Nâng bước học sinh vùng khó đến trường

GD&TĐ - Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục vùng khó, yếu tố đầu tiên phải là tính chuyên cần trong học tập của học sinh. Đó là chia sẻ của rất nhiều nhà quản lý giáo dục ở những địa bàn khó khăn.

Nâng bước học sinh vùng khó đến trường

Nỗi lo chuyên cần

Khi nói về những khó khăn trong đảm bảo chất lượng giáo dục, ông Nguyễn Hồng Hoa - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) - một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước - từng trăn trở:

Kết quả học tập của học sinh Kỳ Sơn nói riêng nhìn chung còn thấp đều xuất phát từ nguyên nhân các em đi học không chuyên cần.

Toàn huyện có 20 xã, 1 thị trấn với 5 dân tộc anh em sinh sống, trong đó, 4,2% là dân tộc Kinh và Hoa, dân tộc Thái chiếm 26,5%, dân tộc H’Mông chiếm 37%, dân tộc Khơ Mú chiếm 32,3%.

Học sinh THCS đi học đa phần theo kiểu “đâm gạo”, bữa đi, bữa bỏ. Có em chỉ đi học một vài bữa đầu, rồi nghỉ suốt tuần, thậm chí là hàng tháng, chỉ khi thầy cô đến vận động thì mới đi học lại một thời gian, rồi lại nghỉ. Với cách học như vậy việc nâng cao chất lượng có thể nói là một nhiệm vụ bất khả thi.

Riêng với học sinh tiểu học, dù trường tiểu học mở đến tận các bản, khoảng cách từ nhà đến trường không xa lắm, có thể đi học và trở về nhà trong ngày; tuy nhiên tình trạng đi học không chuyên cần vẫn xảy ra, nhất là học sinh không đi các buổi học “tăng buổi”, ảnh hưởng đến chất lượng học tập.

Nguyên nhân của tình trạng học sinh tiểu học không đi học chuyên cần, theo ông Nguyễn Hồng Hoa, trước hết do điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn. Phụ huynh không có tiền đóng tiền ăn, mua các vật dụng cần thiết để con ở bán trú... nên hầu hết các trường tiểu học ở Kỳ Sơn không tổ chức được bán trú.

Học sinh học xong buổi sáng, buổi chiều theo bố mẹ lên nương rẫy, có ít thời gian dành cho việc học. Do bố mẹ rất ít quan tâm đến việc học của con, bỏ mặc cho nhà trường, rất ít phụ huynh về nhà kiểm tra việc học của con nên ngoài thời gian học trên lớp, hầu hết học sinh không có thói quen học ở nhà.

“Theo thống kê, học sinh tiểu học Việt Nam, thời gian học trên lớp thấp hơn so với học sinh tiểu học các nước trong khu vực, chưa nói đến các nước tiên tiến trên thế giới. Riêng học sinh miền núi trong đó có Kỳ Sơn, thời gian này lại càng ít hơn. Nhưng tình hình này đã được cải thiện rất nhiều từ khi các trường tiểu học tham gia Chương trình đảm bảo chất lượng trường học - SEQAP” - ông Nguyễn Hồng Hoa cho biết.

Nâng bước học sinh đến trường

Hiện nay, huyện Kỳ Sơn có 18 trường tiểu học với 5.214 học sinh (trong đó có 5.200 học sinh dân tộc thiểu số) tham gia SEQAP

Các trường tham gia SEQAP được hỗ trợ tiền ăn trưa cho khoảng 35% tổng số học sinh toàn trường, mỗi tuần 2 bữa, mỗi bữa 15.000 đồng từ nguồn kinh phí của Quỹ phúc lợi học sinh.

Từ nguồn kinh phí của quỹ này, các trường tổ chức nấu ăn cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn; số còn lại mang cơm đến trường ăn và ở lại trường học buổi chiều. Đó là điều kiện quan trọng giúp những trường này bước đầu có thể tổ chức cho học sinh bán trú để học cả ngày.

Bên cạnh đó, SEQAP cũng hỗ trợ các trường tham  gia chương trình một số kinh phí; như Quỹ giáo dục nhà trường, hỗ trợ mua sắm thêm sách giáo khoa, dụng cụ học tập...; kinh phí hỗ trợ giáo viên dạy quá giờ quy định (đối với các trường có định mức giáo viên dưới 1,3 giáo viên/lớp).

Ghi nhận sự đóng góp quan trọng, mang tính nền tảng của SEQAP, ông Nguyễn Hồng Hoa cho biết: Sau một thời gian triển khai, kinh phí từ Quỹ phúc lợi học sinh đã hỗ trợ ăn trưa cho học sinh mỗi tuần 2 bữa, một số trường như Trường Tiểu học Mỹ Lý 1, Trường Tiểu học Mỹ Lý 2... đã vận động phụ huynh đóng góp tiền ăn trưa cho học sinh các buổi còn lại để học sinh được học cả ngày suốt cả tuần.

Hàng loạt những công việc được các trường nghiêm túc triển khai để tổ chức được ăn trưa, bán trú cho học sinh. Trong đó, về công tác tuyên truyền, các trường đều tổ chức họp phụ huynh từng điểm bản, mời già làng, trưởng bản cùng tham dự họp hội đồng để thống nhất hình thức tổ chức ăn trưa, bán trú cho HS, động viên giáo viên dạy các điểm trường tranh thủ thời gian nấu thức ăn để phân phát cho học sinh, thay phiên nhau quản lý học sinh vào buổi trưa mang tính tự nguyện.

“Kỳ Sơn đã thống kê chất lượng giáo dục và tỷ lệ học sinh chuyên cần của các trường SEQAP và các trường không tham gia SEQAP từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2013 - 2014.

Theo thống kê này, các trường tham gia SEQAP có số lượng học sinh giỏi (18,4%) và khá (26,8%), cao hơn hẳn các trường không tham gia Chương trình (giỏi: 15,7%, khá: 24,3%).

Tỷ lệ học sinh chuyên cần của trường tham gia SEQAP đạt 96,5%, trong khi các trường không tham gia, tỷ lệ này là 93,5%.

Chúng tôi hy vọng, sau khi chương trình kết thúc, học sinh đã có thói quen, nền nếp ăn trưa và tham gia các hoạt động giáo dục tại trường để học cả ngày; từ đó phụ huynh có ý thức, nấu cơm cho học sinh mang đến trường ăn cùng các bạn, hoặc tốt hơn nữa là đóng góp tiền để nhà trường nấu ăn tập trung cho học sinh khi không còn sự hỗ trợ của chương trình” - ông Nguyễn Hồng Hoa chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.