Năm học 2020 - 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp, ước tính thu ngân sách Nhà nước có thể giảm khoảng 150 nghìn tỷ đồng, đời sống người dân khó khăn hơn. Chia sẻ với lo toan của Chính phủ và vất vả của phụ huynh, ngành Giáo dục các địa phương đã tích cực đẩy mạnh tiết kiệm chi tiêu và tăng sự sẻ chia.
Mới đây, Sở GD&ĐT TPHCM có văn bản gửi hiệu trưởng các trường THPT và thủ trưởng đơn vị trực thuộc hướng dẫn thực hiện ngân sách năm 2020 và triển khai xây dựng dự toán 2021, kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước trong 3 năm từ 2021 - 2023. Theo đó, sở yêu cầu trường học cần thực hiện chi tiêu công tiết kiệm, hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ các khoản thu - chi, rà soát lồng ghép các chế độ, chính sách và nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Dự toán chi cần hạn chế mua sắm ô tô, phương tiện, trang thiết bị đắt tiền, hạn chế tối đa về số lượng và quy mô tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, tổng kết, lễ ký kết, khởi công, phong tặng danh hiệu, tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước, các nhiệm vụ không cần thiết khác…
Không chỉ các trường hưởng 100% ngân sách Nhà nước mới lo xây dựng các chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhiều trường tư thục, đại học tự chủ tài chính cũng cố gắng tính toán vén khéo các khoản chi trong bối cảnh khó khăn chung do dịch bệnh. Điều chỉnh lại thời gian sử dụng máy lạnh, giảm các văn bản giấy, chi phí chuyển phát nhanh, tăng cường kiêm nhiệm trong quản lý nhân sự, cố gắng tận dụng cơ sở vật chất sẵn có, tranh thủ nguồn lực tại chỗ… là cách làm mà mỗi đơn vị đã và đang thực hiện hằng ngày để giảm chi.
Nỗ lực tiết kiệm chi tiêu của ngành Giáo dục không chỉ nhằm thực hiện chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ, mà còn hướng đến mục tiêu hạn chế tăng thu học phí và các khoản thu khác, đồng thời xây dựng các quỹ hỗ trợ cho người học trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn. Thực tế cho thấy, năm học mới này nhiều địa phương trên cả nước đã thống nhất không tăng học phí công lập. Song song với việc không tăng học phí, các địa phương cũng đồng thời chú ý thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh khó khăn.
Ở các trường ĐH, CĐ trong lộ trình tự chủ tài chính, việc tiết kiệm chi cũng góp phần gia tăng các gói hỗ trợ, học bổng chia sẻ với người học. Như ĐH Đà Nẵng, từ các nguồn tiết kiệm chi thường xuyên và phúc lợi của ĐH và các trường thành viên, đã triển khai các gói hỗ trợ tài chính kịp thời đối với sinh viên, học viên với tổng số tiền 20 tỷ đồng. Ngoài quỹ học bổng khoảng 32 tỷ đồng mỗi năm, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM còn thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên, phiên chợ 0 đồng, cơm miễn phí… Đặc biệt, Trường ĐH Thái Bình Dương chủ trương giảm 80% học phí năm đầu tiên cho tân sinh viên khóa tuyển sinh đại học chính quy năm 2020 khi đóng học phí 1 lần cho cả năm học 2020 - 2021 và giảm 20% học phí cho sinh viên các khóa trong năm học này.
Tiết kiệm và sẻ chia, phương châm này đã và đang được nhiều hơn nữa các đơn vị giáo dục triển khai khi bước vào năm học 2020 - 2021, năm học thực hiện mục tiêu kép vừa dạy học vừa phòng chống dịch Covid-19. Khi mỗi nhà trường nhận về mình phần khó, chia sẻ với cộng đồng thì cái lợi tài chính mang lại cho người học nói riêng và ngân sách quốc gia nói chung rất lớn. Không chỉ lợi về tài chính, thực hiện năm học tiết kiệm và sẻ chia còn là cách trường học khẳng định rõ hơn vai trò nêu gương của mình trong việc học tập và làm theo gương Bác, góp phần giáo dục và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân văn vốn có của học đường.