Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khuyết tật tại Quảng Trị

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngành giáo dục Quảng Trị phối hợp xây dựng, triển khai nhiều chính sách, hoạt động nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trẻ khuyết tật.

Dự án Tăng cường quyền tiếp cận giáo dục cho học sinh khuyết tật dựa vào cộng đồng sẽ được triển khai ở Quảng Trị trong 3 năm.
Dự án Tăng cường quyền tiếp cận giáo dục cho học sinh khuyết tật dựa vào cộng đồng sẽ được triển khai ở Quảng Trị trong 3 năm.

Để trẻ khuyết tật được hòa nhập

Ngày 25/7, tại Quảng Trị, Sở GD&ĐT Quảng Trị phối hợp Tổ chức Medipeace (Văn phòng tại Việt Nam) giới thiệu dự án Tăng cường quyền tiếp cận giáo dục cho học sinh khuyết tật dựa vào cộng đồng tại miền Trung Việt Nam, giai đoạn 2023-2025.

Thời gian qua, việc chăm sóc, hỗ trợ trẻ khuyết tật luôn được quan tâm. Thông qua nhiều chính sách đã được ban hành, học sinh khuyết tật ở Quảng Trị đã được hỗ trợ giáo dục và hòa nhập.

Ông Phan Hữu Huyện – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị nhấn mạnh tính cần thiết thực hiện dự án.

Ông Phan Hữu Huyện – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị nhấn mạnh tính cần thiết thực hiện dự án.

Tuy nhiên, công tác giáo dục trẻ khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng sự kỳ vọng của gia đình có người khuyết tật nói chung và đối với trẻ khuyết tật nói riêng.

Hiện Quảng Trị có khoảng hơn 1.800 trẻ em khuyết tật; số trẻ học hoà nhập tại các trường 515 em; trẻ học trường chuyên biệt tại trường Trẻ em khuyết tật (TEKT) tỉnh 130 em; trẻ học tại các trung tâm chuyên biệt là 59 em.

Em Nguyễn Văn Minh Chí (SN 2011), học sinh Trường Tiểu học và THCS Gio Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) bị liệt tứ chi vẫn nỗ lực vượt lên chính mình.

Em Nguyễn Văn Minh Chí (SN 2011), học sinh Trường Tiểu học và THCS Gio Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) bị liệt tứ chi vẫn nỗ lực vượt lên chính mình.

Tỷ lệ giáo dục đảm bảo tiếp cận với người khuyết tật chỉ mới đạt khoảng 30 % so với mục tiêu của UBND tỉnh Quảng Trị đề ra là 70%. Đa số học sinh khuyết tật tham gia học hòa nhập đều có học lực còn hạn chế, đến lớp thường quá độ tuổi quy định, nhiều trẻ khuyết tật chưa được học lên các bậc học cao hơn, nhiều học sinh khuyết tật lớn tuổi chưa được học nghề, ít có cơ hội tìm kiếm việc làm...

Chất lượng công tác hỗ trợ người khuyết tật tại gia đình, tại cơ sở giáo dục và cộng đồng chưa được triển khai thường xuyên do thiếu đi một tổ chức quản lý, thiếu đội ngũ có năng lực về chuyên môn để hỗ trợ.

Cải thiện chất lượng giáo dục phù hợp cho học sinh khuyết tật

Ông Phan Hữu Huyện – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết, để khắc phục những tồn tại bất cập trên, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển trường Trẻ em khuyết tật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ và cải thiện cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ giảng dạy tại trường TEKT đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của Đề án, Sở GD&ĐT đã chủ động phối hợp với Tổ chức Medipeace (thuộc tổ chức KOICA- Hàn Quốc) xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt và đưa vào triển khai thực hiện Dự án “Tăng cường quyền tiếp cận giáo dục cho học sinh khuyết tật dựa vào cộng đồng tại miền Trung Việt Nam, giai đoạn 2023-2025” trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng năng lực để cải thiện chất lượng giáo dục phù hợp cho học sinh khuyết tật; cải thiện môi trường giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật tại cộng đồng.

“Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn, việc huy động nguồn vốn viện trợ không hoàn lại nhằm phục vụ công tác dạy và học nói chung, giáo dục cho học sinh khuyết tật nói riêng là cần thiết. Khoản viện trợ hướng đến mục tiêu tăng cường tiếp cận giáo dục cho học sinh khuyết tật, cải thiện môi trường giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật tại cộng đồng”, ông Phan Hữu Huyện cho hay.

Ông Hồ Sỹ Quảng – Giám đốc Tổ chức Tổ chức Medipeace tại Việt Nam trao đổi về dự án hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật.

Ông Hồ Sỹ Quảng – Giám đốc Tổ chức Tổ chức Medipeace tại Việt Nam trao đổi về dự án hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật.

Thông qua dự án, dự kiến gần 75% học sinh khuyết tật tại Trường trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Trị được lập kế hoạch giáo dục cá nhân và áp dụng giáo dục cá nhân. Dự án sử dụng nguồn nhân lực có sẵn của Sở GD&ĐT và Trường Trẻ em khuyết tật tỉnh Quảng Trị do đó nguồn nhân lực của dự án được đảm bảo để có thể tiếp tục sau khi dự án kết thúc.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Trị đề nghị, các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ để hoàn thành mục tiêu dự án giai đoạn 1; phía dự án phối hợp với Sở GD&ĐT để quản lí tổng thể, thực hiện dự án; cung cấp, chia sẻ thông tin tất cả các hoạt động tổ chức hội thảo, sự kiện, khảo sát, các chương trình đào tạo, lập kế hoạch theo từng cá nhân, xây dựng tài liệu giáo dục kĩ năng sống cho các đối tượng hưởng lợi.

Các đơn vị chuyên môn thuộc Sở GD&ĐT tham mưu Sở GD&ĐT quản lý, thực hiện các hoạt động dự án đảm bảo đúng mục đích, phù hợp với chuyên môn, chương trình giáo dục và theo đúng quy định.

Ông Hồ Sỹ Quảng – Giám đốc Tổ chức Medipeace tại Việt Nam cho biết: Dự án được triển khai rất phù hợp, góp phần quan trọng trong quá trình đạt được mục tiêu của đề án phát triển trường trẻ em khuyết tật của UBND tỉnh trong giai đoạn tới.

“Đơn vị mong muốn ngành Giáo dục và các đơn vị liên quan tích cực phối hợp để các hoạt động diễn ra đồng bộ, đạt hiệu quả. Qua đó, hoàn thành các hoạt động giai đoạn 1 đạt kết quả tốt nhất”, ông Hồ Sỹ Quảng nhấn mạnh.

Đại diện các bên liên quan thảo luận về dự án.

Đại diện các bên liên quan thảo luận về dự án.

Dự án Tăng cường quyền tiếp cận giáo dục cho học sinh khuyết tật dựa vào cộng đồng tại miền Trung Việt Nam giai đoạn 2023-2025 do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thông qua Tổ chức Medipeace tài trợ Sở Giáo dục và Đào tạo.

Dự án thực hiện ở 3 tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình và TP Đà Nẵng, trong 3 năm. Ngân sách do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ thông qua tổ chức Medipeace với số tiền 281.126 USD (tương đương với gần 7 tỷ đồng).

Trong giai đoạn 1, mục tiêu dự án hướng tới là Xây dựng năng lực để cải thiện chất lượng giáo dục phù hợp với học sinh khuyết tật; cải thiện môi trường giáo dục cho học sinh khuyết tật tại cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.