Nam Định: Chỉ được thu sau khi đã thỏa thuận với phụ huynh bằng văn bản

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Nam Định vừa có hướng dẫn chi tiết các khoản thu trong các cơ sở giáo dục trực thuộc năm học 2022-2023 theo quy định.

Các em học sinh bắt đầu năm học mới 2022-2023 bằng việc lên lớp học trực tiếp thay vì trực tuyến như năm học trước.
Các em học sinh bắt đầu năm học mới 2022-2023 bằng việc lên lớp học trực tiếp thay vì trực tuyến như năm học trước.

Nguyên tắc thu đủ chi và công khai dự toán thu-chi

Theo đó, các cơ sở giáo dục cần thực hiện thu đúng; thu vừa đủ chi; chi đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả. Các khoản thu dịch vụ nào thì chi cho các hoạt động của dịch vụ đó. Không sử dụng khoản thu dịch vụ này chi cho dịch vụ khác. Trước khi thu phải có dự toán chi tiết thu, chi từng khoản; chỉ được thu sau khi đã thỏa thuận với cha mẹ học sinh bằng văn bản.

Mức thu không vượt quá mức thu tối đa quy định tại Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh Nam Định về quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập do tỉnh Nam Định quản lý. Trước khi thực hiện thu phải báo cáo với cơ quan chủ quản trực tiếp cho ý kiến rồi mới được triển khai thực hiện.

Các khoản như trông giữ xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện của các học sinh có xe gửi tại các trường học áp dụng theo Quyết định số 01/2017/QĐ-UBND ngày 03/01/2017 của UBND tỉnh Nam Định về việc quy định mức giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô trên địa bàn tỉnh Nam Định. Thời gian thực hiện không quá 10 tháng trong 1 năm học.

Tiền nước uống cho học sinh các cấp học từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX có mức thu tối đa 10.000 đồng/học sinh/tháng, thu theo số tháng thực học, thời gian thực hiện không quá 10 tháng/năm học. Khoản thu trên chỉ được sử dụng cho việc mua nước hoặc đun nước sôi; mua bổ sung ca cốc, bình đựng nước; trường hợp có hệ thống lọc nước uống trực tiếp thì định kỳ thay lõi lọc, chi bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống; kiểm nghiệm nguồn nước...

Trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm các môn văn hoá do thiên tai, dịch bệnh… mà không thể dạy trực tiếp mà phải dạy trực tuyến, các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện theo đúng các văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT và nội dung Thông tư số 09/2021 của Bộ GD&ĐT Quy định về quản lý và tổ chức dạy trực tuyến trong các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, thì được thu và chi như dạy trực tiếp.

Bên cạnh đó, các khoản thu dịch vụ như Chăm sóc trẻ ngày thứ bảy và trong thời gian nghỉ hè: 30.000 đồng/trẻ/ngày. Dạy kỹ năng sống trong trường mầm non và tiểu học là 4.000 đồng/học sinh/tiết với nông thôn và 5.000 đồng/học sinh/tiết với thành phố.

Dạy thêm, học thêm các môn văn hoá (kể cả dạy trực tuyến); dạy kỹ năng sống trong các trường THCS quy định: Nông thôn thu 4.000 đồng/học sinh/tiết; thành phố thu 5.000 đồng/học sinh/tiết. Với các trường THPT, trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX thu 5.000 đồng/học sinh/tiết ở nông thôn; còn ở thành phố thu 6.000 đồng/học sinh/tiết.

Các khoản thu với cấp mầm non, tiểu học

Ảnh minh họa: Khôi Nguyên.

Ảnh minh họa: Khôi Nguyên.

Khoản thu dịch vụ vệ sinh lớp học, nhà vệ sinh cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học có mức thu tối đa: 18.000 đồng/ trẻ (học sinh)/tháng, thu theo số tháng thực học, thời gian thực hiện không quá 10 tháng/năm học. Khoản thu trên được dùng để trả cho người lao động thực hiện vệ sinh phòng học, nhà vệ sinh học sinh. Gồm tiền công thuê người làm vệ sinh, công cụ, dụng cụ lao động, hoá chất.

Cơ sở giáo dục tổ chức học, nuôi ăn bán trú cho học sinh. Tiền trả công thuê người nấu ăn bán trú đối với các cấp học có mức thu tối đa: 100.000 đồng/trẻ (học sinh)/tháng. Thu theo số tháng thực tế nuôi ăn bán trú. Khoản thu trên được dùng để thuê người nấu ăn, phục vụ nuôi ăn bán trú và các khoản đóng góp bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

Tiền quản lý, chăm sóc trẻ (học sinh) buổi trưa ăn bán trú và ngoài giờ hành chính đối với trường mầm non và tiểu học: Mức thu tối đa: 6.000 đồng/trẻ (học sinh)/ngày. Thu theo ngày thực tế nuôi ăn bán trú. Khoản thu trên được dùng để chi trả cho giáo viên trực tiếp chăm sóc, công tác quản lý buổi trưa ăn bán trú và ngoài giờ hành chính.

Tiền ăn bán trú đối với trẻ mầm non và học sinh tiểu học, các nhà trường phải xây dựng bảng thực đơn cụ thể và đảm bảo lượng chất dinh dưỡng cho từng độ tuổi, xây dựng kế hoạch thu, chi đảm bảo thu đủ chi và phải được sự thống nhất thoả thuận tự nguyện, dân chủ và công khai giữa cơ sở giáo dục với cha mẹ học sinh để quy định mức ăn cụ thể (gồm tiền mua thực phẩm theo khẩu phần ăn, chất đốt...); thu theo ngày thực tế học sinh ăn bán trú.

Tiền đóng góp lần đầu tiên phục vụ nuôi ăn bán trú nhà trẻ, mẫu giáo và các cấp học mua mới, mua bổ sung (chăn, gối, đệm, giường, tiền mua dụng cụ nhà bếp ăn bán trú... thực hiện theo nguyên tắc thu đủ chi) do cơ sở giáo dục thoả thuận với cha mẹ học sinh để quy định. Thực hiện theo năm học, thu thực tế theo trẻ tham gia ăn bán trú...

Các khoản dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục phát sinh khi tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT triển khai mà chưa có Nghị quyết quy định của HĐND tỉnh, nếu người học có nhu cầu trên nguyên tắc tự nguyện, thì các cơ sở giáo dục phải bàn bạc thống nhất trong cấp uỷ, lãnh đạo nhà trường, Hội đồng trường và phải thỏa thuận bằng văn bản với cha mẹ học sinh, trên nguyên tắc thu đủ chi, thực hiện công khai trong cơ sở giáo dục và phải báo cáo với cơ quan chủ quản cấp trên đồng ý phê duyệt rồi mới được thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ