Để hỗ trợ, giúp học trò vững bước, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ đã xây dựng nhiều mô hình thiết thực.
Tiếp bước cho học trò
Thầy Nguyễn Trung Dũng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ (xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, Kon Tum) - cho biết, năm học này toàn trường có 275 học sinh. Trong đó, chủ yếu các em là đồng bào dân tộc thiểu số nên còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Khi bước vào năm học mới, một số em đến lớp với những bộ quần áo đã cũ nhàu, sách vở cũng không được “lành lặn”. Mong muốn học trò có đủ quần áo, đồ dùng học tập, nhà trường đã phát động cán bộ, giáo viên, nhân viên và vận động các nhà hảo tâm ủng hộ để xây dựng mô hình “Vui đến trường”. Thông qua mô hình này, nhà trường hy vọng sẽ trang bị được phần nào đồ dùng cơ bản để các em đỡ khó khăn trong học tập.
Theo thầy Dũng, sau một thời gian kêu gọi, đã có hơn 300 bộ quần áo học sinh được hỗ trợ. Sau khi nhận về, nhà trường bố trí một phòng riêng để thầy cô giặt, là phẳng phiu trước khi phát cho học sinh.
“Trong ngày khai trường, giáo viên dẫn các em đến phòng “Vui đến trường” để chọn lựa bộ quần áo phù hợp, vừa vặn bước vào năm học mới. Nhìn những gương mặt vui vẻ, rạng ngời của học trò, nhà trường vô cùng hạnh phúc”, thầy Dũng chia sẻ.
Với bộ quần áo trắng tinh tươm được thầy cô hỗ trợ vào đầu năm học mới, A Tiến không giấu được sự vui mừng, hạnh phúc. Em tâm sự: “Bước vào năm học em được thầy cô cho quần áo và đồ dùng học tập nên em rất vui. Em cảm ơn thầy cô và các mạnh thường quân rất nhiều. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng thầy cô và gia đình”.
Mô hình thiết thực
Cô Nguyễn Thị Thu Hương - Tổng phụ trách Đội, phụ trách quản lý mô hình “Vui đến trường” - cho biết, để bảo đảm quần áo đến tay các em được sạch sẽ, không bị lỗi thì ngay khi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ nhà trường sẽ kiểm tra, phân loại.
Với những bộ quần áo bị rách đường chỉ, đứt cúc… giáo viên sẽ khâu lại. Bên cạnh đó, thầy cô đều mang quần áo đi giặt, là lại cho phẳng phiu. Sau đó, treo lên gọn gàng để phân phát cho học sinh.
Cô Hương tâm sự, khi xây dựng mô hình, nhà trường không nghĩ sẽ được nhiều nhà hảo tâm hưởng ứng. Do đó, nhà trường rất vui và hạnh phúc vì có thể lan tỏa tình yêu thương dành cho học trò đến nhiều người. Từ đó, hỗ trợ và tiếp thêm động lực giúp các em đến trường.
Bên cạnh mô hình “Vui đến trường”, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ còn bố trí tủ sách dùng chung hỗ trợ cho gần 100 học sinh có SGK khi đến trường. Đồng thời xây dựng mô hình “Thư viện yêu thương” để khuyến khích học sinh hình thành thói quen và xây dựng văn hóa đọc để mở mang tri thức. Ngoài ra, thời gian rảnh rỗi, trong hoạt động ngoại khóa giáo viên nhà trường còn hỗ trợ cắt tóc, móng tay, móng chân… và hướng dẫn cho học sinh vệ sinh thân thể...
Ông U Lý - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi - cho hay, mô hình “Vui đến trường” của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ rất phù hợp đối với xã vùng III như Đăk Pxi. Thông qua mô hình này, nhà trường đã kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm để hỗ trợ quần áo, sách vở cho học sinh khó khăn. Nhờ vậy giúp các em tự tin khi đến trường học con chữ.
Ngoài ra, nhà trường còn xây dựng các mô hình “Thư viện yêu thương” hay “Tủ sách dùng chung” rất thiết thực và phù hợp với điều kiện tại địa phương. Những mô hình này đã lan tỏa yêu thương, tạo sự gắn kết giữa thầy cô giáo và học sinh.
Theo ông U Lý, đây là những mô hình hiệu quả, rất cần nhân rộng đến các trường ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.