Theo lời kể của bệnh nhân, do muốn có dái tai dài, to dày như tai Phật nên cách đó mấy ngày anh đã nhờ một người bạn làm nhân viên spa mua filler với chi phí hơn một triệu đồng về nhà tiêm tai.
Qua thăm khám, BSCK2 Phạm Thị Thanh Giang, khoa thẩm mỹ da, nhận định, bệnh nhân bị tắc mạch và loét hoại tử một phần dái tai. Nguyên nhân có thể do người tiêm thực hiện sai kỹ thuật nên tiêm vào mạch máu, hoặc cũng có thể do filler là hàng trôi nổi, không đảm bảo chất lượng.
Trước đó, BV Da Liễu Thành phố Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận một trường hợp tai biến do tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc vào dái tai. Bệnh nhân cho biết cách đây 4 năm, do tính chất công việc phải có dái tai dày giống tai Phật nên anh đã tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc vào 2 dái tai.
Hậu quả là hai bên tai bị biến màu không đồng nhất, siêu âm thấy có nhiều mô hạt viêm, nghi do silicon. Bệnh nhân phải phẫu thuật lấy ra các mô hạt viêm, dịch tiết… sau đó mới tái tạo lại dái tai, vành tai như trước.
Nhiều trường hợp tiêm filler vào dái tai, vùng mặt để... thay đổi phong thủy, thay đổi tướng số, nhưng phải nhập viện do bị tắc mạch, hoại tử vùng tiêm.
Cũng có những trường hợp vì thẩm mỹ đã tiêm filler vào môi, hay tiêm chất tan mỡ để có thân hình đẹp như trường hợp của nữ bệnh nhân 38 tuổi ngụ tại tỉnh Bình Phước đến thăm khám tại Bệnh viện JW Thành phố Hồ Chí Minh trong tình trạng cơ thể có rất nhiều vết thương.
Thông tin trên báo chí chiều 31/3, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện JW Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ông vừa tiếp nhận và thăm khám cho nữ bệnh nhân 38 tuổi này bị tai biến thẩm mỹ rất nghiêm trọng.
Bác sĩ nhận định, các ổ áp xe trên cơ thể người bệnh là do một số loại chất đã bị cấm sử dụng trong thẩm mỹ nhưng đang được các spa hoặc cơ sở thẩm mỹ hoạt động trái phép quảng cáo và sử dụng để làm tan mỡ.
Người bệnh có khoảng gần 30 ổ áp xe tập trung chủ yếu ở 2 cánh tay và vùng bụng. Các ổ áp xe đã được phẫu thuật nhưng do tình trạng tổn thương rất sâu nên không thể xử lý hết. Theo dự kiến, bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật để xử lý triệt để các ổ áp xe cho người bệnh và điều trị tích cực nhằm ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng tái phát.