Nam sinh thay mẹ xóa mù chữ cho trẻ nghèo

GD&TĐ - Sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Tấn Phát có một lớp học tình thương vẫn đều đặn gieo ước mơ cho nhiều thế hệ học sinh nghèo suốt 40 năm nay.

Một buổi học tại lớp học tình thương rất thoải mái.
Một buổi học tại lớp học tình thương rất thoải mái.

Hơn 6 năm qua, Phan Trung Hải, hiện là sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM, đã thay mẹ đứng lớp, mang đến cơ hội học tập cho các em học sinh khó khăn tại phường Phú Mỹ (Quận 7, TPHCM). Với tình thương và sự nhiệt huyết của Hải, lớp học đặc biệt này luôn đầy ắp niềm vui và tinh thần hiếu học.

Mẹ truyền con nối

Sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Huỳnh Tấn Phát có một lớp học tình thương vẫn đều đặn gieo ước mơ cho nhiều thế hệ học sinh nghèo suốt 40 năm nay. Lớp học do UBND phường Phú Mỹ thành lập từ năm 1982 do cô Ngô Thị Mạnh Hòa phụ trách cho tới khi chuyển giao cho người con trai là Phan Trung Hải (24 tuổi).

Cô Hòa chia sẻ, khi mới thành lập, lớp học gặp phải rất nhiều khó khăn, nhất là bước vào năm học mới. Một phần vì cơ sở vật chất còn hạn chế, một phần nữa là việc vận động các em đến lớp rất vất vả. Bởi nhiều phụ huynh không đồng ý cho con đến lớp vì sợ sẽ không còn thời gian để đi làm, phụ giúp việc nhà.

“Tuy nhiên, khi các em theo học tại lớp một thời gian, ba mẹ đã thấy được lợi ích và ý nghĩa của lớp học, con em họ chăm ngoan hơn, siêng năng và nghe lời hơn. Vì vậy, nhiều gia đình đã ủng hộ và đồng ý cho các em theo học. Từ vài em theo học ban đầu, sĩ số tăng dần theo các năm. Nhiều em lúc đầu đến theo học rất bướng, nhưng sau một thời gian đã chăm ngoan, tiến bộ rõ rệt”, cô Hòa chia sẻ.

Cũng theo cô Hòa, khi còn học cấp 3, Phan Trung Hải từng có thời gian không chuyên tâm học hành. Vì vậy, ngoài thời gian học trên lớp, cô Hòa thường đưa Hải đến lớp học tình thương để giúp hiểu rõ hơn những số phận nghèo khó nhưng vẫn rất ham học tập.

Nhờ được tiếp xúc với lớp học tình thương và thấy được việc làm ý nghĩa của mẹ mình suốt mấy chục năm qua, nên khoảng 6 năm trước, khi Hải đang là sinh viên năm thứ nhất Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Đường thủy II, đã ngỏ lời muốn hỗ trợ cùng mẹ dạy tại lớp học mỗi tối. Khi được mẹ đồng ý, Hải đã bắt đầu đến làm quen và phụ mẹ, dạy tại lớp tình thương.

Nhắc đến khoảng thời gian khi còn là học sinh cấp 3, Hải tâm sự: “Thời còn học sinh, mình ham chơi khiến gia đình buồn phiền rất nhiều. Nhiều hôm thấy mẹ buồn vì mình, rồi nghĩ đến cảnh mẹ tuổi đã cao mà vẫn hằng ngày đứng lớp dạy miễn phí cho trẻ em nghèo, mình thấy day dứt và quyết tâm tu chí để tập trung vào việc học và hỗ trợ mẹ dạy lớp học tình thương”.

Tiếp lời con trai mình, cô Hòa cho biết: “Thời điểm đầu, Hải chỉ phụ tôi trong công tác giảng dạy vì còn nhiều bỡ ngỡ, do chuyên ngành khác xa với kiến thức sư phạm. Thế nhưng, chỉ gần 1 tháng, nhờ sự quyết tâm và kiên trì cùng với tình yêu trẻ, Hải dần lấy được niềm tin không chỉ từ mẹ, mà còn từ chính các học trò của mình. Năm 2016 tôi đã giao lại lớp cho cháu phụ trách để tập trung vào công việc tại phường Phú Mỹ”.

Lực lượng Biên phòng cùng Đoàn Thanh niên phường Phú Mỹ tặng quà cho học sinh tại lớp học tình thương.

Lực lượng Biên phòng cùng Đoàn Thanh niên phường Phú Mỹ tặng quà cho học sinh tại lớp học tình thương.

Hướng đến nghề sư phạm

Phan Trung Hải chia sẻ: Niềm vui bây giờ của tôi không còn là những cuộc tụ tập bạn bè, được đi đến nơi này nơi kia cho thỏa ước mơ tuổi trẻ, mà đơn giản là nhìn thấy các em nhỏ không có điều kiện đến trường vẫn được học con chữ. Và càng hạnh phúc hơn khi giúp các em có được cuộc sống, tương lai ổn định hơn.

Trong quá trình dạy tại lớp học tình thương, Hải nhận ra ngành học yêu thích là sư phạm. Vì vậy năm 2019, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Đường thủy II và đi làm với mức lương khởi điểm từ 10 - 15 triệu đồng/tháng, nhưng Hải đã nộp đơn xin nghỉ việc.

Hải chia sẻ: “Vì tính chất công việc của tôi là thủy thủ, làm việc trên các tàu cao tốc, tàu du lịch nên không phải đi một ngày rồi về mà cả tuần mới trở về, như thế thì ai lo cho lớp học, rồi tụi nhỏ sẽ thế nào. Vì thế mà tôi đã xin nghỉ việc. Với tôi công việc dạy học tuy không làm ra tiền nhưng bản thân thấy vui và hạnh phúc khi được đồng hành cùng trẻ nghèo”.

Suốt những năm qua, Hải xem dạy học ở lớp học tình thương là công việc chính. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, đến nay Hải đã quen thuộc với công việc. Hải cho biết: “Dù đã quen với việc giảng dạy ở lớp học tình thương, nhưng bản thân vẫn mình còn thiếu rất nhiều kiến thức và kỹ năng của một giáo viên đứng lớp.

Vì vậy, tháng 8/2020, tôi đã quyết tâm thi vào Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Nhiều người biết tin thì tỏ ra rất bất ngờ. Nhưng rồi được sự ủng hộ của ba mẹ, suốt 4 tháng liền tự mày mò ôn tập tôi đã đậu vào ngành học Giáo dục chính trị của trường”.

Trong những năm qua, ngoài việc học tập, Hải phụ trách toàn bộ hoạt động của lớp học từ chương trình giảng dạy đến các hoạt động ngoài giờ. Lớp học tình thương phường Phú Mỹ mà Hải đang giảng dạy có khoảng 40 em từ 6 - 17 tuổi.

Đến nay, lớp dạy 8 môn học gồm: Toán, Tiếng Việt, Lịch sử, Đạo đức, Tiếng Anh, Mỹ thuật, Tin học và Nhạc cụ. Đặc biệt, ngoài sự hỗ trợ của các đoàn thể trong địa phương, lớp học của Hải phụ trách còn có sự đồng hành giúp đỡ về vật chất và động viên về tinh thần từ Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Mỹ và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 thuộc địa bàn Quận 7.

Ngày nắng cũng như ngày mưa, hàng tuần cứ đến đúng 16 giờ 30 phút, từ thứ 2 đến thứ 7, các học trò nhỏ lại tập trung đến lớp để học cùng thầy Hải. Mỗi em có một hoàn cảnh riêng, nhưng đa số đều thuộc gia đình khó khăn, không có khả năng đến trường.

Nhiều em sáng đi nhặt ve chai, phụ giúp cha mẹ, chiều cắp sách đi học rồi tối lại đi làm tiếp. Có em bị bệnh từ nhỏ nên tiếp thu bài vở chậm, phải giảng riêng, dạy thêm ngoài giờ. Nhưng tất cả đều có chung tinh thần hiếu học, lễ phép và quý mến lẫn nhau.

Hải tâm sự: “Suốt những năm qua, điều mà tôi luôn trăn trở là sĩ số học sinh của lớp biến động liên tục. Bởi một số gia đình vì tính chất công việc phải thay đổi nên không sống cố định một chỗ. Các em vì thế mà cũng phải theo ba mẹ đi đến nơi mới và buộc phải nghỉ học giữa chừng”.

Dương Hải Lộc (sinh năm 2011), quê ở Đồng Tháp theo học tại lớp học tình thương phường Phú Mỹ từ năm 2018 đến nay chia sẻ: “Con rất muốn được đến trường như các bạn cùng trang lứa, nhưng gia đình không có điều kiện. Từ khi được học tại lớp học tình thương của thầy Hải, con cảm thấy rất vui vì được đến lớp vui đùa cùng bạn bè, được học chữ, làm toán và tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích. Học ở đây thầy Hải đã giúp đỡ con rất nhiều, con sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng thầy!”.

Lớp học tình thương kiểm tra thực hành trên máy tính.

Lớp học tình thương kiểm tra thực hành trên máy tính.

Làm thêm hỗ trợ trẻ nghèo

Suốt 6 năm qua, ban ngày Hải đi học, đến tối lại đứng lớp làm nghề “gõ đầu trẻ”. Mặc dù vậy, Hải vẫn sắp xếp thời gian đi làm gia sư, dành dụm tiền để lo cho học sinh của mình, từ quần áo đến bánh kẹo, đồ dùng học tập.

Hải cho biết mỗi tháng thu nhập từ gia sư khoảng hơn 2 triệu đồng. Số tiền này, ngoài mua các món quà hỗ trợ học sinh trong lớp, Hải dùng để hỗ trợ việc đi lại và chi phí học tập cho học sinh trong lớp đủ 17 - 18 tuổi học nghề.

Năm 2019, trong quá trình giảng dạy tại lớp, Hải nhận thấy nhiều em có niềm đam mê với thể thao. Chính vì vậy, Hải tách những bé có đam mê với thể thao, mời thầy dạy võ về dạy với mục tiêu giúp các em phát triển, tiến xa hơn, từ đó có thể phát triển thành nghề nghiệp sau này.

Hải cho biết: “Sân chơi võ thuật được duy trì gần 4 năm trước. Đến hiện tại có 4 em nằm trong đội tuyển boxing TPHCM. Mỗi tháng các em được nhận trợ cấp, tương lai cũng có nhiều cơ hội hơn”.

Nguyễn Thị Kim Tuyến (sinh năm 2006) không được đến trường như các bạn cùng trang lứa. Năm 2015 Tuyến đến học tại lớp học tình thương phường Phú Mỹ. Sau quá trình học văn hóa, năm 2019 thấy được năng khiếu võ thuật của Tuyến, Hải đã hướng cô học trò nghèo này sang lớp võ thuật.

Tuyến cho biết: “Thầy Hải là một người ấm áp và có tình yêu trẻ đặc biệt. Bản thân em may mắn hơn khi được học võ thuật. Trong quá trình học tập, thầy Hải là người đã hỗ trợ tiền xe đi lại, luôn động viên em và các bạn đến khi trở thành vận động viên của TPHCM.

Nhiều học sinh tại lớp học tình thương đã trở thành vận động viên Boxing của TPHCM.

Nhiều học sinh tại lớp học tình thương đã trở thành vận động viên Boxing của TPHCM.

Nhờ có thầy Hải mà cuộc sống em ổn định hơn, không còn khó khăn như trước đây nữa. Từ năm 2020 đến nay trong quá trình thi đấu em đã giành 2 Huy chương Vàng giải Boxing trẻ TPHCM, 1 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Vàng giải Boxing trẻ toàn quốc”.

Tương tự, Thạch Thanh Thảo (sinh năm 2006) quê ở Vĩnh Long, người Khmer, hiện là vận động viên đội tuyển Boxing TPHCM. Hơn 10 năm về trước, mẹ Thảo làm công nhân và ở tại công ty ở Quận 7 nên thuê trọ sống bên đó để tiện đi lại, gửi Thảo cho người cậu ở Quận 4 chăm sóc.

Trước đây, Thảo đã từng có 3 năm học tại một lớp học tình thương ở Quận 4, nhưng vì điều kiện đi lại khó khăn không có người đưa đón nên Thảo nghỉ học giữa chừng.

Đến năm 2017, mẹ Thảo biết đến lớp học tình thương phường Phú Mỹ nên đưa em về đây sinh sống và đăng ký cho học lớp 4 và 5 tại đây. Cũng tại lớp học tình thương, nhận thấy Thảo có khả năng võ thuật nên thầy Hải đã đưa em vào lớp học võ.

Thảo cho hay: “Thầy Hải luôn hỗ trợ và bên cạnh nên em mới có được như ngày hôm nay. Trong quá trình thi đấu em cũng đã giành được những thành tích như Huy chương Đồng giải vô địch Boxing trẻ toàn quốc và Huy chương Vàng giải vô địch Boxing trẻ TPHCM. Hiện tại, cuộc sống của em khá ổn, tương lai phía trước của em cũng tươi sáng hơn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Tạo sức hút cho nghề giáo

GD&TĐ - Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước quan tâm và quy định các chế độ, chính sách, giúp nhà giáo bảo đảm an sinh xã hội, an tâm công tác và cống hiến.

Nhiều phiên giao dịch được tổ chức giúp cho người lao động tìm việc làm.

Cách nào tăng năng lực cạnh tranh doanh nghiệp?

GD&TĐ - Ngoài thay đổi chiến lược tuyển dụng, cần có hệ thống thông tin dữ liệu chuẩn, chính xác về ứng viên để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận...với lực lượng lao động