Năm học 2020-2021: Cơ sở giáo dục có thẩm quyền lựa chọn SGK lớp 1

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

UBND cấp tỉnh chưa quyết định lựa chọn SGK

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Sáng 26/11, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã họp phiên toàn thể lần thứ 11, cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc cho phép thực hiện điểm c, khoản 1, Điều 32 của Luật Giáo dục 2019 từ ngày 1/1/2020.

Theo Báo cáo, thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, Luật Giáo dục 2019, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT theo thẩm quyền soạn thảo Thông tư quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông và đang thực hiện lấy ý kiến các địa phương và nhà khoa học, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 12 tới.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự thảo Thông tư, Chính phủ thấy rằng, nếu Thông tư thực hiện theo quy định của Nghị quyết 88 thì “cơ sở giáo dục có thẩm quyền lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh” (điểm g khoản 3 Điều 2) và có hiệu lực thi hành trước ngày 1/7/2020. Sau ngày 1/7/2020, Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành, thì “UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn” (điểm c khoản 1 Điều 32).

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng: xét về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong quy định pháp luật, đề xuất của Chính phủ ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện điểm c khoản 1 Điều 32 của Luật chưa phù hợp với hiệu lực thi hành của Luật Giáo dục 2019 từ 1/7/2020.

Để có thể thực hiện như đề xuất của Chính phủ thì nội dung này phải được quy định rõ trong điều khoản thi hành, điều khoản chuyển tiếp của Luật Giáo dục 2019 hoặc quy định bằng một Nghị quyết của Quốc hội ban hành kèm theo Luật để hướng dẫn. Tại thời điểm này các điều kiện trên không thực hiện được.

PGS Nguyễn Xuân Thành
PGS Nguyễn Xuân Thành 

Sớm công bố thông tư lựa chọn SGK lớp 1 cho năm học 2020-2021

Bộ GD&ĐT đã thông tin với báo chí về việc đang dự thảo thông tư lựa chọn SGK theo tinh thần của Luật Giáo dục 2019, theo đó, UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

PGS Nguyễn Xuân Thành cho biết, cùng với thông tư này, Bộ GD&ĐT cũng xây dựng thông tư lựa chọn SGK theo tinh thần Nghị quyết 88, chỉ áp dụng đối với lớp 1 và có hiệu lực thi hành đến hết tháng 6/2020.

Theo đó, cơ sở giáo dục có thẩm quyền lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh. Thông tư này sẽ sớm được Bộ GD&ĐT đăng tải công khai để xin ý kiến góp ý rộng rãi. “Việc này Bộ GD&ĐT đã có chuẩn bị nên không bị động” – PGS Thành cho hay.

Theo dự thảo thông tư, thành phần hội đồng lựa chọn SGK sẽ gồm: Chủ tịch là người đứng đầu cơ sở giáo dục, Phó Chủ tịch là cấp phó của người đứng đầu cơ sở giáo dục và thư kí phải là tổ trưởng chuyên môn; thành viên hội đồng là giáo viên, phụ huynh học sinh.

“Bộ GD&ĐT cũng sẽ quy định cả trách nhiệm của phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT trong việc tiếp nhận báo cáo của trường về lựa chọn SGK. Sở/phòng GD&ĐT sẽ căn cứ vào báo cáo của cơ sở giáo dục, tổng hợp số lượng SGK để có thông tin chung công bố rộng rãi” – PGS Nguyễn Xuân Thành cho biết.

Trước băn khoăn học sinh lớp 1 của cùng 1 trường, sau năm 2021 có thể học SGK khác nhau do sự thay đổi về quy định lựa chọn SGK, ông Nguyễn Xuân Thành khẳng định: Thông tư lựa chọn SGK theo tinh thần Luật Giáo dục 2019 sẽ có sự chuyển tiếp để tiếp nối, kế thừa với Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK theo tinh thần Nghị quyết 88, làm sao đảm bảo sự ổn định, không gây xáo trộn.

Các SGK khác nhau nhưng đều chung “lõi kiến thức”

Khi trao đổi về các bộ SGK, PGS Nguyễn Xuân Thành đặc biệt nhấn mạnh việc: dù có nhiều SGK, nhưng các sách này đều chung “lõi kiến thức” đã được quy định trong chương trình là nội dung và yêu cầu cần đạt trong từng chủ đề của chương trình.

Tác giả dù viết sách thế nào, có thể diễn đạt bằng kênh chữ hay kênh hình, thì cũng phải đáp ứng nội dung kiến thức trong chương trình và đạt được yêu cầu cần đạt của chương trình. Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT quy định cấu trúc bài học trong sách giáo khoa mới bao gồm 4 thành phần cơ bản: Mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng. Các SGK đều phải đảm bảo yêu cầu này. Bởi vậy, học sinh khi học SGK này, chuyển sang học SGK khác cũng không bị gặp khó khăn.

Với lo lắng về kiểm tra, đánh giá, giáo viên sẽ bám theo SGK, PGS Nguyễn Xuân Thành khẳng định, Bộ GD&ĐT sẽ phải sửa quy chế đánh giá học sinh, để làm sao giáo viên khi ra đề kiểm tra sẽ thoát ly ngữ liệu cụ thể trong SGK.

Cũng theo PGS Nguyễn Xuân Thành, việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình giáo dục đã được hướng dẫn từ nhiều năm qua. Các trường cũng đã quen với việc xây dựng kế hoạch nhà trường, tổ chức dạy học theo chương trình (trường được tự chủ trong việc cập nhật, bổ sung những thông tin mới thay cho các thông tin cũ, lạc hậu trong SGK).

Năm 2017, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành công văn 4612/BGDĐT-GDTrH, hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018.

Theo đó, giao giáo viên chủ động xây dựng xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học để thực hiện cả ở trên lớp và ngoài lớp học.

Công văn 4612 cũng đưa ra các yêu cầu về đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá, nên việc kiểm tra, đánh giá của giáo viên không phụ thuộc vào SGK. 

“Ngoài ra, việc thực hiện theo hướng dẫn tại công văn 4612 về đổi mới sinh hoạt chuyên môn của tổ/nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học cũng là kinh nghiệm tốt để các trường có kinh nghiệm lựa chọn SGK phù hợp” PGS Nguyễn Xuân Thành chia sẻ thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.