Năm học mới, diện mạo mới, dấu ấn mới

GD&TĐ - Năm học 2016 – 2017, từng cấp học đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Từ kết quả này, năm học mới, mỗi nhà trường nỗ lực tạo ra được diện mạo mới, bước tiến mới, dấu ấn mới, một môi trường giáo dục thật sự lành mạnh, dân chủ, an toàn, thân thiện, chất lượng và bình đẳng.

Năm học mới, diện mạo mới, dấu ấn mới

Giáo dục mầm non “lấy trẻ làm trung tâm”

Năm học 2016 – 2017, cả nước hoàn thành mục tiêu PCGDMNTNT, trong năm học, đã có thêm 10 đơn vị cấp huyện, 131 đơn vị cấp xã, được công nhận đạt chuẩn PCGDMNTNT.

Ban hành Chương trình GDMN sau chỉnh sửa; triển khai có hiệu quả chuyên đề “xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”; đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; quan tâm xây dựng môi trường giáo dục, tạo cơ hội cho trẻ được vui chơi, trải nghiệm;

Quy mô mạng lưới trường lớp phát triển (tăng 354 trường, 11.318 nhóm, lớp), chủ yếu là trường mầm non ngoài công lập (tăng 277/354 trường). Số lượng, tỉ lệ trẻ đến trường các độ tuổi đều tăng và vượt kế hoạch đề ra đầu năm học. Cơ sở vật chất ngày càng được tăng cường; tỷ lệ phòng học kiên cố tăng 2,4%; tỷ lệ trường chuẩn tăng 3,1%; Công tác đầu tư phát triển trường lớp mầm non khu công nghiệp, khu chế xuất được quan tâm.

Đội ngũ giáo viên tăng nhanh về số lượng, chất lượng từng bước được nâng cao thông qua các đợt tập huấn, bồi dưỡng dưới nhiều hình thức.

Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng cao, tỉ lệ nhóm lớp và tỉ lệ trẻ học 2 buổi/ngày và bán trú đều tăng, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm.

Các nhiệm vụ chủ yếu của giáo dục mầm non trong năm học mới là: Thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua; Phát triển mạng lưới trường, lớp; tăng tỷ lệ huy động trẻ; Củng cố, nâng cao chất lượng PCGDMNTMT; Nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học;

Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục; Thực hiện tốt công tác xã hội hóa và hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục mầm non

Giáo dục tiểu học: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”

Chất lượng giáo dục tiểu học năm học 2016 - 2017 tiếp tục nâng lên và duy trì vững chắc. Các địa phương tiếp tục duy trì và phát triển được mạng lưới trường, lớp tiểu học đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được các địa phương quan tâm.

Các địa phương cũng đã quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ để tăng tỉ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày, hiện nay tỉ lệ này là 71,2% (so với năm học 2015-2016 tỉ lệ là 62,5%). Nhiều địa phương đã đạt tỉ lệ 100% học sinh học 2 buổi/ngày.

Phong trào xây dựng trường chuẩn quốc gia cũng đạt một số kết quả đáng khích lệ với tỉ lệ trường chuẩn quốc gia của cả nước là 55,1%. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình, giáo dục phổ thông mới.

Các chỉ đạo đổi mới về đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT đã dần đi vào thực tiễn. Phần lớn các cơ sở giáo dục tiểu học đều thực hiện tốt và đúng các quy định đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT.

Các địa phương đã vận dụng nhiều hình thức tổ chức dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, gắn kiến thức học trong nhà trường với thực tiễn, tăng cường kĩ năng sống,…

Các địa phương đã tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cơ sở vật chất phòng học, phòng chức năng tiếp tục được nâng cấp, xây dựng thêm trường lớp, sân chơi, cây xanh, thảm cỏ ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Cùng với việc thực hiện 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp chung của toàn ngành, năm học 2017-2018, GDTH cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT;

Tiếp tục chỉ đạo lựa chọn và triển khai các thành tố tích cực của các mô hình giáo dục tiên tiến, các phương pháp dạy học tích cực của một số nước trên thế giới có nền giáo dục phát triển;

Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao chất lượng dạy và học Ngoại ngữ, Tin học, đặc biệt là tiếng Anh;

Chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành một cách hợp lí;

Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới công tác quản lí giáo dục;

Rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp; Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông; Tiếp tục xây dựng và quản lí môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, an toàn, thân thiện, chất lượng và bình đẳng.

Giáo dục trung học: Từng bước nâng cao chất lượng

Năm học 2016 – 2017, các sở GDĐT đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua do cấp trên và Bộ GDĐT phát động, có tác động tích cực đến chất lượng giáo dục toàn diện ở các trường trung học.

Quy mô học sinh, các loại hình trường lớp trung học đã được các sở chú trọng phát triển đa dạng phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Quan tâm đến các khu vực vùng núi, khó khăn, nơi có nhiều đồng bào dân tộc cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân; phát triển trường chuyên. Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia kết hợp với xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực có chuyển biến.

Việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá được duy trì tích cực, hiệu quả tạo được nhiều chuyển biến trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trung học.Tích cực thực hiện nhiều hoạt động chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng GDTrH và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Các sở GDĐT đã tích cực tham mưu cho các cấp lãnh đạo địa phương tập trung nguồn lực duy trì, nâng cao chất lượng, tỉ lệ đạt chuẩn PCGD THCS; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc điều tra, quản lý đối tượng, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ và kết quả PCGD THCS.

Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên thể hiện qua kết quả xếp loại hạnh kiểm và học lực các cấp tăng so với năm học trước; kết quả các kỳ thi, cuộc thi quốc gia, quốc tế có số lượng và chất lượng giải đều tăng.

Từ năm học 2017-2018, giáo dục trung học tiếp tục triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp cơ bản của toàn ngành, trong đó tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học;

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục trung học; Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục trung học để triển khai thực hiện chương trình, SGK phổ thông;

Tăng cường cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý giáo dục trung học; Đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trung học.

Giáo dục thường xuyên: Công tác quản lý có nhiều đổi mới

Năm học 2016 – 2017, các địa phương đã tích cực triển khai Kế hoạch hành động của ngành giáo dục nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW và Chỉ thị số 05-CT/TW.

Các Bộ, ngành, các tổ chức xã hội, các đoàn thể từ trung ương tới địa phương bước đầu đã có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng XHHT. Mạng lưới các cơ sở GDTX được củng cố và phát triển. Mô hình trung tâm cấp huyện thực hiện nhiều nhiệm vụ và mô hình TTHTCĐ hoạt động kết hợpvới trung tâm Văn hóa – thể thao xã được mở rộng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm.

Chất lượng giáo dục của các trung tâm đang từng bước được nâng cao; công tác quản lý có nhiều đổi mới, đặc biệt một số địa phương đã mạnh dạn giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trung tâm.

Nội dung, chương trình giáo dục ngày các đa dạng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; hình thức học tập phong phú, linh hoạt, do vậy, số lượng người học tại các sơ sở GDTX luôn tăng, năm sau cao hơn năm trước. Các biện pháp nâng cao chất lượng dạy học các chương trình GDTX đã được các cấp quản lý giáo dục và các cơ sở GDTX quan tâm hơn…

Giáo dục đại học: Nhiều kết quả nổi bật

Nhìn chung năm học qua, toàn hệ thống GDĐH đã có nhiều nỗ lực và cố gắng. Trong phạm nguồn lực của mình, GDĐH đã cơ bản hoàn thành việc thực hiện 9 nhiệm vụ và triển khai 5 giải pháp trọng tâm, trong đó nổi bật lên những kết quả sau:

Quản lý nhà nước về GDĐH đã có nhiều chuyển biến tích cực thông qua việc việc rà soát, xây dựng, ban hành loạt các chính sách mới. Công tác tổ chức xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được quan tâm đúng mức, được bố trí nguồn lực tương xứng để thực hiện cũng như việc cầu thị tiếp nhận phản biện xã hội nên hiệu quả thực thi cao.

Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục được đẩy mạnh, làm tiền đề cho việc quy hoạch lại mạng lưới, thực hiện phân tầng, xếp hạng cũng như nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với xu thế chung của khu vực và thế giới, đồng thời tạo ra văn hóa chất lượng trong các cơ sở đào tạo, thúc đẩy tính cạnh tranh và nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo đối với xã hội, với người học và cơ quan sử dụng lao động.

Ngày càng có nhiều chương trình đào tạo được các tổ chức kiểm định quốc tế công nhận; vị trí xếp hạng và số lượng các trường đại học Việt Nam trong các bảng xếp hạng đại học khu vực tiếp tục được cải thiện; công bố quốc tế của các cơ sở GDĐH của Việt Nam ngày càng tăng.

Công tác tổ chức thi THPT quốc gia, tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm năm 2017 tiếp tục được đổi mới theo hướng tạo điểu kiện cho thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng để phù hợp với kết quả thi nhằm tăng khả năng trúng tuyển vào các ngành nghề phù hợp với khả năng và điều kiện của mình, đảm bảo quyền tự chủ tuyển sinh ngày càng cao cho các trường…

Phương thức tuyển sinh năm 2017 đã thể hiện tính khoa học, hợp lý, đảm bảo khách quan, công bằng đối với tất cả thí sinh và các trường; thực hiện được mục tiêu đổi mới công tác thi tuyển sinh theo tinh thần của Nghị quyết số 29; được Chính phủ, xã hội, thí sinh và các trường đánh giá tốt.

Năm học 2017 – 2018, giáo dục ĐH tập trung các nhóm nhiệm vụ chủ yếu: Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở GDĐH và đào tạo giáo viên; Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý; Phân luồng và định hướng nghề nghiệp;

Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục; Đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học;

Hội nhập quốc tế trong GD&ĐT; Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động đào tạo và NCKH; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Các nhóm giải pháp chủ yếu là: Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giáo dục đại học và cải cách thủ tục hành chính; Nâng cao năng lực giảng viên và cán bộ quản lý GDĐH; Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GDĐH; Kiểm định chất lượng GDĐH; Đẩy mạnh công tác truyền thông về GDĐH.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.