Người bắt được con rắn hung dữ cực độc này là anh Nguyễn Chí Kha (20 tuổi, ngụ ấp Thanh Phong, xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long), hiện đang là sinh viên.
“Hôm ấy khoảng 19h, tôi ra sân hóng mát thì nghe tiếng động rất lạ. Tôi lấy đèn ra soi thì phát hiện con rắn màu xanh tấn công và ăn thịt con thằn lằn, tôi đánh lừa con rắn ấy hướng ra phía sau và dùng tay bắt sống nó.
Khi mang vào nhà, tôi mới giật mình vì thấy phía sau đuôi con rắn có màu đỏ, hỏi ra mới biết đó là rắn lục đuôi đỏ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người”, anh Kha kể lại.
Anh Kha dùng tay cầm đầu con rắn lục đuôi đỏ mà mình bắt được.
Theo chia sẻ của bà con trong ấp, trước đây, anh Kha cũng đã từng khống chế rắn hổ mang chỉ bằng tay không. Lần này cũng vậy, anh đã bắt sống con rắn đuôi đỏ dài cả mét mà không dùng đến bất cứ dụng cụ gì.
“Trước đây, tôi đã tiêu diệt nhiều loài rắn nguy hiểm nhưng bắt rắn lục đuôi đỏ thì đây mới là lần đầu. Bản thân tôi cũng chỉ tận mắt chứng kiến con rắn này lần đầu nhưng nhìn cách nó tấn công và ăn thịt con thằn lằn mới thấy nó thật đáng sợ”, anh Kha chia sẻ.
Trước đó, anh Phùng Đức Tám (30 tuổi, ngụ P.Hòa Khánh Bắc, Q.Liên Chiểu TP.Đà Nẵng) bắt được một con rắn lục đuôi đỏ dài 70cm ở phía sau vườn nhà.
Anh Tám cho biết, khi đang lái xe tải chở hàng cho khách thì người nhà báo tin trẻ con trong xóm thuộc tổ 50A, P.Hòa Khánh Bắc phát hiện một con rắn lục đuôi đỏ ở sau vườn nhà 215 đường Âu Cơ. Anh Tám liền chạy về, dùng gậy khống chế và bắt sống con rắn lục này. Con rắn dài khoảng 7 cm, to bằng ngón chân cái, phần bụng phình to.
Rắn lục đuôi đỏ còn có tên khác là rắn lục mép trắng, rắn lục tre (tên khoa học là Trimeresurus albolabrIS thuộc họ rắn lục Viperidae). Đây là loài phổ biến, phân bố rộng ở khắp các tỉnh, thành phố tại VN. Rắn lục đuôi đỏ có khả năng sinh sản nhanh. Mùa giao phối từ tháng 3 - 5, sinh sản vào tháng 8 - 11. Rắn lục đuôi đỏ khi cắn chỉ tiêm một phần nọc độc vì vậy nó vẫn có thể tiếp tục gây tổn thương sau khi đã cắn lần đầu tiên. Đặc biệt, khi rắn lục đuôi đỏ mới chết hoặc phần đầu rắn bị cắt rời vẫn có thể cắn và phòng nọc độc. Việc rắn lục đuôi đỏ xuất hiện bất thường trong thời gian qua ở một số địa phương có thể do điều kiện thời tiết ấm áp hơn. Các trận lũ lớn trước đây đã mang theo một số cá thể rắn lục từ vùng thượng lưu xuống đồng bằng, gặp điều kiện thuận lợi đã phát triển nhanh hơn, gia tăng về số lượng. |