Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia thông qua xây dựng xã hội học tập

GD&TĐ - Sáng 24/5, tại Hà Nội diễn ra hội thảo quốc gia với chủ đề “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ thông qua việc thực hiện các mô hình học tập”.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa- Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam- Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Doan- Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT tham dự hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Chất lượng nguồn nhân lực phụ thuộc vào việc đầu tư phát triển nền giáo dục hiện đại, thể hiện trong chiến lược phát triển một xã hội học tập mà về bản chất đó là nền giáo dục mở, tạo ra sự bình đẳng về tiếp cận giáo dục cho mọi người.

Trong bối cảnh kinh tế số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế, yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực tại chỗ là cơ sở cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước, là tiền đề quan trọng để xây dựng các mô hình học tập.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị hội thảo tập trung làm rõ thực trạng về chất lượng nguồn nhân lực theo mô hình “Công dân học tập” ở các ngành, các lĩnh vực, các nhóm đối tượng lãnh đạo, quản lý, người lao động; đặc biệt là chất lượng nhân lực đội ngũ cán bộ trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Đồng thời, chỉ ra được bất cập, hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; trong việc triển khai, lồng ghép một số chuyên đề vào chương trình giáo dục chính trị tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, trung tâm bồi dưỡng chính trị.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan- Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong từng giai đoạn cách mạng được Đảng ta coi là vấn đề cốt lõi, là nguồn vốn quan trọng và là nguồn của cải đích thực của đất nước.

Nhiệm vụ của hội thảo là phân tích, làm rõ thực trạng của chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ của tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế xã hội. Hội thảo cũng cần khẳng định, nếu một công dân đạt được 10 tiêu chí thì chất lượng nguồn nhân lực có được nâng lên hay không, có đáp ứng được yêu cầu cách mạng 4.0 và Chính phủ số trong bối cảnh hội nhập hay không.

Trình bày tham luận tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức liên quan thúc đẩy học tập suốt đời thông qua Đề án của Chính phủ và trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành, tạo dựng các chính sách, mô hình học tập nhằm giúp mọi tầng lớp nhân dân học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.

Phát triển và xây dựng các mô hình học tập là đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược quốc gia. Vì thế, để xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, không thể thiếu được các mô hình học tập từ cơ sở, nó bao gồm mạng lưới các cơ sở giáo dục, trong đó mạng lưới cơ sở Giáo dục thường xuyên làm nòng cốt với các phương thức, hình thức học tập đa dạng. Ngoài ra còn có các mô hình học tập như "công dân học tập", "cộng đồng học tập", "thành phố học tập", "đơn vị học tập".

Hiện nay, các chính sách về xây dựng xã hội học tập từng bước được hoàn thiện trên cơ sở phù hợp với từng bối cảnh, hiện trạng thực tiễn của đất nước. Luật giáo dục 2019 đã thể chế hóa một số chính sách, là tiền đề hỗ trợ phát triển hệ thống giáo dục thường xuyên nhằm hướng tới thể chế hóa chuyên sâu về Luật Học tập suốt đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giải thoát cho rùa biển

GD&TĐ - Chấm dứt hành vi xả chất thải nhựa xuống biển mới là cách giải thoát căn cơ cho các loài thủy sinh trong lòng đại dương, trong đó có loài rùa.