Nằm liệt giường vì vi khuẩn tàn phá nội tạng

Từ một người khỏe mạnh, nặng động, Tom Dukes phải nằm liệt giường khi bị một chủng vi khuẩn E.coli tàn phá nội tạng.

Nằm liệt giường vì vi khuẩn tàn phá nội tạng

Theo New York Times, mọi chuyện bắt đầu khi Tom Dukes sống ở California (Mỹ), gặp những cơn đau thắt bụng. Những cơn đau khiến anh đứng ngồi không yên, thậm chí mất ngủ. Bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm túi thừa đại tràng, kê thuốc và cho Tom xuất viện.

Bốn tháng sau, những cơn đau bụng lại tái phát. Dù được bác sĩ kê thêm kháng sinh nhưng các cơn đau không giảm. Khi tiến hành chụp cắt lớp, bác sĩ phát hiện Tom bị thủng đại tràng và phải phẫu thuật khẩn cấp.

Ba ngày sau phẫu thuật, bác sĩ Stephen Marer đến thăm Tom, mang theo tin xấu. Khi đưa mẫu lấy trong bụng Tom đi xét nghiệm, họ phát hiện một chủng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh thuộc loại phổ biến có tên gọi ESBL E. coli.

ESBL E. coli là chủng vi khuẩn siêu kháng thuốc, ăn chất dinh dưỡng trong ruột. Trong trường hợp của Tom, vi khuẩn này đã thoát ra từ đại tràng bị thủng, xâm nhập vào các phần khác trong cơ thể, sau đó tiếp tục nhân rộng, phá hỏng nội tạng của Tom. Nếu không có biện pháp hợp lý, các vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng máu nặng, sốc nhiễm khuẩn hoặc gây tử vong.

Kháng sinh đã cứu hàng triệu người trên thế giới. Nhưng qua thời gian, những thuốc này có thể dần mất tác dụng. Người ta cho rằng việc dùng kháng sinh khi thâm canh trong nông nghiệp trên khắp thế giới đã khiến nhiều chủng vi khuẩn có khả năng chống lại kháng sinh.

Theo nghiên cứu của Liên đoàn các nhà khoa học có quan tâm của Mỹ (UCS), 70% số kháng sinh sản xuất ở nước này được dùng trong chăn nuôi, 14% dùng để điều trị cho gia súc bị bệnh, và chỉ 16% còn lại dùng cho con người và vật nuôi.

Khi ăn thịt hay tiếp xúc với gia súc này, con người đứng trước rủi ro dễ mắc phải các loại vi khuẩn đã kháng thuốc, hoặc tích tụ kháng sinh trong cơ thể.

Trong đó, MRSA là một trong những loại vi khuẩn kháng kháng sinh phổ biến nhất, giết chết 18.000 người Mỹ mỗi năm, còn hơn cả số người chết vì HIV/AIDS tại nước này.

Trong trường hợp của Tom, việc điều trị kháng sinh bệnh viêm đại tràng đã góp phần trong việc nhiễm khuẩn ESBL E.coli. Sau 5 tháng điều trị, sức khỏe của anh đã hồi phục. Nhưng anh cho rằng phải cẩn thận vì rất có thể ESBL E.coli vẫn ở trong cơ thể. Hiện tại, thực phẩm sạch không kháng sinh là lựa chọn hàng đầu của Tom.

Theo Zing News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ