Nắm được hai nguyên tắc xử phạt này, con sẽ ngoan mà không phải dùng vũ lực

GD&TĐ - Đòn roi hay những lời hăm dọa không bao giờ giúp trẻ ngoan ngoãn hơn mà bố mẹ cần tìm hiểu tâm lý của trẻ để có cách xử phạt khôn ngoan.

Nắm được hai nguyên tắc xử phạt này, con sẽ ngoan mà không phải dùng vũ lực

Hôm qua tôi đến nhà 1 người bạn ăn tối. Chứng kiến cảnh cậu bé 18 tháng tuổi bị mẹ cậu dọa “Bố con đánh đó, bố vào kìa, mau lên, đóng tủ lạnh vào”. Cậu bé luôn thích mở tủ lạnh. Một ngày mở gần chục lần. Người mẹ không biết khuyên con như thế nào, chỉ biết dùng hình tượng “bố” để dọa cậu. Người bố bước vào cũng tỏ ra nghiêm khắc, nhìn ngó nghiêng cậu bé.

Tôi tin rằng cách xử lý tình huống dạng như vậy không chỉ ở nhà bạn tôi, mà cũng sẽ có ở nhiều gia đình khác. Nhiều ba mẹ sẽ băn khoăn không biết xử lý sao khi trẻ ương bướng và không chịu nghe lời. Liệu thực sự cách làm đó là đang dạy con nghe lời? Liệu vũ lực (đánh con) hoặc hăm dọa có làm trẻ sợ để nghe theo?

Vũ lực là thứ tồi tệ nhất

Dùng vũ lực là sai ngay từ đầu. Có 2 cái sai cơ bản, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Một là vũ lực không để lại kí ức nào khác ngoài đau đớn xác thịt và tổn thương tinh thần. Hai là vũ lực không mang học thuyết dạy dỗ, mà nó đúng nghĩa là “trừng trị”. Trừng trị là tiêu diệt, còn dạy dỗ là chỉ ra cái sai và hướng về cái đúng.

Đánh con là cách xử phạt tồi tệ nhất (Ảnh minh họa).

Do đó, cha mẹ không nên dùng vũ lực (đánh con) vì thực tế nó không làm con bạn ngoan hơn, thậm chí nó khiến con bạn nhút nhát, thiếu tự tin và dẫn đến 1 vài tổn thương tâm lý khác. Cũng cần nhớ thêm, quát con hoặc dọa con theo kiểu “hùm báo” cũng là 1 dạng của vũ lực nên tránh.

2 nguyên tắc xử phạt con các bố mẹ cần tuân thủ

Khái niệm “dạy con” bao hàm cả 3 yếu tố: đủ tính răn đe, đủ sự hối lỗi và đủ tính cải biến. 3 yếu tố này sẽ làm những liên kết não bộ hoạt động trong khu vực quản lý tình huống sai phạm và hối lỗi, khi mối liên kết được hình thành thì con bạn sẽ cải biến. Điều này áp dụng cả cho trẻ nhỏ.

Nguyên tắc 1: Luôn cùng một cách xử lý trong mọi tình huống sai

Đây là nguyên tắc rất quan trọng để kích thích khu vực sai phạm và hối lỗi của não bộ hoạt động, đặc biệt với trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ hơn 4 tuổi, mọi chuỗi hình ảnh và hoạt động mà bé nhìn thấy là những hình ghép. Mỗi lần lặp lại là bé lấy được 1 hình ghép vào, đến khi đủ bức tranh thì sẽ “cải biến”. Do đó cha mẹ được khuyên nên dùng 1 cách xử lý với mọi tình huống sai phạm của con.

Chẳng hạn khi trẻ không ngoan và nằm lăn ra đất quấy khóc đòi món gì đó hoặc ném món đồ đi đòi món khác hoặc đánh bạn khi cả hai cùng chơi, tất cả những tình huống đó mẹ có thể dùng 1 cách:

1. Bế bé ra khỏi tình huống (nếu bé nằm vạ dưới sàn thì để bé nằm đó, làm động tác dọn hết đồ và không quan tâm bé).

2. Đợi bé khóc 3-4 phút, thì bạn đứng thẳng, mặt nghiêm với bé và nói: “Mẹ không thích con làm điều này. Thật sự điều con đã làm làm mẹ không vui tí nào”.

Sau giai đoạn này bé hoặc sẽ khóc to hơn hoặc sẽ bắt đầu khóc nhiều nhưng sẽ dịu dần lại sau đó. Hãy đợi đến khi bé bình tĩnh. Đoạn này là khó nhất cho các ông bố bà mẹ, nhưng để con khóc là cách để bé tự điều chỉnh mình. Nếu bạn vượt qua vài lần thì bạn sẽ thấy trẻ sẽ ít khóc hơn và chịu lắng nghe hơn. Còn nếu thất bại thì bạn sẽ mãi phải dỗ bé.

3. Khi bé bình tĩnh và khóc dịu lại, hãy ôm bé vào lòng và giải thích với bé “Tại sao bé sai?” và hãy dẫn bé đến xin lỗi bạn của bé (nếu tình huống là bé cắn/đánh bạn).

Nên nhớ luôn phải thống nhất 1 cách xử lý trong mọi tình huống sai của trẻ.

Nguyên tắc 2: Tránh hiện tượng “ông đánh bà xoa”

Bạn nên thống nhất với chồng để cả hai cùng cách xử lý tình huống. Có thể lúc này là bạn, lúc khác là chồng. Nhưng cả hai phải dùng 1 cách. Hoặc nếu thấy khó, thì quy định chỉ bạn hoặc chồng bạn xử lý khi bé phạm sai lầm. Người còn lại không nhúng tay vào, mà vẫn làm việc bình thường. Và người sẽ dỗ bé và giải thích bé tại sao bé sai chính là người xử lý.

Nếu bạn để người khác dỗ hay giải thích thì vô tình tạo cho trẻ 1 liên kết khác, đó là sau này bé sẽ “vịn” vào người này và người này cũng vô tình tạo suy nghĩ là bạn không tốt vì hay xử phạt bé.

Dạy con là một quy trình đấu tranh giữa những tình yêu kiên nhẫn của cha mẹ và sự ương bướng học hỏi của trẻ. Không phải tất cả tình huống bé đều làm sai, đôi lúc là bé đang học hỏi. Hãy bình tĩnh xem việc bé làm có sai không để dạy, đừng đem cơn giận của bạn với ai trút lên trẻ, đừng đánh con vì đây là cách xử lý tồi tệ nhất. Hãy dùng 1 cách xử lý đúng nghĩa “dạy con” và nếu là bạn xử lý thì cũng chính bạn là người giải thích “tại sao con bạn sai”. Cả chồng lẫn vợ phải thống nhất điều này thì trẻ sẽ luôn được học hỏi trong sự răn đe mang tính giáo dục và nhân văn của cả gia đình.

Vài nét về tác giả:

Bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn hiện đang công tác tại ĐH Worcester-Anh, là thành viên của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Lâm Sàng Anh (The British Association for Applied Nutrition and Nutritional Therapy). Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe cho Mẹ&bé trên trang cá nhân, cũng là đồng tác giả của cuốn sách “Làm mẹ không áp lực”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.