Nâng bước học sinh vùng cao tới trường

Những năm gần đây, công tác chăm lo cho học sinh dân tộc thiểu số luôn được quan tâm nhất là tại các địa phương có điều kiện vô cùng khó khăn.

Nâng bước học sinh vùng cao tới trường

Trường là nhà, thầy cô là cha mẹ

Ba Bể là một huyện miền núi có khoảng 95% là người dân tộc thiểu số. Những năm qua, công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc luôn được địa phương đặc biệt quan tâm, nhất là lĩnh vực giáo dục. Trong đó, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú là loại trường chuyên biệt, không chỉ góp phần nâng cao dân trí mà còn tạo nguồn cán bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương.

Từ thực tế cho thấy, các trường dân tộc thiểu số đã khẳng định được vai trò to lớn trong việc huy động tối đa học sinh trong độ tuổi tới trường, tăng tỷ lệ học chuyên cần, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, giảm tình trạng tảo hôn ở các thôn, bản khó khăn.

Năm học 2022 – 2023, trường Tiểu học Bành Trạch (xã Bành Trạch, huyện Ba Bể) đã chính thức chuyển đổi thành Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Bành Trạch.

Việc chuyển đổi từ trường tiểu học sang mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú đã tạo điều kiện cho học sinh ở các điểm trường vùng cao của xã Bành Trạch được về trường chính sinh hoạt, học tập, nhất là các em học sinh học các môn Tiếng Anh, Tin học của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nâng bước học sinh vùng cao tới trường ảnh 1
Năm học 2022-2023, trường Tiểu học Bành Trạch (Ba Bể) được chuyển đổi thành Trường PTDTBT Tiểu học Bành Trạch (Ảnh: Báo Bắc Kạn)

Cô Triệu Thị Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ tháng 4 năm 2022, nhà trường nhận chủ trương về việc chuyển đổi mô hình trường hiện tại sang trường phổ thông bán trú, ngay sau đó bắt tay xây dựng đề án chuyển đổi mô hình. Vì thời gian khá gấp, yêu cầu đặt ra là làm sao đến đầu năm học mới, mô hình bán trú phải được vận hành. Một thử thách rất lớn đối với tập thể các thầy cô giáo trong nhà trường.”

Trong điều kiện cơ sở vật chất chưa được đầu tư, trường đã linh hoạt sử dụng nhà vệ sinh đồng thời làm phòng tắm. Bố trí một phòng vừa làm bếp nấu vừa làm phòng ăn. Các thầy cô thay phiên trực đêm tại trường để quản lý học sinh. Từ khi chuyển thành trường bán trú, các thầy cô ngoài giờ lên lớp còn phải gánh vác thêm nhiều công việc, nhiệm vụ nên việc về muộn hơn so với trước đây diễn ra thường xuyên.

Trường như ngôi nhà thứ hai của cả thầy và trò, các em lần đầu tiên xa gia đình khi mới 8-9 tuổi nên còn bỡ ngỡ, rụt rè, nhất lại là học sinh ở thôn bản vùng cao, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy các thầy cô giáo ở đây lại càng thương yêu các em hơn, coi học sinh như chính những đứa con của mình.

Cảm nhận lần đầu khi đến đây là sự tận tâm của các thầy cô giáo, gần gũi, trách nhiệm, ngoài chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, các thầy cô còn hướng dẫn các em kỹ năng sống, lao động, ôn bài...

Đáp ứng nhu cầu học sinh dân tộc thiểu số

Cũng giống như Ba Bể, Pắc Nặm là một trong những huyện vùng cao còn nhiều khó khăn của tỉnh Bắc Kạn, địa hình chủ yếu là đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa nên việc phát triển mô hình trường nội trú và bán trú để học sinh yên tâm đến trường được xem là giải pháp hiệu quả, phù hợp với đặc thù ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa.

Hiện nay trên địa bàn huyện Pắc Nặm có 41 trường với khoảng hơn 7000 học sinh, hầu hết các em đều là người dân tộc thiểu số và có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù ngân sách địa phương còn eo hẹp nhưng huyện luôn dành sự quan tâm cao nhất đối với việc nâng cao chất lượng học tập cho các em học sinh vùng cao.

Đa số các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn đều chuyển sang hình thức nội trú và bán trú. Cơ sở vật chất, thiết bị liên quan đến việc học tập, sinh hoạt đều được chú trọng đầu tư. Đội ngũ cán bộ, giáo viên tâm huyết và có trình độ đạt chuẩn, trên chuẩn.

Thầy Dương Văn Hải – Hiệu trưởng trường PTDT nội trú THCS Pắc Nặm chia sẻ: "Hiện nay, nhà trường có 245 em học sinh được chia làm 7 lớp và tất cả đều là học sinh dân tộc thiểu số. Nhà trường đã thực hiện khá tốt việc chăm lo đời sống cho các em học sinh, bên cạnh việc dạy kiến thức, nhà trường còn phải cố gắng nỗ lực rất lớn để đảm bảo cho các em chỗ ăn ở, sinh hoạt ngay tại trường.

Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường cơ bản đủ điều kiện và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập của các em học sinh".

Nâng bước học sinh vùng cao tới trường ảnh 2

Một giờ học tại trường PTDT nội trú THCS Pắc Nặm

Trường PTDT nội trú THCS Pắc Nặm là một trong những ngôi trường có không gian đẹp, quy củ, nhiều hoa, cây xanh nhờ bàn tay chăm bón của các thầy cô và học sinh nơi đây. Một ngôi trường thân thiện, nơi đó các thầy cô giáo nỗ lực hết mình để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, vì sự phát triển của giáo dục vùng cao.

Theo giaoducthoidai.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ