Ông Quách Thắng Cảnh- Hiệu trưởng trường PTDTNT THPT tỉnh Hòa Bình cho biết: Nhà trường mới được đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhà đa năng, nhà ăn, sân vận động với tổng mức đầu tư 29 tỷ đồng; sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp khu ký túc xá với tổng kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng.
Từ năm học 2019-2020, nhà trường được tăng chỉ tiêu tuyển sinh thêm 50 học sinh/năm, nhà trường đang đề nghị được đầu tư xây dựng 1 nhà ký túc xá 18 phòng, 1 nhà lớp học 6 phòng, tổng kinh phí khoảng 14,5 tỷ đồng.
Để đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, trường vừa được tuyển mới 5 đồng chí giáo viên có trình độ đạt chuẩn và vượt chuẩn. Hiện, tỷ lệ giáo viên có trình độ vượt chuẩn trên 30%. Từ sự đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, những năm gần đây, chất lượng giáo dục của nhà trường nâng lên rõ rệt.
Kết thúc năm học 2019-2020, toàn tỉnh Hòa Bình có 13 trường PTDTNT, 12 trường PTDTBT, tỷ lệ học sinh đạt học lực giỏi trong các trường PTDTNT đạt 13,5% (tăng 1,1% so với năm học 2018-2019), hạnh kiểm tốt đạt 90,9% (tăng 5,1% so với năm học 2018-2019).
Bên cạnh việc trang bị kiến thức, các trường PTDTNT, PTDTBT quan tâm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, chú trọng giáo dục kỹ năng sống, tăng cường các hoạt động ngoài giờ lên lớp, đa dạng hình thức hoạt động ngoại khóa, văn hóa, văn nghệ cho học sinh.
Việc thực hiện công tác học sinh nội trú, bán trú như xây dựng nội quy khu nội trú, nội quy phòng ở, quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường; xây dựng lối sống văn minh, thanh lịch của học sinh dân tộc nội trú, bán trú được quan tâm; tổ chức, hướng dẫn, tạo cho học sinh nền nếp, ý thức, phương pháp tự học.
Hiện nay, 100% nhà trường đều có phòng ở cho học sinh tương đối sạch sẽ, nhà bếp nấu ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các chế độ, chính sách đối với học sinh dân tộc được thực hiện đầy đủ. Một số trường tăng cường lao động sản xuất cải thiện cuộc sống như trồng rau xanh phục vụ bếp ăn, nuôi gia súc, gia cầm...
Bà Bùi Thị Kim Tuyến- Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết: Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS, miền núi, Sở đã huy động tối đa trẻ em, học sinh đi học, đồng thời có các biện pháp duy trì sĩ số bảo đảm tỉ lệ học sinh chuyên cần trong năm học, nhất là học sinh DTTS, học sinh vùng điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.
Việc thực hiện các chế độ, chính sách về giáo dục dân tộc được ngành triển khai đúng, đầy đủ theo quy định, đã từng bước đáp ứng, giải quyết được những khó khăn đối với học sinh, sinh viên DTTS, vùng khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh ở xa đến trường học có nơi ăn ở thuận lợi hơn.
Nhờ vậy, chất lượng giáo dục DTTS trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến rõ nét. Tỉ lệ học sinh khá, giỏi tăng mạnh, tỷ lệ học sinh yếu kém, bỏ học giảm. Sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi và khó khăn được thu hẹp đáng kể. Số học sinh DTTS xếp loại học lực khá, giỏi và đạt giải trong các kỳ thi quốc gia ngày càng tăng.