Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Tham dự hội nghị còn có Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh, lãnh đạo Sở GD&ĐT các tỉnh thành trên cả nước.
Theo Vụ Giáo dục Mầm non, hiện nay cả nước có trên 15 ngàn trường mầm non, tăng 107 trường so với năm học trước, có gần 37 ngàn điểm trường, giảm trên 1500 điểm do sáp nhập. Đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục hiện cả nước có trên 15 ngàn cơ sở, tăng 326 cơ sở so với năm ngoái.
Bên cạnh đó, tổng số trẻ mầm non được đến trường gần 5,5 triệu bé, trong đó trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt tỷ lệ 99,98%.
Phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, điểm nhấn trong năm học vừa qua là việc Luật Giáo dục (sửa đổi) được thông qua, với nhiều nội dung quan trọng với cấp học mầm non, như nâng chuẩn giáo viên mầm non, đây là bước đột phá không những nâng cao chất lượng, tạo điều kiện tốt hơn cho thầy cô về chế độ đãi ngộ.
Hội nghị tổng kết và triển khai năm học mới Giáo dục mầm non |
Ngoài ra, còn có nhiều chính sách, quy định khác được ban hành tạo điều kiện cho giáo dục mầm non phát triển, trong đó có chính sách phát triển giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; chế độ đối với giáo viên, học sinh vùng khó khăn.
Năm học vừa qua, công tác rà soát, dồn dịch mạng lưới trường lớp được nhiều địa phương làm tốt, giúp giảm điểm lẻ, tăng các chỉ số về cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non.
Đồng thời, chất lượng giáo dục mầm non cũng được nâng lên, trong đó nhiều trường, nhiều địa phương đã triển khai thực hiện tốt chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.
Tuy nhiên, giáo dục mầm non còn rất nhiều khó khăn, hạn chế. Mặc dù cơ chế chính sách có những chuyển biến tốt, xây dựng được nhiều cơ chế chính sách đối với người dạy, người học nhưng sự đồng bộ về chính sách, nhất là chính sách liên quan đến chế độ giáo viên vẫn còn bấp cập, phải tiếp tục được chỉnh sửa, bổ sung.
Bộ trưởng cho biết thêm, để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên mầm non, vừa qua Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị giao bổ sung 20.300 biên chế cho 17 tỉnh tăng cơ học về quy mô học sinh và 5 tỉnh Tây Nguyên.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ băn khoăn, hiện nhiều địa phương đang thực hiện dồn dịch, sắp xếp còn cơ học. Số lượng các nhóm lớp tư thục độc lập còn rất nhiều, trong đó hơn 10% chưa cấp phép, đây là vùng trũng của giáo dục mầm non - tình trạng bạo hành trẻ, chất lượng thấp xuất phát từ đây. Chưa kể, nhiều địa phương không tuyển đủ chỉ tiêu giáo viên theo quy định, dù có chỉ tiêu biên chế nhưng vẫn để hợp đồng, định biên đứng lớp thấp; dồn dịch dẫn tới số trẻ trên lớp tăng…
Ngoài ra, thu nhập giáo viên mầm non thấp, thời gian làm việc dài, thậm chí 10 tiếng/ngày, giáo viên phải chú tâm tới trẻ, dẫn tới áp lực. Giải tỏa áp lực cho giáo viên là việc cần thiết và phải làm. Bạo lực năm vừa rồi giảm nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề nên không thể chủ quan.
Chất lượng đã có chuyển biến nhưng vẫn còn hạn chế về vấn đề dinh dưỡng, chưa đảm bảo được yêu cầu dinh dưỡng với trẻ ở những độ tuổi phát triển. Về chất lượng đội ngũ, 20% còn ở mức dưới yêu cầu, nếu theo chuẩn mới là cao đẳng thì còn hơn 100.000 giáo viên chưa đạt chuẩn...
Bộ trưởng trao đổi bên lề với các đại biểu |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu, trước hết Vụ Giáo dục Mầm non cần rà soát các cơ chế chính sách hiện có để thay thế, chỉnh sửa, bổ sung kịp thời. Ví dụ, trong số các quy định về hướng dẫn an toàn cho trẻ, cần chú ý tới quy định cụ thể về dịch vụ đưa đón học sinh đến trường.
Đồng thời, nhà trường phải có quy trình đưa đón, tham quan dã ngoại, trong đó đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm, người đưa đón, kết nối gia đình, nhà trường để có đầy đủ thông tin, không có lỗ hổng trong quá trình đưa đón.
Bộ GDĐT cũng sẽ phối hợp Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải ban hành văn bản chỉ đạo các sở GDĐT tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh các kỹ năng thoát hiểm, cảnh báo, ứng phó với các tình huống nguy hiểm…
Đồng thời, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặc biệt nhấn mạnh tới đạo đức nhà giáo, tiềm ẩn bạo hành trẻ vẫn còn, rơi vào nhóm trẻ, tư thục độc lập. Vì vậy, đề nghị các sở GDĐT chú ý công tác thanh kiểm tra, hạn chế các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục độc lập không đủ điều kiện, kiên quyết cho dừng các nhóm không có giấy phép, chú ý điều kiện đảm bảo an toàn cho trẻ.
Tiếp tục tăng cường xã hội hóa, mặc dù ngân sách đã đầu tư nhưng nếu không có xã hội hóa, đóng góp ngoài ngân sách, không thể phát triển được hệ thống trường mầm non cũng như nâng cao chất lượng của bậc học này. Vấn đề là công khai, minh bạch trong sử dụng nguồn lực xã hội hóa.