Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trong năm học mới

GD&TĐ - Năm học 2016 - 2017, ngành Giáo dục tập trung triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản theo chỉ thị nhiệm vụ trọng tâm năm học và đạt được một số kết quả nổi bật. 

Trong giờ thực hành của cô và trò Trường Phổ thông liên cấp Tạ Quang Bửu (Hà Nội)
Trong giờ thực hành của cô và trò Trường Phổ thông liên cấp Tạ Quang Bửu (Hà Nội)

Nhận thức rõ thuận lợi và khó khăn, những hạn chế còn tồn tại, năm học 2017 - 2018, toàn ngành sẽ tiếp tục nỗ lực, tập trung thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Những kết quả nổi bật trong năm học

Năm học vừa qua, ngành Giáo dục đã quan tâm rà soát quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục; đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục các cấp, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo. Công tác giáo dục hướng nghiệp được tăng cường. Việc triển khai dạy - học ngoại ngữ giai đoạn 2008 - 2016 được rà soát, đánh giá toàn diện; điều chỉnh, bổ sung dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2017 - 2025.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), ngành Giáo dục đã triển khai hiệu quả hệ thống phần mềm quản lý giáo dục, bồi dưỡng, học trực tuyến cho giáo viên và CBQL giáo dục. Cùng với việc tăng cường phân cấp, giao quyền chủ động cho các cơ sở GD-ĐT, tăng số trường ĐH được thực hiện tự chủ và được tự chủ toàn diện hơn trong các hoạt động, hoạt động hợp tác quốc tế được đẩy mạnh. Cơ sở vật chất của các nhà trường được chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa; giảm phòng học bán kiên cố, phòng học tạm, phòng học nhờ, mượn; tăng số trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

Công tác quản lý Nhà nước thông qua việc ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật được tăng cường; công tác cải cách hành chính từng bước được đẩy mạnh; từng bước điều chỉnh sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả.

Công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh. Các nguồn lực đầu tư cho giáo dục được quản lý và triển khai hiệu quả hơn. Công tác khảo thí được thực hiện theo hướng bảo đảm khách quan, trung thực; kiểm định chất lượng giáo dục được chú trọng. Công tác thông tin, truyền thông được đổi mới và từng bước hiệu quả hơn, mạng lưới truyền thông đã được thiết lập từ Trung ương đến địa phương và cơ sở đào tạo để kịp thời cung cấp thông tin, định hướng dư luận.

Cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tỷ lệ trẻ mầm non được đến trường tăng; phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ được đổi mới theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, thi, đánh giá học sinh phổ thông được tích cực thực hiện theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; rà soát, giảm các cuộc thi, hội thi. Thông qua Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể và rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai các điều kiện đổi mới giáo dục phổ thông.

Giáo dục thường xuyên đã từng bước đa dạng hóa nội dung chương trình giáo dục, tăng cường thu hút người học tham gia các chương trình học tập. Giáo dục ĐH từng bước được siết chặt theo hướng quản lý chất lượng, tìm các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; công tác đào tạo sau ĐH được chấn chỉnh.

Tuy nhiên, năm học vừa qua, quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp học ở một số địa phương còn chưa phù hợp, chậm hướng dẫn triển khai; thiếu trường, lớp ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết. Năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới; năng lực quản trị của một bộ phận CBQL trường học còn yếu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu; cơ chế, chính sách về tự chủ chưa đồng bộ; công tác tự chủ, trách nhiệm giải trình với xã hội của các cơ sở đào tạo còn hạn chế; tự chủ ĐH chưa gắn liền với đổi mới quản trị nhà trường...

Chất lượng chăm sóc, giáo dục mầm non chưa đồng đều giữa các vùng miền. Tiến độ thực hiện đổi mới chương trình GDPT chưa đảm bảo theo lộ trình đề ra; việc thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục ở một số địa phương còn chưa nghiêm túc; chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn thấp so với yêu cầu. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước...

Những điểm nhấn của năm học mới

Trên cơ sở những kết quả bước đầu đạt được trong năm học 2016 - 2017 về việc triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản của ngành, năm học 2017 - 2018, ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 44/NQ-CP, Nghị quyết số 88/2014/QH13, Quyết định số 404/QĐ-TTg và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng.

Phương hướng chung là tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo; quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực người học; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho HSSV.

Giáo dục mầm non sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Giáo dục phổ thông tập trung đổi mới phương thức dạy học; chú trọng việc học đi đôi với hành, giáo dục nhà trường gắn với giáo dục gia đình và cộng đồng; khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định.

Giáo dục ĐH tiếp tục đẩy mạnh tự chủ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn đào tạo với nhu cầu của xã hội để sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội. Giáo dục thường xuyên thực hiện đa dạng hóa nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập.

9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017 - 2018 

- Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD-ĐT trong cả nước

- Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và CBQL giáo dục các cấp

- Đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông

- Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo

- Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục

- Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GD-ĐT

- Hội nhập quốc tế trong GD-ĐT

- Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD-ĐT

- Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao

5 nhóm giải pháp cơ bản

- Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về GD-ĐT

- Nâng cao năng lực lãnh đạo của CBQL giáo dục các cấp

- Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT

- Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục

- Đẩy mạnh công tác truyền thông về GD-ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.