Lựa chọn sách giáo khoa phải công khai, minh bạch

GD&TĐ - Chiều 22/11, Bộ GD&ĐT chính thức công bố Quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 1 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, việc lựa chọn SGK ở địa phương sau đó sẽ được thực hiện như thế nào, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã có những trao đổi cụ thể về nội dung này.

Công tác lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện công khai, minh bạch và khoa học trên tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Ảnh: Hữu Cường
Công tác lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện công khai, minh bạch và khoa học trên tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Ảnh: Hữu Cường

- Thứ trưởng có thể cho biết, vì lý do gì mà sau khi thẩm định xong đợt 2 một khoảng thời gian khá dài Bộ GD&ĐT mới có thể chính thức phê duyệt bộ SGK cho lớp 1?

- Có thể nói, SGK là sản phẩm khoa học có tính chuẩn mực rất cao, nên sau khi Hội đồng thẩm định quốc gia đã đánh giá, các nhà xuất bản vẫn được yêu cầu phải rà soát lại một lần nữa. Cùng với nhà xuất bản, Bộ GD&ĐT cũng có bộ phận kiểm soát độc lập để rà soát, đánh giá. Do đó, phải mất một khoảng thời gian khá dài để có thể chính thức phê duyệt bộ SGK sau khi có kết quả thẩm định đợt 2.

- Chỉ còn 9 tháng nữa chúng ta sẽ chính thức triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1; trong khi đó còn rất nhiều việc phải làm, như chọn sách, tập huấn cho giáo viên về SGK mới; in và phát hành sách… Thứ trưởng nghĩ sao?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ
 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ

- Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị và sắp tới sẽ đăng mạng xin ý kiến xã hội về dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông. Sau khi Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK được ban hành, nếu không có gì thay đổi thì chậm nhất là trước tháng 3/2020, các địa phương sẽ chọn được sách và công bố sách nào sẽ được sử dụng trong các trường học ở địa phương mình. Lúc đó, các nhà xuất bản sẽ tổng hợp số lượng SGK theo đăng ký của địa phương và có kế hoạch tổ chức in ấn, xuất bản, phát hành.

Dự kiến, trong tháng 5, 6, 7, sách sẽ về đến tay phụ huynh, nhà trường. Trong thời gian này, các thầy cô đã được tập huấn về dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới; sau khi có SGK, các nhà xuất bản sẽ tổ chức tập huấn giới thiệu sử dụng và phương pháp dạy học theo sách được địa phương lựa chọn, để thầy cô có thể thực hiện tốt Chương trình, SGK mới khi bắt đầu vào năm học mới.

- Dư luận quan tâm rằng: Lần đầu tiên chúng ta có nhiều bộ SGK, vậy làm sao để có thể lựa chọn được bộ sách thực sự phù hợp với địa phương mà không có tiêu cực? Dù vấn đề này phụ thuộc nhiều vào địa phương, nhưng Bộ GD&ĐT có giải pháp nào giúp kiểm soát việc này hay không?

- Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông nêu rõ: Chương trình giáo dục phổ thông phải phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh. Nên trong dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông cũng đưa ra rất rõ về nguyên tắc và yêu cầu chọn sách.

Theo đó, việc tổ chức lựa chọn SGK phải đảm bảo các nguyên tắc: Lựa chọn SGK thuộc các danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, cho phép sử dụng; công khai, minh bạch, đúng pháp luật; sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông.

SGK được lựa chọn phải đảm bảo các yêu cầu: Phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học; chọn đủ SGK cho các môn học, hoạt động giáo dục ở các khối lớp. Mỗi môn học, hoạt động giáo dục chọn ít nhất 1 cuốn SGK. UBND tỉnh quy định cụ thể các tiêu chí lựa chọn SGK. Điều quan trọng là địa phương phải xây dựng tiêu chí công khai, minh bạch, tất cả vì người học. Chính vì vậy, SGK được viết theo hướng mở để phù hợp với đa dạng từng khu vực, đáp ứng được yêu cầu chung.

UBND tỉnh quy định cụ thể các tiêu chí lựa chọn SGK. Ảnh minh họa/ INT
UBND tỉnh quy định cụ thể các tiêu chí lựa chọn SGK.     Ảnh minh họa/ INT 

- Làm sao để việc lựa chọn sách có thể từ đông đảo ý kiến chứ không phải chỉ từ quyết định của những thành viên trong Hội đồng, thưa Thứ trưởng?

- Theo dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông: Hội đồng lựa chọn SGK do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập, giúp UBND tỉnh tổ chức lựa chọn SGK. Hội đồng được thành lập theo môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học. Thành phần Hội đồng bao gồm đại diện sở GD&ĐT, các sở, ngành liên quan; nhà khoa học; nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông có kinh nghiệm và uy tín. Có ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng là giáo viên đang giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 15 người.

Về quy trình, các thành viên Hội đồng sẽ nghiên cứu SGK, tham khảo ý kiến đồng nghiệp, các thành phần liên quan nhận xét, đánh giá theo các tiêu chí lựa chọn SGK. Sau đó, Hội đồng sẽ họp, thảo luận, đánh giá SGK theo các tiêu chí lựa chọn, bỏ phiếu lựa chọn SGK. SGK được lựa chọn phải đạt tối thiểu 3/4 số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn. Hội đồng tổng hợp kết quả thành biên bản và gửi về Sở GD&ĐT. Sở GD&ĐT tổng hợp kết quả lựa chọn của các Hội đồng, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. UBND tỉnh sẽ quyết định phê duyệt danh mục SGK được lựa chọn của các môn học, hoạt động giáo dục theo cấp, lớp, môn học, hoạt động giáo dục để sử dụng trên địa bàn.

- Hiện nay, theo tinh thần dự thảo Thông tư quy định lựa chọn SGK thì địa phương chỉ được chọn một bộ sách, hay có quyền lựa chọn mở, tùy theo đặc điểm địa phương mình, thưa Thứ trưởng?

- Thông tư này không quy định mỗi một tỉnh, thành phố chỉ chọn một bộ SGK lớp 1 mà hướng dẫn việc lựa chọn SGK theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học. Căn cứ vào điều kiện của địa phương, UBND tỉnh xây dựng các tiêu chí để lựa chọn được SGK phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học tại địa phương mình.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.