Dạy tiếng Anh giữa di sản thế giới

GD&TĐ - Là một trong những địa phương thực hiện tốt việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông, bài học kinh nghiệm của Quảng Ninh là linh hoạt tổ chức hiệu quả các chương trình hỗ trợ cho hoạt động dạy và học tiếng Anh. Đặc biệt chú trọng tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ việc dạy và học ngoại ngữ, tạo động cơ học tập ngoại ngữ cho học sinh.

Một giờ học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài
Một giờ học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài

Sự vào cuộc quyết liệt

Là một trong những địa phương triển khai tích cực và hiệu quả việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông, đến nay 100% các trường THCS và THPT của tỉnh Quảng Ninh đã triển khai chương trình dạy học tiếng Anh trong đó có 170/179 trường tiểu học triển khai chương trình tiếng Anh 10 năm (4 tiết/tuần), 64/188 trường THCS triển khai chương trình tiếng Anh 10 năm và 7/57 trường THPT triển khai chương trình tiếng Anh 10 năm, 8 trường tiểu học dạy từ 2 - 3 tiết/tuần, 60 trường tiểu học dạy tiếng Anh từ lớp 1, 2 (chiếm tỉ lệ 10,7%).

Tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc cũng được đưa vào dạy. Cụ thể, tiếng Pháp theo chương trình song ngữ ở 1 trường tiểu học và 1 trường THPT (gồm cả THCS và THPT). Dạy tiếng Trung Quốc tại 7 trường THCS và 3 trường THPT. Hiện Quảng Ninh cũng đã triển khai dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh tại Trường THPT Chuyên Hạ Long.

Nhằm đảm bảo đội ngũ, Quảng Ninh đã thực hiện đào tạo giáo viên ở nước ngoài hàng trăm lượt giáo viên qua các năm, đồng thời tổ chức bồi dưỡng, nâng chuẩn và bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy, nâng cao kĩ năng nghe nói cho giáo viên.

Tính đến tháng 7/2018, tổng số giáo viên tiếng Anh các cấp trong tỉnh là 1.092 trong đó có 1.008 giáo viên đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam (chiếm tỉ lệ 92,3%). Tỉnh này cũng khuyến khích các trường tạo được môi trường thuận lợi hỗ trợ việc dạy và học ngoại ngữ, tạo động cơ học tập ngoại ngữ cho học sinh; tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục ký kết hợp đồng với các cơ sở ngoại ngữ có giáo viên người nước ngoài tham gia giảng dạy (các đề án nâng cao kĩ năng nghe nói cho học sinh trong 75 trường).

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Tuế, cho rằng: Một trong những yêu cầu tiên quyết để đảm bảo chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông là việc xây dựng kế hoạch tổ chức khảo sát, bồi dưỡng, tập huấn giáo viên; tổ chức mua sắm, sử dụng thiết bị, học liệu và đầu tư cơ sở vật chất, kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, tuyển dụng đội ngũ giáo viên tiếng Anh, đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu trình độ đào tạo.

Song song với đó là việc tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực của giáo viên tiếng Anh thông qua các khóa bồi dưỡng, tập huấn trong và ngoài nước. Thực hiện tốt việc bồi dưỡng thường xuyên và định kỳ, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ, phương pháp giảng dạy và năng lực ứng dụng CNTT và sử dụng thiết bị trong quá trình giảng dạy.

Học sinh tự tin hơn trong các giờ học tiếng Anh

Học sinh tự tin hơn trong các giờ học tiếng Anh

Tạo môi trường thực hành tiếng Anh phù hợp

Nhà giáo Lê Thu Trà – Trưởng phòng Giáo dục thị xã Đông Triều chia sẻ bài học kinh nghiệm trong việc đảm bảo nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở các nhà trường trên địa bàn. Đông Triều đã rà soát năng lực ngoại ngữ của giáo viên tiếng Anh các cấp học để cử tham gia các lớp bồi dưỡng đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ cho giáo viên chưa đạt chuẩn và nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên ngoại ngữ đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Cùng với đó là việc tăng cường bồi dưỡng năng lực sử dụng ngoại ngữ để giảng dạy ngoại ngữ trong lớp học, phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin; kiểm tra, đánh giá và tổ chức các hoạt động đổi mới trong dạy và học ngoại ngữ ở các cấp học, đặc biệt là bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên về giảng dạy, kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ trong nước.

Thực tế cho thấy, nhiều cách thức được đẩy mạnh đem lại hiệu quả cao. Đông Triều đã tổ chức các câu lạc bộ ngoại ngữ tiếng Anh, các cuộc thi nói giỏi/ thuyết trình bằng tiếng Anh, các cuộc giao lưu tiếng Anh của giáo viên và học sinh, các mô hình cộng đồng học tập ngoại ngữ; phát động phong trào giáo viên và học sinh cùng học ngoại ngữ. Khuyến khích các cơ sở giáo dục, nhà trường mở rộng, đa dạng hóa các hình thức hợp tác dạy và học Ngoại ngữ tại địa phương.

Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ nhà giáo, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ đặc biệt sự hỗ trợ và hợp tác của Hội đồng Anh để tổ chức các hoạt động danh hiệu trường học quốc tế tích cực (ISA) của các trường như: Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh, Trường THCS Mạo Khê II, Trường THCS Nguyễn Du, Trường THCS Xuân Sơn và Trường THCS Tràng An.

Năm học 2017 - 2018, đã có 29 trường tiểu học, THCS thực hiện Đề án “Tăng cường kỹ năng giao tiếp tiếng Anh có sự tham gia giảng dạy của giáo viên người nước ngoài”. Trên đà thắng lợi năm học cũ, năm học 2018 - 2019, Đông Triều tiếp tục khuyến khích các nhà trường căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, nhu cầu nguyện vọng của học sinh tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền tới học sinh, cha mẹ học sinh việc cần thiết phải học giỏi tiếng Anh.

Đồng thời khuyến khích các cơ sở giáo dục tổ chức các câu lạc bộ Tiếng Anh theo từng trường hoặc theo cụm trường, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, sân chơi giao lưu để tạo môi trường cho học sinh sử dụng, thực hành tiếng Anh phù hợp với điều kiện về đối tượng học sinh, quy mô, hình thức tổ chức ở mỗi cấp học; Đặc biệt động viên giáo viên cốt cán chia sẻ kinh nghiệm, học liệu… để tổ chức đa dạng và hiệu quả các hoạt động của câu lạc bộ Tiếng Anh – nhà giáo Lê Thu Trà chia sẻ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ