Trong bối cảnh chuyển đổi số, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và toàn cầu hóa, liệu ngành Tâm lý học giáo dục có nguy cơ bị thay thế bởi AI? Cơ hội việc làm ra sao? TS Hoàng Trung Học, Trưởng Khoa Tâm lý – Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) có những trao đổi trên Báo Giáo dục & Thời đại nhằm giải mã những băn khoăn này.
* Thời điểm này, không ít phụ huynh, học sinh còn mơ hồ về ngành Tâm lý học giáo dục. Ông có thể cho biết, ngành này có vai trò như thế nào trong bối cảnh giáo dục hiện đại?
- Tâm lý học giáo dục là ngành khoa học nghiên cứu các quy luật tâm lý trong dạy học và giáo dục con người. Ngành học này cung cấp nền tảng lý luận và thực tiễn nhằm hiểu rõ cơ chế học tập, phát triển trí tuệ, cảm xúc, hành vi của người học; từ đó tối ưu hóa quá trình dạy học và giáo dục.
Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và phương pháp dạy học, vai trò của nhà tâm lý học giáo dục càng trở nên quan trọng.
Họ chính là người kết nối giữa khoa học tâm lý với thực tiễn giáo dục, giúp nhà trường xây dựng môi trường học tập tích cực, hỗ trợ học sinh vượt qua khó khăn tâm lý, phát huy tiềm năng cá nhân và thích nghi hiệu quả với những biến động của xã hội hiện đại.
Sinh viên học ngành tâm lý học giáo dục được đào tạo bài bản về tâm lý học phát triển, đánh giá tâm lý, tham vấn học đường, trị liệu tâm lý, chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường…
Ngoài ra, còn được rèn luyện các kỹ năng quan trọng như giao tiếp, tư duy phản biện, làm việc nhóm, quản lý cảm xúc và tổ chức hoạt động giáo dục – những năng lực không thể thay thế bởi máy móc hiện đại.

* Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và AI, liệu ngành Tâm lý học giáo dục có ảnh hưởng hoặc bị thay thế trong tương lai?
- Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, AI có thể hỗ trợ hoặc thay thế con người ở một số nhiệm vụ nhất định. Tuy nhiên, đối với ngành Tâm lý học giáo dục – ngành khoa học liên quan mật thiết đến cảm xúc, tư duy và bối cảnh cá nhân – thì AI chỉ có vai trò hỗ trợ chứ không thể thay thế được chuyên gia.
Các vấn đề tâm lý học đường thường mang tính cá biệt rất rõ, đòi hỏi sự thấu cảm, phân tích linh hoạt và khả năng tương tác giữa người với người. Máy móc có thể xử lý dữ liệu nhanh nhưng khó có thể hiểu sâu sắc động cơ hành vi, giá trị sống hay những trải nghiệm tinh thần của học sinh như một nhà tư vấn tâm lý được đào tạo bài bản.
* Vậy cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên ngành Tâm lý học giáo dục sau khi ra trường là gì?
- Ngành Tâm lý học giáo dục mở ra một phổ cơ hội nghề nghiệp rất rộng. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại những địa chỉ như:
Các trường học: Làm cán bộ tư vấn tâm lý học đường, hỗ trợ học sinh về học tập, định hướng nghề nghiệp, giáo dục kỹ năng sống.
Các trung tâm tham vấn, trị liệu tâm lý: Làm chuyên viên can thiệp, hỗ trợ tâm lý cho trẻ em, học sinh, phụ huynh, giáo viên.
Các viện nghiên cứu, dự án giáo dục: Tham gia nghiên cứu về đổi mới phương pháp dạy học, phát triển chương trình giáo dục, đánh giá hiệu quả can thiệp tâm lý – giáo dục.
Các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ (NGO): Làm việc trong các chương trình hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh yếu thế, phòng chống bạo lực học đường…
Các công ty Edtech, nền tảng học tập trực tuyến: Thiết kế chương trình học phù hợp với đặc điểm tâm lý người học, phát triển công cụ học thông minh có tính cá nhân hóa cao.
Với sự quan tâm ngày càng tăng của xã hội đến sức khỏe tinh thần học đường và yêu cầu đảm bảo môi trường học tập an toàn, lành mạnh, nhân văn, nhu cầu tuyển dụng vị trí chuyên gia tâm lý giáo dục trong trường phổ thông, đại học và các tổ chức giáo dục đang gia tăng mạnh mẽ.

* Ông có lời khuyên gì dành cho học sinh đang cân nhắc chọn ngành Tâm lý học giáo dục trong kỳ tuyển sinh sắp tới?
- Ngành Tâm lý học giáo dục không phải là lựa chọn phù hợp dành cho những ai chỉ muốn theo trào lưu hoặc không có hứng thú khi làm việc với con người. Đây là ngành học đòi hỏi sự đam mê hỗ trợ con người, lòng nhân ái, khả năng lắng nghe, tư duy phản biện và mong muốn tạo ra giá trị xã hội bền vững, nhân văn.
Nếu các em cảm thấy bản thân yêu thích việc hỗ trợ người khác, muốn đồng hành cùng học sinh, giáo viên, phụ huynh trong hành trình học tập – phát triển, thì đây là ngành học lý tưởng để các em lập thân, lập nghiệp.
Học viện Quản lý Giáo dục – nơi tôi đang công tác – là một trong những cơ sở đào tạo uy tín, có bề dày kinh nghiệm hơn 20 năm trong đào tạo cử nhân ngành Tâm lý học giáo dục. Chúng tôi đặc biệt chú trọng phát triển năng lực thực hành, tổ chức các hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp, kết nối sinh viên với chuyên gia, trường học, tổ chức giáo dục trong và ngoài nước. Các em sẽ được học tập trong môi trường chuyên nghiệp, gắn với thực tiễn và xu thế đổi mới giáo dục.
Chúc các em có lựa chọn sáng suốt và một kỳ thi thành công.
Xin cảm ơn ông!
Thay vì bị thay thế, các nhà tâm lý học giáo dục trong tương lai sẽ là người khai thác hiệu quả công nghệ để phục vụ công tác đánh giá, phòng ngừa và hỗ trợ các vấn đề tâm lý cho học sinh, góp phần cá nhân hóa quá trình giáo dục một cách nhân văn.
TS Hoàng Trung Học