Nam Bộ: Chủ động ứng phó thời tiết nguy hiểm

Nam Bộ: Chủ động ứng phó thời tiết nguy hiểm

Năm 2021 hiện tượng thời tiết xấu đặc biệt là mưa dông kèm theo lốc, gió giật mạnh trong khu vực đã gây thiệt hại người và tài sản tại các tỉnh phía Nam. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo tượng Thủy văn Quốc gia, nhiều khả năng trong tháng 01/2022 vẫn còn xuất hiện bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Nam Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực Nam Bộ.

 Tình hình thời tiết khu vực Nam Bộ từ nay đến cuối năm

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hiện tượng ENSO đang có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina từ khoảng tháng 10/2021 và duy trì cường độ yếu cho đến hết năm 2021 với xác suất khoảng 70%, sang đến đầu năm 2022 nhiệt độ mặt nước biển có xu hướng tăng dần nhưng vẫn thấp hơn trung bình.

Nhiều khả năng trong tháng 1/2022 vẫn còn xuất hiện bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Nam Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực Nam Bộ.

Tại các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ, sang nửa đầu tháng 12/2021 khu vực này vẫn còn có khả năng xảy ra mưa vừa đến mưa to.

Đỉnh lũ năm 2021 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức dưới báo động 1 và xuất hiện vào khoảng giữa tháng 10; đỉnh lũ năm 2021 tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long ở mức báo động 2 - báo động 3, một số trạm trên báo động 3. Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đến sớm và cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không nghiêm trọng như mùa khô 2019 - 2020.

Mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kết thúc muộn; trong mùa khô, nhiều khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa.

Đợt triều cường tháng 11/2021 và tháng 12/2021 có thể là đợt triều cường cao nhất năm 2021, duy trì khoảng 01 tuần và thời gian xuất hiện đỉnh triều vào khoảng 15-18 giờ nên có khả năng ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Liên quan đến xâm nhập mặn, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dự báo tình trạng xâm nhập mặn trong mùa khô 2021-2022 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đến sớm, tác động sâu hơn so với mức trung bình nhiều năm gần đây. Xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022 có khả năng ở mức tương đương với năm 2020-2021

Tổng lượng dòng chảy trong mùa khô 2021-2022 từ thượng nguồn sông Mê Công về hạ lưu ở mức thiếu hụt từ 5-10% so với trung bình nhiều năm, nhưng cao hơn mùa khô năm 2019-2020 khoảng 15-25%. Tổng lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long (tính đến trạm Kratie - Campuchia) khoảng 83 tỷ m3, thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khoảng 2,5 tỷ m3.

Triều cường dâng cao gây ngập úng cho một số tuyến đường ở TP. Hồ Chí Minh
Triều cường dâng cao gây ngập úng cho một số tuyến đường ở TP. Hồ Chí Minh

Chủ động ứng phó

Trước diễn biến bất thường của triều cường những tháng cuối năm thường, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi các quận, huyện, TP. Thủ Đức và các đơn vị chuyên môn về việc triển khai các biện pháp phòng, chống và ứng phó.

Theo đó, Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM yêu cầu các sở ngành, đơn vị thành phố, UBND quận, huyện và TP. Thủ Đức tổ chức triển khai nghiêm phương án chủ động, phòng chống, ứng phó với tình trạng ngập khi mưa lớn.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị đảm bảo an toàn phòng chống dịch, nhất là công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của triều cường gây ngập úng tại các khu vực đang có dịch…

UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức phải thường xuyên thông tin về diễn biến của triều cường trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và chủ động ứng phó.Đồng thời, tổ chức kiểm tra bờ bao, cống, van ngăn triều… và chuẩn bị vật tư để kịp thời xử lý, cơi đắp nếu bờ bao xung yếu.

Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dự báo từ nay đến cuối năm triều cường ở mức khá cao nên sẽ có nguy cơ xảy ra ngập úng trên những vùng thấp trũng thuộc vùng giữa và vùng ven biển, đặc biệt là trong trường hợp triều cường kết hợp mưa lớn. trước khả năng lũ nhỏ, dòng chảy các tháng đầu mùa khô thấp có thể làm mặn xâm nhập sớm.  Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) khuyến cáo các địa phương có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn phải có giải pháp tổng thể về thủy lợi, các địa phương cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ để né tránh mặn và thực hiện các giải pháp trồng trọt để giảm thiểu thiệt hại đển sản xuất nông nghiệp.

Đối với các diện tích cây ăn trái, cần tích trữ nước tối đa vào các mương liếp, ao và các dụng cụ chứa nước nhằm chủ động nguồn nước tưới khi xảy ra các đợt mặn xâm nhập sâu, nồng độ cao hơn sức chịu mặn của cây trồng.

Ở những địa phương không chịu ảnh hưởng trực tiếp của xâm nhập mặn cũng cần đề phòng tình trạng hạn hán, thiếu nước do lượng mưa thiếu hụt và nguồn nước từ thượng nguồn về thấp.

Nhiều địa phương ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng khuyến cáo người dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ và phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng. Sử dụng các giống thích nghi với điều kiện hạn mặn. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về lĩnh vực canh tác, chăm sóc cây trồng trong điều kiện thiếu nước ngọt.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, hướng dẫn người dân dự trữ nước uống cho đàn vật nuôi. Các biện pháp vệ sinh tiêu độc, sát trùng chuồng trại, phòng ngừa các loại dịch bệnh thường xảy ra đối với gia súc, gia cầm trong mùa khô. Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn người dân biện pháp phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn.

Các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, các hệ thống công trình thủy lợi cũng được kịp thời duy tu, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp; nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn... để bảo vệ tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí.

-----

Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Tiếp thêm sức mạnh

GD&TĐ - Hôm nay, 7/5, triệu triệu trái tim của người dân cả nước đều hướng về Điện Biên...