn. Việc dạy học trực tuyến lại phụ thuộc vào điều kiện về cơ sở vật chất như: Máy tính, đường truyền, sóng. Với học sinh, các em phải truy cập bài giảng trực tuyến mà không được tương tác trực tiếp với thầy cô, bạn bè thường xuyên và cần có sự hỗ trợ của gia đình, cha mẹ. Giáo viên vất vả hơn vì phải thiết kế, xây dựng kế hoạch bài dạy phù hợp với dạy học trực tuyến, trong đó có nhiều học liệu dạy học điện tử cần phải được sử dụng. Bộ GD&ĐT đã nhìn thấy những khó khăn trên.

Thấu hiểu được những khó khăn của giáo viên, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên; ban hành công văn hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục theo hướng tinh giản; Chính phủ đã phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng kho học liệu điện tử, các video bài giảng, xây dựng tài liệu bồi dưỡng để nâng cao năng lực dạy học trực tuyến cho thầy cô. Hiện, tài liệu này gửi tới các sở GD&ĐT để chuyển cho nhà trường.

Riêng tài liệu bồi dưỡng để nâng cao năng lực dạy học trực tuyến dành cho giáo viên, ngoài phần hướng dẫn bằng chữ, tài liệu còn có video hướng dẫn thầy cô cách thiết kế kế hoạch bài dạy; trong đó có những nhiệm vụ học tập giao cho học sinh một cách rõ ràng, mạch lạc và có hoạt động học thầy cô được ghi video bài dạy trước để giao cho học sinh học.

Học sinh vẫn có thể vào mạng, đường link để đọc, xem lời cô giảng trên YouTube, nhưng các em được chủ động về mặt thời gian, phù hợp với thời gian biểu của mình. Như vậy sẽ giảm bớt áp lực không chỉ cho giáo viên, mà còn cho cả học sinh. Tài liệu đồng thời có cả những video bài dạy minh họa để thầy cô tham khảo.

Hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực dạy học trực tuyến cho các thầy cô, Bộ GD&ĐT đang tổ chức. Theo đó, ngày 22/9 kết thúc bồi dưỡng đợt 1 cho GV ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hai ngày 23 - 24/9 ưu tiên thầy cô ở TPHCM và một số địa phương dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Đến 30/9 sẽ hoàn thành tập huấn cho giáo viên các tỉnh, thành. Sau đó, những thầy cô nòng cốt, cốt cán tiếp tục chia sẻ với các thầy cô khác ở địa phương.

“Đặc biệt, trong tài liệu, Bộ GD&ĐT cũng tháo gỡ áp lực cho giáo viên bằng cách có một phụ lục để hướng dẫn chi tiết một số kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến; như: Lựa chọn và sử dụng phần mềm để chuẩn bị dữ liệu dạy học; Lựa chọn và sử dụng nền tảng tương tác và lưu trữ nội dung dạy học, kết quả thực hiện nhiệm vụ của học sinh; Lựa chọn và sử dụng công cụ hỗ trợ đánh giá thường xuyên bằng tự luận và trắc nghiệm; Thu thập và xử lí kết quả đánh giá quá trình; Lựa chọn và sử dụng phần mềm thiết kế đa phương tiện; Tìm kiếm và khai thác thông tin tư liệu phục vụ dạy học…” - Thứ trưởng chia sẻ.

Cô Đinh Thị Nga, giáo viên Trường THPT Trần Phú, TP Đà Nẵng, cho rằng: Bộ GD&ĐT đã có phân phối chương trình mới, giảm tải nhiều đơn vị kiến thức trong một bài học, chuyển sang cho HS tự học có hướng dẫn, nên tiết dạy trực tuyến vì vậy đỡ áp lực đi rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều GV gặp vấn đề về trục trặc máy móc và chất lượng đường truyền. Nhiều lúc đang tiết học nhưng chính GV bị out luôn ra khỏi phòng. Nếu được, có thể tăng băng thông để đảm bảo chất lượng dạy – học trực tuyến. Nhiều GV cũng mong muốn được mua máy tính theo hình thức trợ giá để có thể tương tác tốt hơn trong giờ học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.