Nâng cao chất lượng đào tạo giảng viên lý luận chính trị

GD&TĐ - Sáng nay (25/12), tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ GD&ĐT, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Nâng cao chất lượng đào tạo giảng viên lý luận chính trị ở Việt Nam hiện nay".
Đoàn chủ tịch chủ trì Hội thảo
Đoàn chủ tịch chủ trì Hội thảo

Tham dự hội thảo có GS.TSKH, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga; PGS.TS. Phạm Văn Linh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng các nhà khoa học, đại biểu đến từ các Viện nghiên cứu, Học viện, các trường ĐH.

Mục đích của hội thảo nhằm quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận 94-KL/TW, ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị (LLCT) trong hệ thống GD quốc dân, góp phần làm cho Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội. 

Hội thảo khoa học còn là diễn đàn để các nhà khoa học, các giảng viên LLCT, các nhà quản lý GD phân tích rõ thực trạng và nhu cầu đào tạo giảng viên LLCT ở Việt Nam hiện nay. 

Đồng thời, từ đó đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo giảng viên LLCT, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Hơn 100 tham luận của các nhà khoa học, các nhà quản lý GD, các giảng viên đến từ các cơ quan quản lý, các trường ĐH, viện nghiên cứu, các cơ quan báo chí đã đóng góp nhiều sáng kiến, giải pháp cho hội thảo như: Vị trí, tầm quan trọng của hoạt động đào tạo giảng viên LLCT trong các trường ĐH hiện nay; Yêu cầu về phẩm chất và năng lực của giảng viên LLCT; Tiêu chí đánh giá chất lượng; Thực trạng và các vấn đề đặt ra...vv. 

GS.TS Tạ Ngọc Tấn chia sẻ: Công tác GD tư tưởng của Đảng nói chung, công tác GD lý luận chính trị nói riêng đã, đang đặt ra rất nhiều vấn đề mới. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quán triệt và nắm vững, củng cố niềm tin về nền dân chủ và sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường xây dựng XHCN ở nước ta.

Đào tạo, bồi dưỡng giảng viên LLCT cùng với công cuộc đổi mới toàn diện, dưới sự lãnh đạo của Đảng trong những năm qua có nhiều đổi mới về nội dung, chương trình đến phương pháp dạy và học. Đội ngũ được bồi dưỡng thường xuyên. Các cơ sở đào tạo đã từng bước đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, quan tâm đến chất lượng, nội dung, phương pháp dạy và học, đổi mới cơ chế GD, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý LLCT. 

Đội ngũ giảng viên LLCT  đã, đang giữ vai trò và phát huy chức năng chính trị đặc thù của mình trên nhiều lĩnh vực cụ thể, góp phần thực hiện phương châm GD toàn diện, từng bước nâng cao chất lượng GD&ĐT, coi trọng GD đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo và rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng cho đối tượng là người học.

Trên thực tế, chất lượng đào tạo giảng viên LLCT chưa tương xứng với yêu cầu GD toàn diện, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng, còn tồn tại bất cập trong chương trình cũng như nội dung đào tạo, dù đã có những thay đổi mang tính phương pháp rất cơ bản. Trong đội ngũ còn có người ít tâm đắc với lĩnh vực GD đào tạo, thậm chí thiếu bản lĩnh chính trị...

Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi các kết quả nghiên cứu, đồng thời là cơ hội để các cơ quan quản lý, các trường ĐH trao đổi kinh nghiệm, khả năng hợp tác và đào tạo, nâng cao uy tín trong xã hội.

Được biết, trong 5 năm qua, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đào tạo, bồi dưỡng được 880 lớp với gần 61 nghìn lượt học viên cao cấp lý luận hành chính, ĐH chính trị và bồi dưỡng lý luận chính trị.


Ảnh minh họa ITN.

Nền tảng quan trọng

GD&TĐ - Chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện về công nghệ hay mạng, mà phải là quá trình cá nhân hóa.