Giải quyết bất cập trong kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục phổ thông

GD&TĐ - Với hạn chế cả về nhân lực, vật lực, hoạt động kiểm định tại nhiều cơ sở giáo dục phổ thông hiện nay gặp không ít khó khăn, bất cập.

Cô và trò Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội). Ảnh: Xuân Phú
Cô và trò Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội). Ảnh: Xuân Phú

Cần nhiều giải pháp để khắc phục những bất cập này, đặc biệt về chính sách.

Còn hình thức

Từ thực tiễn quản lý cơ sở giáo dục, bà Trần Thị Bích Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Hạ Hoà (Hạ Hòa, Phú Thọ) cho biết: Dù Bộ GD&ĐT quy định, hướng dẫn cụ thể về công tác kiểm định chất lượng, nhưng nhận thức và năng lực thực hiện của các trường học còn bất cập.

Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên chưa nắm vững các tiêu chuẩn, tiêu chí kiểm định nên thực hiện hình thức, máy móc. Thậm chí, có nơi còn sao chép báo cáo tự đánh giá; hoặc tự đánh giá thiếu trung thực, mang tính “tô hồng” để đạt chuẩn. Một số giáo viên, nhân viên còn tâm lý lo sợ bị đánh giá, ảnh hưởng đến thành tích cá nhân hoặc tập thể, từ đó không hợp tác tích cực.

Ngoài hạn chế nói trên, bà Trần Thị Bích Hạnh chia sẻ khó khăn vì thiếu nguồn lực và áp lực hồ sơ, minh chứng. Theo đó, việc thu thập, sắp xếp hồ sơ minh chứng để phục vụ hoạt động kiểm định tốn nhiều thời gian, công sức, dễ dẫn đến quá tải cho giáo viên, cán bộ quản lý.

Một số trường có xu hướng làm hồ sơ đối phó để đạt chuẩn, thay vì tập trung cải tiến thực chất các hoạt động giáo dục. Bên cạnh đó, dù đưa ra được hướng cải tiến chất lượng, nhưng việc lấy nguồn lực ở đâu để cải tiến là câu hỏi khó đối với các nhà trường, đặc biệt vấn đề đội ngũ, cơ sở vật chất.

“Thực tế tại không ít đơn vị việc tự đánh giá còn chiếu lệ, hình thức, né tránh khi đăng ký đánh giá ngoài”. Đưa ra nhận định này, ông Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng Trường THPT Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa) cho hay: Hầu hết thành viên trong Hội đồng tự đánh giá là cán bộ, giáo viên, nhân viên phụ trách nhiều công việc ở trường, bận giảng dạy nên ít đầu tư thời gian thoả đáng cho hoạt động tự đánh giá.

Bên cạnh đó, các nhóm viết báo cáo tự đánh giá thiếu kinh nghiệm, nhiều người chưa được tập huấn bồi dưỡng các kỹ thuật thu thập, xử lý thông tin, minh chứng. Còn thiếu phối hợp giữa các nhóm trong quá trình tự đánh giá. Các buổi thảo luận chung trong Hội đồng tự đánh giá chưa được quan tâm đúng mức.

Những điều này gây khó khăn cho công tác kiểm định chất lượng khi các đoàn đánh giá ngoài đến làm việc với nhà trường lại chủ yếu nghiên cứu trên bộ hồ sơ tự đánh giá của nhà trường.

Cũng nêu bất cập, ông Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Minh Đài (Tân Sơn, Phú Thọ) nhận định: Hội đồng tự đánh giá trong nhà trường hầu hết chưa được tập huấn kỹ càng; việc hiểu các nội hàm của tiêu chí, tiêu chuẩn chưa sâu, sát bản chất. Do vậy, khi mô tả, đưa ra điểm mạnh, yếu và đề xuất giải pháp cải tiến chưa sát thực tế, còn chung chung.

Mặt khác, thời gian dành cho việc nghiên cứu, tự đánh giá của các thành viên trong Hội đồng tự đánh giá không nhiều vì phải thực hiện các công việc chuyên môn. Bên cạnh đó, chế độ cho Hội đồng tự đánh giá rất thấp, kinh phí bố trí cho công tác kiểm định hạn hẹp.

Hội đồng tự đánh giá và đánh giá ngoài có chỉ ra biện pháp cải tiến, nhưng nguồn lực (con người và kinh phí) cơ bản các đơn vị không chủ động được. Do vậy, nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn biết điểm yếu nhưng chưa thể cải thiện ngay.

giai-quyet-nhung-bat-cap-1.jpg
Giáo viên Trường THPT Lam Kinh (Thanh Hóa) sắp xếp minh chứng trong quá trình tự đánh giá tại đơn vị. Ảnh: NTCC

Đầu tư để cải tiến chất lượng

Để thúc đẩy hệ thống kiểm định chất lượng phát triển và ổn định, ông Nguyễn Minh Đạo cho rằng, một trong những điều quan trọng nhất là phải hoàn thiện cơ chế chính sách. Đặc biệt hoàn thiện cơ chế thưởng - phạt trong lĩnh vực đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục. Trong đó, Bộ GD&ĐT quy định về việc bảo đảm chất lượng đối với cơ sở giáo dục phổ thông là phù hợp.

Đồng thời, cần đưa ra chính sách hợp lý để khuyến khích cơ sở giáo dục làm tốt công tác kiểm định chất lượng, xử lý cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo không đạt chất lượng. Cũng cần tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức vai trò và tầm quan trọng của hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục cho cán bộ quản lý, giáo viên; để thấy đây là một trong các giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng giáo dục.

“Việc tạo điều kiện để phụ huynh, học sinh, xã hội giám sát kết quả đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục đã đạt là cần thiết. Cùng đó, thực hiện thanh tra, kiểm tra để đảm bảo tính minh bạch, chính xác, khách quan trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục.

Đẩy mạnh việc đôn đốc thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục, như xây dựng kế hoạch tự đánh giá, đăng ký đánh giá ngoài, kế hoạch cải tiến chất lượng, hồ sơ lưu trữ… Coi trọng công tác sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá, rà soát, rút kinh nghiệm. Các cơ sở giáo dục cần được hướng dẫn rà soát những tiêu chí, chỉ số chưa đạt, chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch để nâng cấp độ đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục”, ông Nguyễn Minh Đạo góp ý thêm.

Để thực hiện hiệu quả nội dung này, ông Phạm Quốc Khánh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh 3 việc các sở GD&ĐT cần tiếp tục ưu tiên, làm tốt.

Thứ nhất, tham mưu với UBND cấp tỉnh để ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện đánh giá chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, gắn kết chặt chẽ với mục tiêu phát triển nông thôn mới của địa phương.

Thứ hai, quan tâm ban hành văn bản đôn đốc, hướng dẫn thực hiện; tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng của cơ sở giáo dục sau khi được đánh giá chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Thứ ba, thường xuyên tổ chức làm việc với sở, ban, ngành, chính quyền địa phương để quan tâm bổ sung, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất… nhằm thực hiện tốt nghị quyết các cấp về phát triển nông thôn mới của địa phương.

Triển khai hoạt động kiểm định, nhà trường phải chuẩn bị số lượng lớn minh chứng, tài liệu, báo cáo… dẫn đến áp lực công việc cao cho giáo viên, cán bộ quản lý. Trong khi đó, có những nội dung mang tính hình thức, thiếu thực tế. Bên cạnh đó, hiện nhà trường không có đội ngũ chuyên trách.

Cán bộ quản lý, giáo viên vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa kiêm nhiệm nhiệm vụ đảm bảo chất lượng, gây quá tải. Kinh phí đầu tư cho giáo dục còn hạn chế; điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng, thiết bị của trường chưa đáp ứng yêu cầu để đạt tiêu chí kiểm định cao”. - Bà Lương Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (Ea Kar, Đắk Lắk)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ