Giúp trò yêu Văn học

GD&TĐ - Trong quá trình giảng dạy môn ngữ Văn, giáo viên có thể truyền đạt kiến thức bằng cách xen kẽ thêm các mục trò chơi để học sinh hứng thú hơn như: Câu đố, ô chữ, đuổi hình bắt chữ…

Giáo viên cần có những biện pháp khuyến khích phù hợp để giúp các em có động lực phấn đấu trong học tập. Ảnh minh họa/internet
Giáo viên cần có những biện pháp khuyến khích phù hợp để giúp các em có động lực phấn đấu trong học tập. Ảnh minh họa/internet

HS chuyên tự nhiên chưa hiểu tầm quan trọng của môn Văn

Tôi thường đề xuất cộng thêm mức điểm chuyên cần cho các em học sinh hăng hái phát biểu xây dựng bài hay luyện viết các đề văn liên quan đến các bài học. Ngoài ra, trong những tiếng thực hành tiếng Việt hay làm Văn, có thể mạnh dạn cho học sinh thực hành theo nhóm rồi lấy điểm.
Cô Nguyễn Thị Hương Giang

Thực tế cho thấy, dù môn Ngữ văn khá quan trọng, song học sinh của các khối chuyên tự nhiên của các trường chuyên chưa có sự hứng thú cũng như đầu tư thời gian cho môn học này.

Vậy làm thế nào để học sinh khối chuyên tự nhiên học tốt môn văn là điều quan trọng và cần thiết. Dưới đây là chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Hương Giang - Trường THPT chuyên Sơn La.

Theo cô Nguyễn Thị Hương Giang, định hướng giảm tải chương trình, giảm bớt gánh nặng kiến thức cho học sinh, học sinh các khối chuyên tự nhiên gồm Toán, Lý, Hóa, Sinh học theo chương trình cơ bản, thời lượng của môn văn trong một năm học là 105 tiết.

Với thời lượng và chương trình học như vậy, học sinh vẫn được rèn luyện các kỹ năng quan trọng và học những tác phẩm văn học tiêu biểu nhất. Song cũng chính vì thời lượng ít, có những bài học rất hay, rất có giá trị nhưng chỉ học trong 45 phút, giáo viên chưa thực sự đủ thời gian hướng dẫn các em khai mở hết những giá trị của tác phẩm.

Tuy nhiên, vì là lớp chuyên tự nhiên nên đôi khi các em chưa linh hoạt trong xây dựng bài. Trong quá trình học tập, thời gian dành học tập của các em dành cho môn chuyên chiếm phần lớn. Mặt khác, học sinh chuyên tự nhiên đa số chọn các trường đại học thiên về thi các môn tự nhiên nên thời lượng và sự đầu tư cho môn Văn rất ít, thậm chí hầu như không có.

Có tình trạng nhiều học sinh lớp chuyên tự nhiên không đọc văn bản và soạn bài trước khi đến lớp, mà như vậy đồng nghĩa với việc các em không có được cơ sở và nền tảng căn bản để tiếp nhận bài học (đọc văn bản, chuẩn bị bài theo câu hỏi sách giáo khoa), dẫn đến tình trạng học uể oải, mệt mỏi, không hứng thú, có em thì ghi chép bài máy móc, có em thậm chí không biết cách ghi bài, mỗi tiết học Văn vì vậy trôi qua chậm chạp, buồn tẻ.

Ngoài ra, nhiều học sinh chuyên tự nhiên coi môn Văn là môn phụ, ít khi dành thời gian đầu tư, học chểnh mảng, nắm kiến thức hời hợt, một số bạn thi đại học khối có môn văn thì lo lắng song cũng không cải thiện được tình hình học tập trên lớp, đành tự đi học, đi ôn thêm ở bên ngoài mất rất nhiều thời gian.

Tất cả những lý do trên dẫn đến thực trạng: Học sinh của các khối chuyên tự nhiên không hiểu được tầm quan trọng của bộ môn Văn, không có hứng thú học cũng như: không đầu tư thời gian, công sức cho môn học này.

Đổi mới phương pháp dạy –học

Từ thực trạng trên, cô Nguyễn Thị Hương Giang – cho biết: Để giúp học sinh nhận thức được tầm quan trọng của Văn học, việc đầu tiên giáo viên bộ môn phải làm công tác tư tưởng cho các em trước khi bắt đầu chương trình.

Nên dùng một chút thời gian của tiết học đầu tiên để tâm sự với học sinh về vai trò của môn Văn trong học tập cũng như trong đời sống: Đây không chỉ là môn học kiến thức, kỹ năng nghe - nói - đọc - viết tiếng mẹ đẻ mà còn là bộ môn dạy người, giúp các em rèn luyện năng lực, nhân cách, tư chất đạo đức “học ăn, học nói, học gói, học mở” để trở thành con người toàn diện.

Hơn nữa, trong tất cả các kỳ thi trước mắt của các em, môn Văn sẽ là môn thi bắt buộc, nên các em phải biết nỗ lực cố gắng, có kiến thức cơ bản để đi thi đạt từ mức độ trung bình trở lên.

“Trong buổi học đầu tiên, giáo viên nên đưa ra những hướng dẫn và yêu cầu học đối với học sinh. Chẳng hạn, về nhà phải đọc văn bản, soạn bài theo câu hỏi sách giáo khoa hoặc hệ thống câu hỏi của giáo viên, về nhà phải học bài cũ, giáo viên sẽ thường xuyên kiểm tra miệng, nếu học sinh không đáp ứng đủ các yêu cầu trên thì sẽ có biện pháp xử lý phù hợp song nhất định phải nghiêm khắc” – cô Nguyễn Thị Hương Giang trao đổi.

Cũng theo Nguyễn Thị Hương Giang, mỗi giáo viên dạy môn Văn của khối tự nhiên cần tìm ra những biện pháp nhằm động viên, khuyến khích các em có hứng thú với việc học tập, để các em nhận ra rằng, mình có thể nỗ lực và các thầy, cô sẽ trân trọng, ghi nhận những nỗ lực ấy, tránh trường hợp nhiều khi học sinh lười biếng, không cố gắng song vì để đạt học sinh giỏi, khá mà giáo viên phải gượng nâng lên cho các em.

Khi đó các em không nhận thấy giá trị của điểm số để nỗ lực, mặt khác càng ngày càng lười, giáo viên thì cảm thấy không thoải mái và những học sinh chăm chỉ thì cảm thấy đó là sự bất công.

Dẫn lời của J. Rockefeller “Nếu bạn muốn thành công, bạn nên khai phá con đường mới thay vì bước trên con đường mòn được người khác thừa nhận”, cô Nguyễn Thị Hương Giang – cho rằng, đối với học sinh khối chuyên tự nhiên, vốn dĩ nghĩ mình chỉ cần đầu tư vào môn chuyên và các môn cận chuyên, với môn Văn thì học hành chểnh mảng, nên giáo viên cần có những biện pháp khuyến khích phù hợp để giúp các em có động lực phấn đấu trong học tập.

“Đối với một số bài học có thể ứng dụng trải nghiệm sáng tạo như: Văn học dân gian, kịch…, giáo viên có thể thay đổi cách thức học bằng cách cho học sinh hát dân ca, hò, vè, diễn kịch…

Như vậy các em sẽ thấy học văn không phải chỉ là những tiết học dài lê thê, thầy giảng trò ghi mà là cả một thế giới sinh động cần các em tự mình khám phá. Các học sinh hăng hái giơ tay phát biểu hay tham gia thực hành, trải nghiệm sáng tạo vừa có thêm kiến thức, rèn kỹ năng suy nghĩ, diễn đạt và sáng tạo lại vừa có điểm động viên nên sẽ càng hào hứng hơn” - Nguyễn Thị Hương Giang chia sẻ, đồng thời gợi ý thêm:

Trong quá trình giảng dạy, giáo viên có thể đưa kiến thức bằng cách xen kẽ thêm các mục trò chơi để học sinh hứng thú hơn như câu đố, ô chữ, đuổi hình bắt chữ…

Thực tế cho thấy, học sinh tiếp cận kiến thức bằng cách này hiệu quả, nhớ lâu, không khí lớp học rất sôi nổi, tâm lý giảng dạy và học tập của thầy, cô và các em cũng rất thoải mái.

“Bên cạnh đó, phát huy vận dụng công nghệ thông tin hiện đại, bởi “trăm nghe không bằng một thấy”, đôi khi chỉ một vài hình ảnh hay đoạn phim còn có ý nghĩa hơn rất nhiều việc giáo viên thuyết giảng dài dòng” – cô Nguyễn Thị Hương Giang trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.