Giải pháp then chốt nâng cao chỉ số PCI cấp tỉnh của Cao Bằng

Nhiều năm liền Cao Bằng đều ngụp lặn dưới đáy bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Đồng chí Quản Minh Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Đồng chí Quản Minh Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.

Hiện thực không thể né tránh là Cao Bằng chúng ta đang đứng trong nhóm thấp nhất toàn quốc về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Một thực trạng không dễ nghe, nhưng càng không thể làm ngơ. Điều đó phản ánh môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản, thiếu sức hấp dẫn với nhà đầu tư và quan trọng hơn - đang làm chậm lại quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong bức tranh tổng thể PCI, có lẽ chỉ số “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự” của tỉnh còn phần nào tạo được niềm tin với doanh nghiệp. Tuy nhiên, còn lại là cả một hệ thống đang đòi hỏi phải cải cách đồng bộ - từ thủ tục hành chính, minh bạch thông tin đến năng lực phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Vấn đề của tỉnh ta không nằm ở điều kiện khách quan như địa hình chia cắt, thiếu khu công nghiệp, hay vị trí địa lý xa trung tâm phát triển. Vấn đề cốt lõi nằm ở chính nội lực của hệ thống điều hành - ở tư duy, ở cách làm và ở con người.

Những bước đi cụ thể: Từ quyết tâm chính trị đến hành động thực chất

Thời gian qua, UBND tỉnh đã triển khai nhiều nỗ lực thực chất nhằm cải thiện PCI:

- Thành lập và vận hành hiệu quả Ban Chỉ đạo PCI cấp tỉnh do đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh làm Trưởng ban.

- Ban hành kế hoạch hành động nâng cao PCI với các mục tiêu cụ thể theo từng chỉ số thành phần.

- Tổ chức định kỳ các hội nghị đối thoại doanh nghiệp cấp tỉnh và cấp huyện để lắng nghe và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc.

- Áp dụng bộ công cụ đánh giá DDCI (năng lực điều hành cấp sở, huyện, ngành) và SIPAS (đo lường mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp).

- Tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao nhận thức về PCI và tinh thần phục vụ doanh nghiệp cho cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở.

- Phối hợp với VCCI, các tổ chức chuyên môn để tham vấn chính sách, học tập kinh nghiệm các địa phương đi đầu.

Gần đây nhất, UBND tỉnh đã kiện toàn “Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2021 - 2025” và ban hành kế hoạch hành động. Đó là những tín hiệu tích cực thể hiện quyết tâm chính trị. Nhưng quyết tâm chính trị nếu không chuyển hóa thành hành động cụ thể, kỷ luật thực thi và kết quả đầu ra - thì vẫn chỉ là khẩu hiệu.

PCI đo lường như thế nào - và vì sao; tỉnh giàu chưa chắc PCI đã cao

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) không phải là thước đo quy mô kinh tế hay mức độ giàu có. Đây là chỉ số phản ánh chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh, dựa trên khảo sát ý kiến của doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động thực tế tại địa phương.

Chính vì vậy, một tỉnh kinh tế phát triển nhưng nếu bộ máy hành chính cồng kềnh, gây phiền hà, thiếu minh bạch - hoàn toàn có thể bị doanh nghiệp chấm điểm thấp.

Ngược lại, có những tỉnh chưa phải giàu có nhưng chính quyền năng động, cải cách mạnh mẽ, tạo dựng được niềm tin - thì PCI hoàn toàn có thể cao. Những điển hình như Đồng Tháp, Lai Châu, Phú Thọ là minh chứng rõ ràng. Từ đó cho thấy: điều làm nên thứ hạng PCI không phải là GRDP, mà là tinh thần phục vụ, minh bạch và cải cách thể chế.

Cũng cần nhìn nhận một thực tế rằng, mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực cải cách, nhưng việc thay đổi nhận thức và cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường kinh doanh tại Cao Bằng vẫn là một chặng đường dài. Những ấn tượng trước đây về thủ tục hành chính còn phức tạp, sự chậm trễ trong xử lý công việc, hay thiếu sự đồng hành từ một bộ phận cán bộ vẫn đang là rào cản vô hình khiến doanh nghiệp còn e ngại.

Do vậy, nâng cao chỉ số PCI không chỉ dừng lại ở việc cải thiện quy trình nội bộ hay xây dựng thể chế, mà còn là quá trình khôi phục niềm tin và tái định vị hình ảnh địa phương - như một nơi chính quyền thật sự cầu thị, đồng hành và phục vụ. Điều đó đòi hỏi sự kiên trì, sự nhất quán trong hành động và đặc biệt là vai trò gương mẫu, dẫn dắt từ người đứng đầu các cấp.

Giải pháp then chốt: Là triển khai các định hướng nền tảng, đột phá, cải thiện môi trường kinh doanh:

1. Minh bạch hóa và chuyển đổi số trong phục vụ doanh nghiệp

Cần phải coi cổng thông tin điện tử là “cánh cửa luôn mở” để doanh nghiệp và người dân tiếp cận chính sách, quy hoạch, thủ tục. Ở đó, mọi thông tin phải đầy đủ, rõ ràng, cập nhật thường xuyên và có con người thực sự phụ trách. Minh bạch không phải là khẩu hiệu, mà phải là hệ thống vận hành bằng công nghệ, được giám sát bằng dữ liệu và kiểm chứng bằng phản hồi của người dân, doanh nghiệp.

2. Tái cấu trúc chiến lược phát triển nguồn nhân lực địa phương

Chúng ta đang rơi vào tình trạng “vừa yếu, vừa thiếu” về lao động. Thanh niên có năng lực không ở lại tỉnh cống hiến, thanh niên có sức khỏe thì lại ra ngoài làm công nhân. Cao Bằng đang chảy máu chất xám và mất lực lượng lao động đang trong độ tuổi vàng. Phải có cơ chế đặc thù để giữ người - thông qua các chế độ về học bổng, tuyển dụng linh hoạt, nhà ở công vụ, hay hỗ trợ khởi nghiệp tại chỗ. Nếu không làm kịp thời, chính chúng ta sẽ tự đánh mất lợi thế về con người.

3. Đổi mới cách tiếp cận hỗ trợ doanh nghiệp - coi doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh là nền tảng

Trên địa bàn hiện tại tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ hiện chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó khoảng 80% có doanh thu dưới 20 tỷ đồng mỗi năm. Đây là thực tế khách quan, phản ánh đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát.

Một vấn đề đáng báo động là khả năng hấp thụ tín dụng của địa bàn đang rất hạn chế. Tổng dư nợ toàn tỉnh tại các ngân hàng thương mại hiện đạt hơn 10.000 tỷ đồng, trong khi đó tổng nguồn vốn huy động đạt khoảng 30.000 tỷ đồng, nghĩa là chỉ khoảng 1/3 lượng vốn huy động được dùng để cho vay tại địa phương, còn lại phần lớn dòng tiền còn lại đang bị “chảy ra ngoài tỉnh” để cấp tín dụng cho các địa phương khác, trong khi khu vực doanh nghiệp tại chỗ không đủ năng lực hoặc điều kiện để tiếp cận vốn tín dụng.

Kinh tế cửa khẩu và logistics cũng phải được tái cấu trúc. Cửa khẩu không chỉ là nơi xuất nhập hàng, mà phải là trung tâm kết nối vùng, tạo công ăn việc làm, tăng thu ngân sách.

4. Hạ tầng số, hạ tầng giao thông - hai cánh tay đưa Cao Bằng vào chuỗi giá trị mới

Giao thông phải được đầu tư để kết nối vùng, kinh tế không thể phát triển nếu đường sá vẫn chia cắt. Giao thông hiện vẫn là điểm nghẽn lớn trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh tại Cao Bằng. Nhiều tuyến đường huyện, liên xã xuống cấp, thiếu kết nối đồng bộ, khiến chi phí vận chuyển hàng hóa cao, thời gian lưu thông kéo dài, làm giảm tính cạnh tranh của nông sản và hàng hóa địa phương. Đặc biệt, trong bối cảnh Cao Bằng có lợi thế biên giới dài hơn 333 km với Trung Quốc, việc đầu tư đồng bộ các tuyến đường trục, vành đai kinh tế cửa khẩu, nâng cấp hạ tầng logistics, phát triển các chợ biên giới, kho bãi, trung tâm kiểm dịch và logistics nông sản là yêu cầu cấp thiết. Nếu làm tốt, Cao Bằng có thể chuyển mình thành trung tâm trung chuyển và chế biến nông sản, dược liệu vùng Đông Bắc - tạo ra nguồn thu lớn và hàng nghìn việc làm tại chỗ. Do đó, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, tuyến kết nối quốc tế mang tính chiến lược, đưa Cao Bằng thoát khỏi thế bị chia cắt và mở rộng “cánh cửa” tiếp cận các trung tâm kinh tế như Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng.

Song hành với hạ tầng giao thông, hạ tầng số là “xa lộ” mới của phát triển trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Đối với tỉnh còn nhiều khó khăn như Cao Bằng, nơi phần lớn doanh nghiệp là siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể thì việc tiếp cận thị trường, khách hàng, nguồn vốn qua nền tảng số là hướng đi tất yếu. Hiện nay, nhiều xã, bản vùng cao chưa được phủ sóng 4G ổn định, chưa có điều kiện.

Nguyên nhân đến từ nhiều phía

Hộ kinh doanh, doanh nghiệp quy mô quá nhỏ, năng lực quản trị yếu, thiếu tài sản đảm bảo, thiếu minh bạch tài chính; trong khi hệ thống hỗ trợ lại còn rời rạc, chưa tạo được hành lang đủ an toàn để ngân hàng mạnh dạn cho vay. Đây là nghịch lý lớn: doanh nghiệp nhỏ nhiều nhưng không thể lớn lên vì thiếu vốn, mà thiếu vốn là vì không có cơ chế hỗ trợ đủ tin cậy để tiếp cận nguồn lực.

Vì vậy, cần đổi mới toàn diện cách tiếp cận hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó xác định rõ rằng doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể và hợp tác xã là lực lượng chủ lực trong cấu trúc kinh tế đặc thù của tỉnh - không phải là “tạm bợ”, mà là nền móng cần được củng cố.

Một số định hướng cụ thể

- Thiết lập các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp tại vùng kinh tế trọng điểm, cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý, kế toán, tiếp cận tín dụng, xúc tiến thương mại một cách chuyên nghiệp, có chiều sâu.

- Tổ chức các chương trình tập huấn quản trị tài chính, lập phương án kinh doanh, đặc biệt cho hộ kinh doanh và hợp tác xã để tạo điều kiện “chuyển hóa” lên doanh nghiệp thực thụ.

- Hình thành các gói tín dụng đặc thù, có bảo lãnh hoặc đồng hành của chính quyền nhằm giảm thiểu rủi ro cho tổ chức tín dụng, tăng khả năng giải ngân vào khu vực sản xuất, kinh doanh thực chất.

- Ưu tiên hỗ trợ các lĩnh vực có thế mạnh bản địa như nông sản đặc sản, sản phẩm OCOP, chế biến nông sản sạch, dịch vụ du lịch cộng đồng - để vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa gắn với định hướng phát triển bền vững. Miến dong, hoa quả sạch, cây dược liệu, thảo dược vùng cao - đó không chỉ là nông sản, mà là “thương hiệu sống” của Cao Bằng. Các khu du lịch Pác Bó, rừng Trần Hưng Đạo, thác Bản Giốc, các bản làng Tày, Nùng, Mông… phải trở thành điểm đến của trải nghiệm và tiêu dùng. Chúng ta không có đất bằng nhưng chúng ta có rừng, có bản sắc, có văn hóa - hãy lấy đó làm nền để phát triển dịch vụ, trên cơ sở học tập bài học thành công từ các địa phương khác.

- Chỉ khi khu vực doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh được “đỡ đầu” bài bản, tỉnh mới có thể tạo ra lực kéo từ nội sinh, giảm phụ thuộc vào doanh nghiệp ngoài tỉnh và dần hình thành một hệ sinh thái kinh tế tự chủ, thích ứng với điều kiện đặc thù của Cao Bằng.

- Chưa có điều kiện tiếp cận các dịch vụ số cơ bản như thanh toán điện tử, thương mại điện tử, khai báo thuế online, dẫn đến doanh nghiệp địa phương “lạc hậu về công nghệ - bị bỏ lại phía sau”. Hạ tầng số phải là ưu tiên đầu tư, không đứng sau giao thông mà song hành. Do đó, cần:

+ Phủ sóng 4G/5G toàn tỉnh, ưu tiên các vùng trọng điểm phát triển du lịch, sản xuất nông nghiệp hàng hóa, khu vực gần cửa khẩu.

+ Thiết lập mạng lưới hỗ trợ chuyển đổi số cho hộ kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ, bao gồm: đào tạo kỹ năng bán hàng online, xây dựng gian hàng số, hướng dẫn quản lý tài chính điện tử, sử dụng chữ ký số, phần mềm kế toán đơn giản.

+ Triển khai các nền tảng công nghệ dùng chung để tiết kiệm chi phí, giúp doanh nghiệp tiếp cận giải pháp số hóa mà không cần đầu tư riêng biệt.

+ Hạ tầng số không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua rào cản địa lý, mà còn là chìa khóa để kéo vốn đầu tư, mở rộng thị trường và đưa đặc sản Cao Bằng ra thị trường toàn quốc, quốc tế.

Tóm lại, muốn Cao Bằng “vào guồng” chuỗi giá trị mới, không thể thiếu hai cánh tay song song: giao thông để mở đường hàng hóa - hạ tầng số để mở đường tri thức, dữ liệu và kết nối thị trường. Nếu đầu tư đúng hướng và đồng bộ, đây sẽ là lực đẩy chiến lược giúp tỉnh chuyển trạng thái từ địa phương thuần nông - sang nền kinh tế địa phương dựa trên giá trị, kết nối và hội nhập.

Kết luận

Đổi mới môi trường kinh doanh là phép thử lớn với năng lực lãnh đạo và hệ thống hành chính của địa phương. Không có công thức nào phù hợp với tất cả nhưng có một nguyên tắc bất biến: phải đặt người dân, doanh nghiệp vào trung tâm phục vụ; phải hành động quyết liệt, có kết quả cụ thể, có địa chỉ trách nhiệm. Chúng ta không thiếu quyết tâm - nhưng Cao Bằng cần hơn thế - đó là năng lực tổ chức thực hiện, văn hóa kỷ luật, và một tinh thần cải cách không thỏa hiệp.

Nếu làm được, Cao Bằng sẽ không còn là tỉnh “vùng sâu” về PCI mà sẽ là điển hình cho một địa phương “vượt núi” bằng cải cách.

Theo TTXVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ