Trên cơ sở đó, nắm vững khả năng học tập của học sinh, các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, thầy cô tư vấn hướng nghiệp để không chỉ học sinh mà các bậc phụ huynh cũng hiểu đúng vấn đề, giúp các em lựa chọn trường, ngành nghề phù hợp nhất.
Nhà trường đồng hành
Nắm bắt nhu cầu nhân lực của địa phương, Ngày hội tư vấn tuyển sinh được Trường THPT Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định tổ chức ngày 8/3 đã thu hút đông đảo học sinh THPT trên địa bàn tỉnh tham gia. NGƯT Trần Thị Mai, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Nam Định nổi tiếng với truyền thống học giỏi và hiếu học nên học sinh chủ yếu muốn được tư vấn về các ngành học hấp dẫn trong năm nay.
Tuy nhiên, lời khuyên của chúng tôi là các em cần sáng suốt lựa chọn ngành nghề phù hợp. Đầu tiên phải đánh giá ngành học, trường đó có phù hợp với khả năng của mình không? Đừng để yêu thích ngành học nào đó mà đăng ký xét tuyển vượt quá sức mình. Thứ đến là tránh chạy theo phong trào, ngành học này hôm nay là hot nhưng 4 năm sau ra trường lại bão hòa.
Còn ở Trường THPT Lý Thường Kiệt, TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái), đáp ứng yêu cầu tư vấn của học sinh, ứng phó với dịch, trường đã tổ chức Ngày hội tuyển sinh trực tuyến vào ngày 13/3, với sự tham gia của Trường Đại học Công nghệ Đông Á, Học viện Công nghệ thông tin và Thiết kế VTC-VTC Academy, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội; Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương...
Thầy Nguyễn Đức Cương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Không chỉ tư vấn cho các em hiểu về những ngành nghề khó, đòi hỏi chất lượng nguồn tuyển cao, giáo viên đã giúp học sinh trong trường và các trường lân cận hiểu được tình hình kinh tế - xã hội địa phương và yêu cầu ngành nghề cần đáp ứng trong tương lai. Trong đó chú trọng đến những ngành nghề mà Yên Bài cần trong lộ trình phát triển 2020 – 2025.
Những ngày này, song song với dạy học theo chương trình và hệ thống hóa kiến thức cho học sinh khối 12, các thầy cô giáo ở Trường THPT chuyên Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cũng lồng ghép các hoạt động tư vấn tuyển sinh. Theo thầy Nguyễn Tuấn Nghĩa - Phó Hiệu trưởng nhà trường, là trường chuyên nên tất cả học sinh trong trường có nguyện vọng vào đại học.
Vấn đề đặt ra cho giáo viên là tư vấn cho các em thế nào để phù hợp với năng lực học tập và sát với nguyện vọng nhất. Để làm được điều đó, giáo viên chủ nhiệm không chỉ trao đổi với học sinh mà còn với cả phụ huynh để họ hiểu hơn về tâm tư tình cảm của các con. Trên cơ sở đó, cùng với việc theo dõi quá trình học tập của học sinh, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn sẽ có lời khuyên phù hợp nhất để các em đưa ra quyết định cuối cùng chính xác nhất.
Vào cuộc quyết liệt
Ở tỉnh Quảng Ninh, ngay nhiệm kỳ đầu của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 2020 – 2025, hàng loạt quyết sách quan trọng được đưa ra, đặc biệt là thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ ưu đãi chế độ đối với giảng viên đại học cho đến chính sách dành cho sinh viên các chuyên ngành, nghề thuộc diện thu hút đào tạo sẽ được hỗ trợ tối đa đến 30 triệu đồng dựa theo kết quả trúng tuyển đầu vào Trường Đại học Hạ Long.
Quảng Ninh đang định hướng cơ cấu kinh tế trong 5 - 10 năm tới nhằm dịch chuyển mạnh theo hướng dịch vụ - công nghiệp gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, nguồn nhân lực mà tỉnh cần trong thời gian tới là nguồn nhân lực chất lượng cao tập trung nhiều ở lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp như hàng không, du lịch lữ hành, logistics, công nghệ thông tin.
Trong khi đó tại đất học Nam Định, tâm lý chung của người dân vẫn nặng bằng cấp và ưu tiên cho con em theo học các trường đại học. Ông Trần Lê Đoài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho rằng: Để hài hòa cơ cấu lao động cho địa phương, mục tiêu mà tỉnh Nam Định đưa ra là đến năm 2025 phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS theo học trình độ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT theo học trình độ cao đẳng.
Trong giai đoạn 2015 - 2021, Nam Định chú trọng tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực: Nông nghiệp, phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới; công nghiệp và xây dựng; tài nguyên và môi trường; y tế và giáo dục; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số; khoa học xã hội và nhân văn.
Năm 2021, Yên Bái đã thực hiện chính sách hỗ trợ 70% học phí đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiếu số tốt nghiệp THPT tham gia học trình độ cao đẳng, trung cấp theo Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh. UBND tỉnh Yên Bái cũng tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh đào tạo, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động.
Trong đó chú trọng tạo nguồn lao động, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông đào tạo nhằm phát triển quy mô đào tạo, đẩy mạnh phân luồng học sinh từ THCS và THPT vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.