Nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt cho trẻ Việt Nam ở nước ngoài

GD&TĐ - Hưởng ứng Ngày tôn vinh tiếng Việt 8/9, trong khuôn khổ của “Khoá tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2022” do Bộ Ngoại giao và Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) tổ chức tọa đàm “Phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài”.

Tọa đàm thu hút đông đảo đại biểu tham dự
Tọa đàm thu hút đông đảo đại biểu tham dự

Dự tọa đàm có ông Đan Anh Tuấn, Tập sự Phó Vụ trưởng cùng các chuyên viên của Vụ TT-VH, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Bà Vũ Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD&ĐT; Ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc NXBGDVN…

Cùng dự còn có các chuyên gia, nhà giáo và đặc biệt là Đoàn các giáo viên kiều bào về từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới…

Ngày 3/8/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 930/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030”.

Đề án đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó đáng chú ý hàng năm tổ chức Ngày Tôn vinh Tiếng Việt (8/9) nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về tiếng Việt; tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng; tổng hợp, đánh giá về tình hình, nhu cầu sử dụng tiếng Việt, khuyến khích kiều bào tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam...

Chương trình Tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài đã được Bộ GD&ĐT ban hành nhằm tạo cơ sở chung cho việc xây dựng, phát triển, cập nhật tài liệu dạy học và tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá năng lực sử dụng tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần giữ gìn, phát triển, quảng bá tiếng Việt và bản sắc văn hóa của người Việt Nam, giữ gìn và phát triển tinh thần hướng về quê hương, đất nước của người Việt Nam ở nước ngoài.

Ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc NXBGDVN phát biểu tại tọa đàm.

Ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc NXBGDVN phát biểu tại tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Hoàng Lê Bách, Tổng Giám đốc NXBGDVN cho rằng tọa đàm “Phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài” là buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thú vị giữa giáo viên dạy tiếng Việt ở trong và ngoài nước cùng tác giả biên soạn sách dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài.

Đồng thời nhấn mạnh, trong tương lai, NXBGDVN và Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục phối hợp triển khai chuỗi các hoạt động: tập huấn, chia sẻ về phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng các thư viện, giới thiệu sách, truyền bá văn hoá Việt Nam tại các nước…

Cũng tại tọa đàm, NXBGDVN đã giới thiệu bộ sách “Chào Tiếng Việt” do tác giả Nguyễn Thụy Anh biên soạn theo Chương trình Tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài của Bộ GD&ĐT năm 2018, hướng đến đối tượng trẻ em từ 6 đến 15 tuổi. Bộ sách gồm 6 cuốn chia theo các cấp độ: Cấp độ 1 - Ra khơi; Cấp độ 2 - Khám phá; Cấp độ 3 - Thử thách; Cấp độ 4 - Kết nối; Cấp độ 5 - Cống hiến; Cấp độ 6 - Trưởng thành.

Bộ sách sử dụng phương pháp tiếp cận trẻ thông qua trò chơi, hoạt động cụ thể, từ đó khơi dậy trong các em sự thích thú trong sử dụng tiếng Việt để giao lưu, tương tác với người thân và cộng đồng người Việt. Ngoài ra, bộ sách còn cung cấp các kiến thức về văn hoá, lịch sử, địa lí Việt Nam.

Tác giả Nguyễn Thụy Anh giới thiệu bộ sách "Chào Tiếng Việt"

Tác giả Nguyễn Thụy Anh giới thiệu bộ sách "Chào Tiếng Việt"

Đồng thời, bộ sách hướng tới đối tượng sử dụng là các thầy cô giáo, các phụ huynh hướng dẫn trẻ em học tiếng Việt ở các nhóm lớp hoặc trong các gia đình người Việt ở nước ngoài. Bộ tài liệu cũng hữu ích cho quá trình dạy và học tiếng Việt trong các trường Quốc tế ở Việt Nam…

Có thể thấy, thời gian diễn ra toạ đàm không dài, nhưng các chuyên gia, nhà giáo, giáo viên đã đưa ra những gợi ý hữu ích, giúp cho việc dạy học Tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài hiệu quả hơn, lan toả tình yêu Tiếng Việt và trở thành động lực thúc đẩy phong trào dạy và học Tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Bản sắc văn hóa và truyền thống của dân tộc, đặc biệt là tiếng mẹ đẻ là sức mạnh, là tài sản vô hình của mỗi quốc gia. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.