Theo cuộc khảo sát trên, giảng viên là thủ phạm lớn nhất của nạn quấy rối tình dục, chiếm 66%, tiếp theo là nhân viên phục vụ, chiếm 24%, cán bộ quản lý là 23%.
“Việc gây áp lực để SV phải đổi hành vi tình dục để có điểm cao hơn hoặc phần thưởng đang rất phổ biến trong khu vực” – một thông cáo báo chí của Action Aid Kenya cho biết.
Nghiên cứu trên được tiến hành từ tháng 6 và tháng 8 năm nay, cả ở trên mạng và bên ngoài.
Quấy rối tình dục bao gồm việc các nhân viên đùa cợt liên quan tới tình dục (21%), bình luận không phù hợp về thân thể của SV hoặc người khác (26%) và nhận được nội dung khiêu dâm hoặc xúc phạm không mong muốn từ nhân viên qua điện thoại và mạng xã hội (11%).
Những hành vi khác bao gồm sự tiếp xúc và tiếp cận thân thể không mong muốn (6%), liên tục mời ăn tối mặc dù đã bị từ chối (16%).
Ở quy mô toàn cầu, tỷ lệ 1/5 phụ nữ và 1/16 nam giới ở trường ĐH là nạn nhân của quấy rối tình dục.
Do sự quấy rối này, SV các trường ĐH Kenya đã thu thập chữ ký để ủng hộ 5 yêu cầu mà họ đề ra trong một bản kiến nghị.
Một chiến dịch có khẩu hiệu “CampusMeToo” đã khuyến khích SV lên tiếng về quấy rối tình dục.
Bản kiến nghị yêu cầu tạo điều kiện cho SV mới vào học được xem tài nguyên GD về quấy rối tình dục và biến quấy rối tình dục trở thành chủ đề trong các cuộc bàn luận của SV năm thứ nhất, đào tạo cho nhân viên về nạn quấy rối tình dục, chỉ định một quan chức về giới tính để cung cấp các tài nguyên và hỗ trợ nạn nhân.
Một số biện pháp khác được đưa ra bao gồm thiết lập một ủy ban điều tra mà SV có thể tiếp cận khi nhận được điểm không công bằng.
Nếu SV cảm thấy không có sự hỗ trợ từ các trường ĐH, họ sẽ im lặng. Một nghiên cứu cho thấy 38% SV nữ và 33% nam cho rằng các trường ĐH sẽ không để ý tới báo cáo về quấy rối tình dục. Họ cũng nói rằng các trường sẽ không bảo vệ nạn nhân hay có hành động chống lại nhân viên quấy rối tình dục SV.
Luật pháp Kenya quy định rằng bất kỳ người nào bị kết tội quấy rối tình dục đều có thể bị phạt tù không dưới 3 năm hoặc phạt tiền không dưới 500.000 Sh.