Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh vùng dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Thời gian qua, Thái Nguyên đã có nhiều thành tích trong nâng cao chất lượng giáo dục, chú trọng rèn luyện kỹ năng cho học sinh.

Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh vùng dân tộc thiểu số.
Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh vùng dân tộc thiểu số.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi

Với đặc thù đối tượng tuyển sinh là con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên học sinh khi bước vào các trường Phổ thông DTNT, Phổ thông DTBT gặp không ít khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng giao tiếp, nơi ăn, chốn ở. Tuy nhiên, thông qua các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước cùng với sự chăm sóc giáo dục của các thầy, cô giáo các em học sinh người DTTS đã vươn lên đạt nhiều thành tích trong học tập, rèn luyện.

Tại trường Phổ thông DTBT THCS Nghinh Tường, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, để thực hiện tốt hoạt động dạy, học, các cán bộ, giáo viên của trường luôn dành thời gian để tìm hiểu phong tục, tập quán và đời sống văn hóa của từng vùng dân tộc, từ đó nắm bắt tâm tư, khả năng thu nhận kiến thức của các em để có phương pháp giảng dạy phù hợp. Nhà trường cũng tạo điều kiện thuận lợi về nơi ăn, ở để các em yên tâm học tập, rèn luyện, tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, tạo sân chơi lành mạnh bổ ích cho các em.

Thầy giáo Mai Tuấn Khương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường luôn triển khai nhiều phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng tập thể, cá nhân hướng đến mục tiêu chung là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh vùng dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng dạy, học và chăm sóc cho học sinh, Trường thường xuyên duy trì việc trao đổi với phụ huynh về các chế độ, chính sách, bám sát mục tiêu, chương trình, Nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, các tổ chuyên môn tích cực đổi mới giảng dạy, kiểm tra, đánh giá trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng.

Đối với công tác bán trú, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã thành lập Ban quản lý học sinh và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, xây dựng kế hoạch và lịch trực từng ngày để chăm sóc, quản lý và giúp đỡ các em học sinh.

Ngoài ra, để tăng cường các kỹ năng, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh trường thường xuyên tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các khối lớp. Các em còn được tham gia các trò chơi, tìm hiểu về văn hóa dân tộc qua đó góp phần tăng cường sự đoàn kết, gắn bó, giúp các em có ý thức vươn lên trong học tập, rèn luyện.

Kết quả, năm học 2021-2022, trường Phổ thông DTBT THCS Nghinh Tường có 8 học sinh đạt giải, năm học 2022-2023 đạt 13 giải tại các kỳ thi cấp huyện. Đặc biệt, Dự án “Mô hình máy bơm nước tự động dựa trên tác dụng lực của dòng nước” đã đoạt giải Nhì tại cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2022-2023.

Khu nhà ở dành cho học sinh trường Phổ thông DTBT THCS Nghinh Tường, huyện Võ Nhai.

Khu nhà ở dành cho học sinh trường Phổ thông DTBT THCS Nghinh Tường, huyện Võ Nhai.

Chăm lo cho học sinh từ bữa ăn, giấc ngủ đến việc học tập

Còn tại trường Phổ thông DTBT THCS Sảng Mộc, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên năm học 2023 – 2024 trường có tổng số 4 lớp với 115 học sinh, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm 58,6%. Để nâng cao chất lượng giáo dục, trường tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, đẩy mạnh việc dự giờ, thao giảng, động viên giáo viên nêu cao tinh thần tự nghiên cứu để đổi mới, sáng tạo trong dạy học, chú trọng phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, tổ chức tốt các tiết học hướng nghiệp nhằm giúp các em lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Cùng với việc trang bị kiến thức, nhà trường còn quan tâm đến việc quản lý, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm các điều kiện nuôi dưỡng học sinh nội trú, cũng như tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa phù hợp.

Cô giáo Hoàng Thị Xuyến, giáo viên môn Toán, trường Phổ thông DTBT THCS Sảng Mộc, huyện Võ Nhai cho biết: Ở trường, các em được thầy, cô giáo chăm lo chu đáo từ bữa ăn, giấc ngủ đến việc học tập. Năm học 2022 - 2023, trường có 63 em tham gia học bán trú, thực hiện Nghị định 116, Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, mỗi học sinh bán trú được hưởng 15kg gạo/tháng và gần 600 nghìn đồng/tháng. Nhờ chính sách này, các em học sinh bán trú được ăn 3 bữa/ngày, bữa cơm có đầy đủ thịt, cá, rau... nên phụ huynh yên tâm hơn khi cho con mình đến trường, sức khỏe các em được đảm bảo.

Bên cạnh đó, để góp phần nâng cao kiến thức cho học sinh, các thầy cô cũng sử dụng nhiều phương pháp khác nhau như kiểm tra khảo sát đầu năm để có định hướng học tập, tổ chức lịch phụ đạo, chia nhóm học sinh, lập phiếu bài tập cho học sinh, dành thời gian kèm thêm những học sinh yếu, kém theo kế hoạch của nhà trường, thuận tiện học sinh ở nội trú, các thầy cô tranh thủ kèm thêm cho học sinh buổi tối. Nhờ đó, các em đều yên tâm tới trường học tập, rèn luyện và đạt nhiều thành tích tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ