Năm học mới tại trường vùng cao ở Nghệ An: Không để học sinh thiệt thòi

GD&TĐ - Dù thời gian nghỉ hè ngắn nhưng trường học vùng cao Nghệ An đã tích cực chuẩn bị cho năm học mới, để ngày tựu trường 1/9, học sinh có đủ điều kiện học tập và sinh hoạt bán trú. Đặc biệt, nhiều trường tiểu học đẩy mạnh việc sáp nhập điểm lẻ, tổ chức bán trú cho học sinh lớp 3, 4, 5 nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng Chương trình GD phổ thông 2018. 

Trường PT DTBT THCS Lạng Khê (Con Cuông, Nghệ An) được đầu tư tivi trong các phòng học.
Trường PT DTBT THCS Lạng Khê (Con Cuông, Nghệ An) được đầu tư tivi trong các phòng học.

Đưa học sinh từ điểm lẻ về trường chính

Năm học 2020 - 2021, Trường Tiểu học Đôn Phục là đơn vị đầu tiên của huyện Con Cuông, Nghệ An triển khai kế hoạch chuyển đổi sang mô hình trường tiểu học bán trú.

Thầy Đặng Đức Cường – Hiệu trưởng Trường TH Đôn Phục cho biết: Việc chuyển đổi đang chờ quyết định của cấp trên, nhưng nhà trường đã chuẩn bị bán trú cho học sinh lớp 3, 4, 5. Trong đó, bố trí phòng dự kiến làm khu nhà ở bán trú, bếp nấu ăn. Nhà trường cũng được xã hỗ trợ kinh phí nâng cấp sân và lợp tôn khu vực dự kiến làm nơi ăn cơm cho học sinh, xây dựng nhà vệ sinh, nhà tắm nam nữ riêng biệt…

“Qua thống kê, trường có 120 em thuộc diện 116, được Chính phủ hỗ trợ gạo, tiền ăn. Nhà trường sẽ trồng thêm rau xanh, cắt cử giáo viên trực bán trú, nấu ăn cho học sinh. Dù còn khó khăn, vất vả, nhưng vì học sinh, tập thể giáo viên nhà trường sẽ cố gắng hết sức”, thầy Đặng Đức Cường nói.

Theo kế hoạch, ngày 1/9 các trường học tỉnh Nghệ An mới tựu trường, nhưng giáo viên Trường Tiểu học Lạng Khê (huyện Con Cuông, Nghệ An) trả phép sớm để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới. Khuôn viên trường lớp đã chỉnh trang, hệ thống cơ sở vật chất, phòng học, bàn ghế được kiểm đếm, bổ sung đầy đủ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đặt và đưa sách giáo khoa, thiết bị học tập đáp ứng nhu cầu cơ bản cho học sinh.

Đây cũng là năm học đặc biệt khi trường quyết định nhập điểm lẻ tại bản Chôm Lôm, đưa học sinh về trường chính Lạng Khê. Cô Trương Thị Xuân – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Điểm trường bản Chôm Lôm có năm lớp, từ 1 - 5. Dù là điểm lẻ nhưng chất lượng giáo dục ở Chôm Lôm nổi trội hơn so với các điểm khác và cả trường chính, học sinh có tinh thần hiếu học. Nhưng các em lại thiệt thòi khi không được tiếp cận trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất hiện đại do nhà trường chỉ có thể tập trung đầu tư cho điểm chính.

“Lộ trình sáp nhập điểm lẻ Chôm Lôm về điểm chính được chúng tôi chuẩn bị trong 2 năm. Nhà trường đã họp phụ huynh, tuyên truyền cho người dân nhiều về chủ trương sáp nhập điểm lẻ. Điều đáng mừng, dù đi học xa hơn, nhưng phụ huynh đều đồng tình, ủng hộ. Về khoảng cách, nhờ có cầu treo Chôm Lôm bắc qua sông Lam, khoảng cách từ nhà đến trường chính chỉ  2 - 3km”, cô Xuân nói.

Do còn thiếu phòng học, để đón học sinh từ Chôm Lôm về, trường bố trí phòng thiết bị, Đoàn Đội làm phòng học. Giáo viên nhường nhà công vụ để làm phòng chức năng. Sau khi sáp nhập, Trường Tiểu học Lạng Khê giảm 3 lớp và 2 giáo viên. Qua đó, có điều kiện tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đồng bộ. 

Phụ huynh Trường PT DTBT THCS Lưu Kiền (Tương Dương, Nghệ An) hỗ trợ nhà trường tu sửa nhà ở cho học sinh bán trú.
Phụ huynh Trường PT DTBT THCS Lưu Kiền (Tương Dương, Nghệ An) hỗ trợ nhà trường tu sửa nhà ở cho học sinh bán trú.

Bảo đảm an toàn cho học sinh

Cuối tháng 8, không khí đón chào năm học mới đã rộn ràng ở huyện vùng cao Tương Dương, Nghệ An. Tại Trường PTDTBT THCS Lưu Kiền (xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương) đông đảo phụ huynh từ các bản làng xa xôi mang theo nứa, mét, mái cọ đến tu sửa nhà ở bán trú cho con em.

Đây là năm thứ 4 Trường PT DTBT THCS Lưu Kiền đưa học sinh về ở bán trú tập trung. Trước đó, khi học sinh các bản xa phải ở trọ nhà dân quanh trường, tình trạng bỏ học giữa chừng diễn ra phổ biến. Hằng năm, thầy cô phải đi vận động các em trở lại trường rất vất vả. Sau khi tổ chức bán trú, dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn, các em phải ở nhà ghép bằng ván gỗ, lợp tranh nhưng nền nếp đi vào quy củ, ổn định.

Từ bản Xoóng Con, ông Lộc Phượng (có cháu nội Lộc Đăng Quang học lớp 8 và ở bán trú tại trường) vượt 6km đường rừng đến tham gia ngày công giúp nhà trường chuẩn bị năm học mới. “Năm ngoái, tôi có 2  cháu học ở trường, năm nay chỉ còn 1 thôi. Tôi 62 tuổi rồi, nhưng vẫn muốn giúp đỡ, chung vai gánh vác với nhà trường, vì con cháu mình ở trường được thầy cô chăm lo hết mà”, ông Phượng nói.

Cô Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Lưu Kiền phấn khởi cho biết: “Chúng tôi đã hoàn thành tu sửa nhà ở bán trú, chuẩn bị đầy đủ giường chiếu, chăn đệm cho học sinh. Tháng 9, khi học sinh ra trường sẽ vào ăn ở, sinh hoạt thuận lợi. Nhờ công tác bán trú, những năm gần đây, sĩ số học sinh được duy trì, các em đi học chuyên cần, không còn tình trạng học sinh bỏ học. Nhà trường cũng lập danh sách học sinh khó khăn để hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập. Trong đó, 3 em học sinh mồ côi đã được tặng 3 xe đạp tới trường”.

Năm học mới chuẩn bị trong điều kiện cả nước đang chống dịch Covid-19, vì vậy, công tác bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh đặc biệt được quan tâm. Nhất là đối với những trường có học sinh bán trú. Học sinh đến nhập học được đo thân nhiệt, phát khẩu trang miễn phí.

Năm 2019, trường được trang bị 4 tivi có kết nối mạng Internet, giúp giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, đặc biệt là môn Tiếng Anh. Trong năm học này, nhà trường nỗ lực kêu gọi các nguồn hỗ trợ để mua thêm 4 tivi cho các phòng học còn lại. Phấn đấu đến năm 2022, Trường THCS Lạng Khê sẽ đạt chuẩn quốc gia, góp phần đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu học tập của học sinh. - Thầy Phạm Quốc Hoàng – Hiệu trưởng Trường PT DTBT THCS Lạng Khê (huyện Con Cuông)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.