Năm nguyên tắc xây dựng và phát triển nền giáo dục nước nhà

Năm nguyên tắc xây dựng và phát triển nền giáo dục nước nhà

(GD&TĐ) - Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới là bức thư cuối cùng gửi ngành Giáo dục, lần đầu tiên ghi đầy đủ các thành phần trong các trường, dưới ký tên Bác Hồ, đăng báo Nhân dân số 5299, ngày 16/10/1968 (Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ ba, Nxb. CTQG, H. 2011, t.15, tr.506 – 508).

Bức thư viết vào thời gian cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước rất gay go, ác liệt. Đây là bức thư dài nhất trong các bức thư gửi cho ngành Giáo dục, hơn 2 trang, có thể gói vào 5 nội dung sau: (1) Phát triển giáo dục là bộ phận thiết yếu, hệ trọng trong hệ tư tưởng Hồ Chí Minh; (2) Nguyên nhân thành công; (3) Nhiệm vụ sắp tới: Thi đua “hai tốt”; (4) Mục tiêu giáo dục – nội dung giáo dục; (5) Tổ chức và quản lý giáo dục.

Bác Hồ với học sinh Trường Trung học Trưng Vương (Hà Nội) năm 1956. Ảnh tư liệu
Bác Hồ với học sinh Trường Trung học Trưng Vương (Hà Nội) năm 1956. Ảnh tư liệu

1. Bác viết: “Trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, sự nghiệp giáo dục của chúng ta vẫn phát triển nhanh, mạnh hơn bao giờ hết”, nêu cụ thể số trường các cấp học, từ tiểu học đến đại học; cả bổ túc văn hóa, số học sinh, sinh viên hệ tập trung và tại chức, nói lên sự quan tâm to lớn, thường xuyên đến phát triển giáo dục. Hết sức coi trọng sự nghiệp giáo dục là tư tưởng xuyên suốt từ bức thư đầu tiên (9/1945) đến bức thư cuối cùng gửi cho ngành Giáo dục, trong suốt cuộc đời của Người. Phát triển giáo dục là một bộ phận thiết yếu, hết sức quan trọng trong hệ tư tưởng Hồ Chí Minh: “Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta”.

2. Muốn phát triển giáo dục thành công, trước hết phải có đường lối đúng đắn; thứ hai, quân và dân phải đồng lòng, ra sức thực hiện; thứ ba, tinh thần và nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, Bác khẳng định: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng”.

3. Bác giao nhiệm vụ: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt” do Bác phát động từ năm 1961, nghĩa là nhà trường, thầy cô giáo bao giờ cũng phải tập trung vào “dạy tốt” và học sinh – “học tốt”. Dạy tốt phải đi đôi với học tốt. Làm được hai việc này thì giáo dục nhất định bảo đảm được chất lượng.

4. “Dạy tốt và học tốt”, tức là từ chương trình, phải luôn bám sát mục tiêu vươn lên chiếm lĩnh tri thức của văn minh nhân loại, kinh nghiệm lịch sử dân tộc. Vai trò của giáo dục quan trọng đến nhường nào: Có giáo dục mới có tri thức, có khoa học, kỹ thuật, công nghệ - mới kiến thiết được đất nước, mới đưa đất nước tiến tới văn minh bằng các cường quốc, khi ấy dân tộc mới vinh quang.

Các em học sinh là người quyết định cuối cùng đối với thành quả của giáo dục: “Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều”. Nhắc nhở các em ghi ơn những người có công lao, hy sinh giành lại nền độc lập cho nước nhà, các em phải gắng sức học tập và phải tập dần công tác xã hội, sẵn sàng tham gia chống giặc ngoại xâm.

5. Hồ Chí Minh viết: “…một nền giáo dục phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”, đấy là tinh thần của triết lý giáo dục nhân văn; xuất phát chính từ tiềm năng chứa đựng trong thân thể và tinh thần của người học; giúp các em phát triển bản thân mình, đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh, hết sức coi trọng quy luật tự nhiên, việc của giáo dục là “phát triển hoàn toàn” tiềm năng ở các em. Hồ Chí Minh mở ra thời đại Khai sáng của Việt Nam.

Năm nội dung bức thư là năm nguyên tắc lớn để xây dựng và phát triển nền giáo dục nước nhà: Tính dân tộc, quyền lợi quốc gia, hết sức coi trọng phát triển giáo dục, cùng với nhà giáo, học sinh là chủ thể của hoạt động dạy và học, cơ sở tâm lý học của giáo dục. Các nội dung đó cũng là tinh thần xuyên suốt trong nhiều tác phẩm và hơn 30 thư Hồ Chí Minh gửi cho các thầy cô giáo và các em học sinh. Trong hoàn cảnh đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, bên cạnh những thuận lợi mới, có vô vàn thách thức, bức thư đầu tiên Bác gửi cho học sinh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thiết thực với sự nghiệp giáo dục (bao gồm cả đào tạo).

GS Phạm Minh Hạc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ