Đón nhận tin vui này, các thầy cô trong trường đã tự nhận luôn nhiệm vụ làm ... đầu bếp nhằm tiết kiệm kinh phí, giúp học sinh có thêm 2 bữa trưa tại trường.
Thầy cô nhường cơm, sẻ áo với học trò
Trường tiểu học Châu Hội 2 có địa bàn phức tạp, nhiều bản lẻ cách xa trường chính. Tại các điểm lẻ của trường, 100% là con em dân tộc thiểu số, đời sống vô cùng khó khăn. Tâm sự của cô hiệu trưởng Mai Thị Quang, công việc gian nan nhất, cũng là nỗi ưu tư trăn trở của người làm giáo dục nơi đây là việc duy trì sĩ số học sinh.
“Phụ huynh chưa tạo điều kiện để con em đến trường đầy đủ. Vào mùa nương rẫy, một số học sinh nghỉ học để phụ giúp gia đình; mùa măng, mùa đót các em lại nghỉ học để đi hái măng, hái đót hoặc cả tuần ở nhà trông em cho bố mẹ hái măng, ... Phổ biến nhất là các em hay nghỉ học các buổi chiều trong tuần.
Đặc biệt, từ năm học 2010 – 2011, khi thực hiện sáp nhập 1 điểm trường lẻ tại bản 8/3 và học sinh lớp 5 tại bản Khứm về trường chính học tập, quãng đường đi học của các em xa hơn, có em phải đi học tới 7- 8 km, đường dốc và qua nhiều khe suối, phương tiện đến trường chủ yếu bằng chính đôi bàn chân bé nhỏ của mình. Hoàn cảnh các em ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, đến trường thiếu sách vở bút mực,... Nhiều phụ huynh không có điều kiện để nấu cơm cho các em đưa đi ăn trưa tại trường. Hàng loạt các lý do khiến việc tổ chức dạy học cả ngày khó khăn vô cùng” – cô Mai Thị Quang trải lòng.
Trong điều kiện ấy, để nâng chất lượng giáo dục thông qua tổ chức dạy học cả ngày tại trường, các thầy cô giáo nơi đây chắc chắn phải bỏ ra rất nhiều công sức, bởi không chỉ lên lớp, để níu chân học sinh ở lại trường, giáo viên còn phải là người bạn, người cha, người mẹ, chăm sóc các em từ bữa ăn, giấc ngủ…
Cô Mai Thị Quyên cho biết: Từ năm học 2012 - 2013 đến nay, học sinh Trường tiểu học Châu Hội được chương trình SEQAP hỗ trợ ăn 2 bữa trưa trong tuần, nhưng nhà trường vẫn tổ chức nấu cơm cho các em từ thứ 2 đến thứ 6. Để làm được điều đó, các thầy cô giáo đã bàn bạc, tự nguyện thay phiên nhau để nấu cho các em ăn, chuyển kinh phí thuê người nấu cho học sinh được ăn 2 bữa trưa còn lại. Hiện nay, hàng ngày có 50 - 60 học sinh ăn trưa tại điểm trường chính và 35 học sinh mỗi điểm lẻ được ăn trưa tại trường.
Để học sinh tiếp tục tham gia học buổi chiều, trường đã viết thư kêu gọi các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện ủng hộ bằng tiền mặt hoặc hiện vật để duy trì bữa cơm trưa tại trường cho học sinh. Xúc động nhất là các thầy cô dù còn khó khăn nhưng mỗi tháng đều trích 50.000 đồng từ đồng lương ít ỏi để cải thiện bữa cơm trưa cho các em. Tại điểm lẻ ở bản Tằn và bản Khứm, giáo viên góp tiền mua 2 bếp ga, khi dạy học xong lại mau mải vào bếp nấu ăn cho học sinh. Tại đây, những luống rau xanh cải thiện bữa trưa cho học trò cũng do chính tay các thầy cô chăm sóc.
“Ở Trường tiểu học Châu Hội, giáo viên luôn thấu hiểu hoàn cảnh, tính tình, năng lực của từng học sinh. Mỗi buổi trưa ở lại, các em được ăn cơm, nghỉ ngơi, được thầy cô hướng dẫn, phụ đạo thêm bài học. Mỗi câu nói ân tình, mỗi lời thăm hỏi, mỗi bát cơm, đĩa rau… như níu kéo các em đến trường đều đặn.
Thầy cô là người mẹ, người anh, người chị uốn nắn các em từng câu nói, lời chào, mời … Từ đó các em mạnh dạn hơn, tự tin hơn trước mọi người. Chính tình thương yêu của mỗi thầy cô đã cảm hóa rất nhiều em học sinh ở Na Hiền, Bản Khứm, 8/3 mà trước đây thường vắng học” – cô Quyên tâm tình.
Đến trường được học, được chơi
Ngoài tổ chức ăn trưa, Trường tiểu học Châu Hội còn thực hiện rất nhiều giải pháp để thu hút học sinh tới trường, trong đó có việc thực hiện tự chủ trong dạy học, tổ chức tốt các hoạt động thể thao, hoạt động ngoài giờ lên lớp hấp dẫn, phong phú.
Cô Mai Thị Quyên cho biết: Ban giám hiệu nhà trường đã Chỉ đạo Hội đồng chuyên môn có kế hoạch cụ thể, lựa chọn nội dung và hình thức phù hợp mỗi khối lớp, điểm trường để giáo dục và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp bằng nhiều hình thức. Có thể kể đến hoạt động giao lưu văn nghệ trong các chủ đề thi đua, hát dân ca, kể chuyện, tìm hiểu pháp luật, an toàn giao thông, tìm hiểu về Đảng, về Bác Hồ; tổ chức các trò chơi dân gian; múa hát sân trường, nhảy Aerobic; giao lưu Olympic học sinh giỏi, học sinh năng khiếu các môn học; tổ chức “Ngày hội đọc sách”.
Nhà trường cũng chú trọng lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chủ đề, các tiết chào cờ đầu tuần, sinh hoạt cuối tuần nhằm tạo môi trường cho học sinh được trao đổi, giao tiếp và thể hiện những kiến thức được học trong nhà trường và ngoài xã hội, tạo sự gần gũi giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với giáo viên; tạo mối thân thiện tích cực trong giao tiếp. Từ đó, thu hút học sinh tham gia học tập và rèn luyện, thích đến trường để được học, được chơi.
“Nhà trường chỉ đạo giáo viên mạnh dạn chủ động lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức dạy học phù hợp khả năng của các em, tránh áp lực đối cho học sinh vùng khó khăn tham gia học tập tại điểm trường chính mà vẫn đảm bảo đạt chuẩn theo yêu cầu về kiến thức kỹ năng môn học; tạo mối quan hệ hòa đồng, gần gũi giữa học sinh với học sinh, tinh thần giúp đỡ bạn của các em trường chính đối với các em trong bản lẻ.
Nhờ dạy học cả ngày và những giải pháp trên mà nhiều năm qua, trường Tiểu học Châu Hội 2 đã làm tốt công tác duy trì sĩ số, đảm bảo phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, chất lượng học sinh ngày một đi lên” – cô Quyên chia sẻ.