Nạn bằng giả đang tràn ngập nước Nga

Nạn bằng giả đang tràn ngập nước Nga

Những kẻ có bằng giả hãy yên tâm

Theo thông tin của ông  Sergey Komkov, giám đốc Quỹ giáo  dục Nga, chuyên gia Trung tâm giám định tư pháp độc lập, viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Nga, ở Nga hàng năm có gần nửa triệu bằng đại học giả được bán. Tại Bộ Nội vụ Liên bang Nga người ta đưa ra con số  khiêm tốn hơn - gần 200.000. Nhưng bất luận thế nào thì nạn bằng giả đã xâm chiếm nước Nga, và ngày càng lan rộng, đồng thời số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học rởm cũng đang bắt đầu leo thang.

Bằng
Bằng giả ở Nga

Tuy vậy, kiểm tra bằng tốt nghiệp ở Nga hiện nay là công việc khá nhiêu khê. Đầu tiên bạn cần gửi đơn đề nghị tới trường đại học. Nhưng ở đấy, trước khi vào kho lưu trữ tìm kiếm, người ta kiểm tra xem yêu cầu của bạn có hợp lệ không – nghĩa là thủ tục đó chỉ dành cho các cán bộ nhà nước thuộc những ngành nhất định. Ví dụ, nếu như một bệnh viện đề nghị kiểm tra bằng tốt nghiệp của bác sĩ nào đó, thì ở trường đại học người ta không thực hiện. Điều này tạo nhiều cơ hội cho bọn bằng tặc. Hơn nữa, trong thực tế hình sự những vụ việc tương tự rất hiếm khi xảy ra. Thông thường, những kẻ sử dụng bằng giả chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện.

Chẳng hạn, cách đây vài năm ở tỉnh Novgorod một bác sĩ phẫu thuật giả mạo bị vạch mặt. Một đoàn kiểm tra thình lình xuất hiện ở bệnh viện và phát hiện ra một bác sĩ dùng bằng giả. “Nhà phẫu thuật” này đã 5 năm hành nghề y, kê đơn thuốc và làm các cuộc phẫu thuật!

Năm ngoái, ở thành phố Tobolsk có 20 nhân viên công an bị phát hiện dùng bằng giả. Hoá ra, để thực hiện chủ trương nâng cao trình độ đào tạo của Bộ Nội vụ chính ông thủ trưởng cơ quan này đã cử các nhân viên của mình đi mua bằng giả!

Năm 2006 đã xảy ra một vụ tai tiếng lớn, khi thị trưởng tỉnh Arkhangelsk  Aleksandr Donskoy bị phát hiện dùng bằng giả.

Trong tất cả các trường hợp nói trên những kẻ vi phạm thường bị phạt tiền. Mức án cao nhất dành cho kẻ dùng bằng giả là một thời hạn tù tượng trưng, hoặc bị đuổi việc, - ông Andrey Gridnyev, phó ban an ninh một ngân hàng lớn của Nga  chia sẻ. Andrey là thượng tá công an nghỉ hưu, từng phụ trách một trong những đơn vị đặc biệt của Sở Nội vụ Moskva, chuyên điều tra các vụ tội phạm kinh tế trong các cơ quan nhà nước và địa phương.

"Cá nhân tôi trong thực tế công tác của mình chưa bao giờ gặp phải những vụ việc tương tự, mặc dù, tôi ngờ rằng nhiều “khách hàng” của tôi có vấn đề về trình độ học vấn" - ông nói. – "Đơn giản là người ta không đặt ra nhiệm vụ  tóm cổ họ. Điều đó chẳng khác gì “Dã tràng xe cát”, trong khi thời gian dành cho những công việc chính còn không đủ".

Năm ngoái, Bộ Giáo dục và Khoa học Liên bang Nga tuyên bố về việc thành lập một cơ sở dữ liệu thống nhất, qua đó có thể kiểm ra độ chính xác của văn bằng bắt đầu từ những năm 40 của thế kỷ trước. Hiện tại mới chỉ có 15 trường đại học tham gia chương trình này, cơ sở dữ liệu điện tử đang ở giai đoạn hình thành và còn lâu mới được  truy cập tự do. Vì thế cho nên những người sử dụng bằng giả còn có thể yên tâm dài dài.

Tình hình đã đến mức phi lý

Khi được hỏi về hiện tượng này, ông Andrey Kutepov, tiến sĩ khoa học, giáo sư Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva (MGU) nói:  C"ó một thời Liên Xô cũ tự hào về nhà trường đại học của mình. Hệ thống giáo dục Liên Xô đã tạo ra một nền khoa học cơ bản vĩ đại. Văn bằng của chúng tôi  tuy không được phương Tây công nhận, nhưng rất được tôn trọng ở đấy. Khi tấm màn sắt vừa sụp đổ, các trường đại học phương Tây đã mở một cuộc săn lùng thực sự các nhà khoa học chúng ta –  phải chăng đó không là một tiêu chí về việc nền giáo dục đại học của Liên Xô được coi trọng như thế nào?"

Giáo sư nhớ lại một số vụ án hình sự nổi tiếng thời kỳ Liên Xô, khi các quan chức cao cấp bị phát hiện sử dụng bằng phó tiến sĩ và tiến sĩ khoa học giả.  "Tất cả bọn họ đều bị bỏ tù, cả người thuê viết lẫn kẻ viết thuê. Và điều đó đúng. Bằng cách đó nhà nước bảo vệ chất lượng nền giáo dục của mình, -  giáo sư Andrey Kutepov nói tiếp. – Còn hiện nay thì tình hình đã đến mức  phi lý. Ví dụ, khi một người sản xuất ra loại giò chả nào đó kém chất lượng, sớm hay muộn anh ta cũng sẽ bị trừng trị. Còn nếu một trường đại học đào tạo ra những cán bộ chuyên môn giả thì chẳng bao giờ bị trừng trị cả. Trong hai trường hợp kể trên, chúng ta thừa biết trường hợp nào có hại hơn".

Theo giáo sư Andrey Kutepov, nguyên nhân là ở chỗ người sử dụng bằng giả hiện nay chủ yếu là những kẻ nắm quyền lực: các quan chức, chính khách các cấp khác nhau.

Một kỹ sư lập trình sẽ không mua bằng giả làm gì, điều đó vô nghĩa. Bạn hãy thử tổ chức một mạng lưới máy tính mà không có kiến thức xem sao - bạn sẽ bị đuổi việc ngay tức khắc. Còn ở nước ta không hiểu sao người ta có thể làm lãnh đạo mà không cần kiến thức chuyên môn, - giáo sư cười buồn. – Nói thật, hiện tại tôi không hình dung nổi điều đó sẽ được giải quyết  như thế nào. Nhân dân ta rất tài năng, và nền khoa học cơ bản ở nước Nga sẽ hồi sinh. Nhưng nhìn chung nhà trường đại học ở nước ta hiện nay rất, rất ốm yếu.

Trần Hậu  (Theo “Thế giới tin tức”)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.