Bác sĩ cảnh báo biến chứng kinh hoàng nhất sau tiêm filler

GD&TĐ - Theo các BS ở Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ, BV Hữu nghị Việt Đức, tắc mạch dẫn đến hoại tử và mù mắt là biến chứng nặng nề và thảm khốc nhất sau tiêm filler.

Bác sĩ cảnh báo biến chứng kinh hoàng nhất sau tiêm filler

Cô gái trẻ bị hoại tử sau khi tự tiêm filler tại nhà

Bệnh nhân là chị L.T.K (26 tuổi, ngụ Đà Nẵng). Chị K. cho biết, tiêm filler phải diễn ra nhiều lần và tốn tiền, nên chị tự mua một lượng filler lớn về nhà, nhờ bạn thân tiêm nhằm tiết kiệm chi phí.

Nghe lời giới thiệu về loại filler mới nhập khẩu từ Mỹ, chị K. bỏ ra 150 triệu đồng để mua rồi nhờ bạn thân tiêm. Trước đó, chị K. từng tiêm filler nhiều lần vào mặt, ngực, mông.

Filler trào ra sau đường rạch của bác sĩ. Ảnh: BVCC.
Filler trào ra sau đường rạch của bác sĩ. Ảnh: BVCC.

Sau 2 tháng tiêm, vùng mông phải của bệnh nhân sưng tấy, căng cứng, tụ thành khối áp xe lớn gây đau nhức âm ỉ.

Sau đó, chị K. tự rạch mông để nặn mủ. Tuy nhiên, qua 6 ngày đau đớn, chị K. đã đến cấp cứu một bệnh viện thẩm mỹ tại TP.HCM.

Tại đây, bác sĩ ghi nhận filler đã lan rộng vùng mông trái, ăn vào khu vực xương chậu khiến mông sưng phồng, nhiều vùng bị vón cục.

Bên cạnh đó, vết thương do nạo filler trước đó liên tục chảy dịch, khiến bệnh nhân đau đớn.

Ngay lập tức, bác sĩ chỉ định mổ khẩn, nạo vét filler. Khi bác sĩ vừa rạch đường phẫu thuật đầu tiên, filler và dịch mủ trào ra có màu trắng đục và nhớp dính như gel dán. Filler len lỏi sâu vào các mô cơ tạo thành cấu trúc tổ ong, khiến vùng mông của bệnh nhân bị biến dạng. 

Thậm chí, filler thẩm thấu và lan rộng tới tận xương chậu của bệnh nhân, gây tắc nghẽn mạch máu dẫn đến hoại tử mô và nhiễm trùng nặng.

Sau ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ, hiện chị K. đã ổn định và được truyền kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Người phụ nữ tử vong bất thường sau khi tiêm filler làm đầy ngực

Một trường hợp gặp phải tình trạng nguy hiểm dẫn tới tử vong bất thường do tiêm filler, sáng 2/3, BSCKII. Hoàng Ngọc Ánh - Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cho biết, các bác sĩ của Khoa tiếp nhận một nữ bệnh nhân sinh năm 1988 vào viện vì sốt, khó thở sau đó diễn tiến nặng, gia đình xin về.

Theo người nhà bệnh nhân cho biết, trước đây 1 năm bệnh nhân có tiêm filler làm đầy vùng ngực tại một spa làm đẹp. Trước khi nhập viện một tuần, bệnh nhân tiếp tục tiêm filler vào ngực lần 2.

Khoảng 3-4 ngày sau khi tiêm, bệnh nhân thấy mệt, khó thở nên vào Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu. Sau khi vào viện, bệnh nhân được theo dõi sát sao, tuy nhiên đến 27/2, bệnh nhân bị ho ra máu với lượng lớn. 

Hình ảnh chụp Xquan phổi của bệnh nhân. Nguồn: SKĐS.
Hình ảnh chụp Xquan phổi của bệnh nhân. Nguồn: SKĐS.

Kết quả chụp Xquang phổi có thuốc cản quang thấy trắng xoá nhu mô phổi, dựng hình CT thấy nhiều ổ xuất huyết lớn ở khắp 2 bên phổi. Tiên lượng cực kì xấu. Dù được tích cực cứu chữa nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi và tử vong vào ngày 28/2 với chẩn đoán sốc mất máu do chảy máu trong phổi. 

Cũng theo BS. Ánh, hiện chưa kết luận được nguyên nhân tử vong của bệnh nhân là do liên quan đến chất làm đầy. Trong khi hội chứng xuất huyết phế nang lan tỏa có thể gặp trong nhiều bệnh lý như rối loạn miễn dịch, nhiễm trùng, nhiễm độc.

Theo các bác sĩ  thẩm mỹ, tiêm filler vào mông và ngực có thể được xem là một chống chỉ định đối với tiêm filler, vì biến chứng quá nặng nề.

Những biến chứng hay gặp nhất như hoại tử, áp xe, biến dạng mông ngực, filler chui vào phổi như ca bệnh trên v.v.... Chưa kể loại filler sử dụng bơm mông và ngực thường là filler kém chất lượng.

Bác sĩ Ánh lưu ý, thông thường để làm đầy ngực, người ta thường đặt túi ngực. Việc tiêm chất làm đầy vùng ngực có thể gây ra nhiều biến chứng như gây tắc động mạch, tĩnh mạch lớn dẫn đến tử vong.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, làm đẹp là nhu cầu chính đáng nhưng để tiêm chất làm đầy hay đặt túi ngực nên đến những cơ sở thẩm mỹ được cấp phép và có uy tín để hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm khó lường.

Cô gái 21 tuổi mù mắt sau khi tiêm filler nâng mũi

Một trường hợp khác, gặp phải biến chứng nặng nề là mù mắt sau tiêm filler, đó là N.T.H. (21 tuổi, Bắc Ninh) tới cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức rạng sáng 25/1/2021.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Minh Minh.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Minh Minh.

Cô gái trẻ nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, đau đớn, da mũi và mi mắt trái nhợt, lạnh, kèm các chấm tím đen nhỏ; mắt trái không còn nhìn thấy gì ngoài phân biệt sáng tối, sụp mi mắt trái toàn bộ, các cơ vận động nhãn cầu tê liệt hoàn toàn.

Theo chia sẻ của bệnh nhân, cô được bạn thân là nhân viên spa tiêm filler nâng mũi vào tối 24/1. Ngay lúc tiêm, H. đã cảm thấy choáng váng, đau đầu, mờ mắt trái, toàn thân nóng ran rồi chuyển rét run.

Sau đó, bạn của H. đã liên hệ với một người khác để được hướng dẫn mua "thuốc giải", rồi mang về tiêm trực tiếp tại spa.

Thấy không hiệu quả, H. đến 1 bệnh viện thăm khám, khi không xử lý được mới chuyển khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Tại đây, các bác sĩ tiếp tục chuyển cô gái trẻ đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhập viện trong tình trạng đau đớn, hoảng loạn, da mũi và mi mắt trái nhợt, lạnh, kèm các chấm tím đen nhỏ trên da; Mắt trái mất hoàn toàn thị lực, không còn nhìn thấy gì, chỉ phân biệt được sáng tối, sụp mi trái toàn bộ, các cơ vận động nhãn cầu tê liệt.

Do đến Bệnh viện Việt Đức khi đã qua "thời gian vàng" để xử lý, các bác sĩ đã phải cấp cứu đa chuyên khoa, hồi sức tích cực, giảm áp lực nội sọ, oxy liều cao, thuốc giãn mạch, thuốc giải filler hậu nhãn cầu... 

Các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh can thiệp mạch đã chụp đánh giá hình ảnh tổn thương, cho thấy tắc hầu hết nhánh của động mạch nuôi mắt.

Sau hơn hai ngày can thiệp tích cực, các bác sĩ đã tạm ngăn được các vết hoại tử vùng da mí mắt và bề mặt nhãn cầu lan rộng, mắt trái bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu nhìn thấy bóng bàn tay.

Bác sĩ điều trị cho biết, các bác sĩ vẫn đang theo dõi sát bệnh nhân bởi hiện tượng tái tắc mạch rất dễ xảy ra. Khi mạch máu bị tổn thương bởi chất làm đầy, các chất này sẽ nằm trong lòng mạch, ngoài gây tắc mạch ngay lâp tức còn là dị vật khiến phần tắc có nguy cơ càng tăng thêm.

Hiện ngoài sử dụng thuốc làm tan phần tắc trong mạch, các bác sĩ kết hợp dùng thuốc làm tiêu sợi huyết, chống đông máu, giảm nhiễm trùng, giảm áp lực của não.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang tích cực phối hợp với bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương, hội chẩn liên tục để lên phương án điều trị cho trường hợp này. Các bác sĩ vẫn đang can thiệp tích cực, nhưng trường hợp này chưa đánh giá được mức độ hồi phục do thời gian đến bệnh viện khá muộn. Dự kiến, ít nhất một vài tuần nữa mới có thể kết luận tiên lượng hồi phục của bệnh nhân.

Chuyên gia cảnh báo

ThS.BS Nguyễn Quang Minh - Phó Trưởng khoa Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào gốc, BV Da liễu Trung ương cho biết trên báo sức khỏe và đời sống, filler hay còn gọi chất làm đầy, là các chất có tác dụng bổ sung thể tích thiếu của da, hoặc đưa vào cơ thể để làm đầy mô, tạo hình cũng như bổ sung hoạt chất giữ nước cho da cơ thể.

Hoạt chất filler có thể là tế bào mỡ, Hyaluronic acid, collagen… Những tai biến filler chúng tôi ghi nhận thường gặp là tiêm vào mạch máu gây tắc mạch… hoặc do vấn đề nhiễm trùng khi không thực hành việc sát khuẩn tốt…

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khuyến cáo trên PL&BĐ, tiêm filler là một kỹ thuật của phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa được đào tạo ở những cơ sở y tế được cấp phép.

Việc tiêm filler ở spa, cơ sở cắt tóc, gội đầu, nhà riêng bởi những người không có chuyên môn, không phải là bác sĩ, tiêm những chất không có nguồn gốc, xuất xứ sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. 

Tiêm filler chính là thực hiện phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ có tính xâm lấn vào cơ thể - chọc kim để tiêm chất filler vào người. Do đó, việc tiêm filler tiềm ẩn những nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khoẻ như khi phẫu thuật.

Khả năng chị em đi làm đẹp bằng tiêm filler gặp biến chứng ở những cơ sở thẩm mỹ hoặc spa không được cấp phép rất cao. 

Thời gian gần đây, tuần nào các bác sĩ ở Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng tiếp nhận và xử lý những trường hợp gặp phải biến chứng nặng nề sau tiêm filler, điển hình là biến chứng tắc mạch dẫn đến hoại tử và mù mắt. Đây là biến chứng nặng nề và thảm khốc nhất sau tiêm filler. 

Trong cơ thể con người, mắt được cấp máu từ động mạch cảnh từ máu rồi đi đến vùng trán và mũi. Khi người tiêm filler không có kỹ thuật, tiêm nhanh với áp lực tiêm mạnh vào nhánh của động mạch mắt thì áp lực tiêm sẽ khiến chất tiêm đi ngược dòng máu tiến sâu vào trong não. Từ đó, chất tiêm bị đẩy ngược lại vào động mạch mắt, trong đó có động mạch trung tâm võng mạc. 

Nếu filler đi vào động mạch trung tâm võng mạc, người bệnh sẽ mất hoàn toàn thị lực, đồng thời, bị teo, loét toàn bộ da xung quanh mắt. Ngoài ảnh hưởng tới thị lực thì filler còn gây ảnh hưởng rất nặng đến vùng xung quanh mắt và tính thẩm mỹ trên khuôn mặt của người bệnh.

TS.BS. Lê Thanh Dũng - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông tin, biến chứng tắc mạch mắt là biến chứng nặng nề và tàn khốc của tiêm filler, ngoài việc gây mù mắt, mất giảm thị lực còn đe dọa tắc tiếp động mạch não gây nguy hiểm tính mạng hoặc tắc các động mạch nuôi da, cơ thần kinh quanh ổ mắt dẫn đến hoại tử toàn bộ ổ mắt, thậm chí còn phải khoét bỏ nhãn cầu.

Các bác sĩ đồng thời khuyến cáo người dân nên làm đẹp ở những cơ sở có uy tín, chủ động tìm hiểu về các phương pháp làm đẹp để phòng, tránh những biến chứng có thể xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.