Nắm bắt kỹ năng giao tiếp của trẻ theo lứa tuổi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những cấp độ giao tiếp sẽ phát triển dần theo từng độ tuổi. Khi lên 3, trẻ bắt đầu biết sử dụng ngôn ngữ, thể hiện thái độ, cảm xúc…

Cha mẹ cần dạy con kỹ năng giao tiếp từ sớm tuỳ theo độ tuổi. Ảnh minh hoạ.
Cha mẹ cần dạy con kỹ năng giao tiếp từ sớm tuỳ theo độ tuổi. Ảnh minh hoạ.

Đây cũng là lúc bố mẹ nên bắt đầu dạy những kỹ năng ứng xử cho trẻ để hình thành thói quen vận dụng ngôn ngữ.

Các cấp độ phát triển giao tiếp

Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, chờ con lớn lên sẽ cho đi học các khoá giao tiếp, như vậy mới đạt hiệu quả. Theo chuyên gia, kể từ khi được sinh ra, bé đã có những cách thức giao tiếp của riêng mình như khóc, cử động tay chân, ánh mắt, nét mặt,…

Những cấp độ giao tiếp sẽ phát triển dần theo từng độ tuổi và khi lên 3, trẻ bắt đầu biết sử dụng ngôn ngữ, thể hiện thái độ, cảm xúc,… Đây cũng là lúc bố mẹ nên bắt đầu dạy những kỹ năng ứng xử cho trẻ để hình thành thói quen vận dụng ngôn ngữ. Vì vậy, giao tiếp cần được dạy càng sớm càng tốt.

ThS Nguyễn Thu Hương (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, trong những năm đầu đời, bé hầu như chỉ giới hạn giao tiếp với bố mẹ. Tất cả nỗ lực, sự tập trung của bé đều dồn vào việc mày mò năng lực của bản thân và khám phá thế giới xung quanh như quan sát, cầm nắm đồ vật, học lật, học bò, học đi, học nói…

Ngay cả khi bé vẫn còn chưa biết bập bẹ, quan sát sẽ thấy mỗi lần được bố mẹ hỏi chuyện hoặc đọc truyện cho nghe là bé đã bắt đầu tiếp thu để chuẩn bị cho giai đoạn ngôn ngữ phát triển hơn về sau này.

ThS Nguyễn Thu Hương cho biết, các cột mốc phát triển đối với sự hình thành giao tiếp của trẻ tuỳ theo từng độ tuổi.

Khi 1 tháng tuổi, trẻ thích được âu yếm, được bế bồng, chăm sóc, trò chuyện, mỉm cười… Trong tháng đầu tiên, trẻ sẽ bắt đầu thử nghiệm với gương mặt của mình. Cách giao tiếp của trẻ lúc này là thích được nhìn ngắm mặt của bố mẹ và thậm chí còn có thể bắt chước cả các biểu cảm trên gương mặt người lớn.

Đến 3 tháng tuổi, trẻ đã quan sát và học hỏi được khá nhiều điều mới lạ từ những thứ quanh mình. Có thể con sẽ có nụ cười đầu tiên trong đời – một khoảnh khắc quan trọng với hầu hết các bậc cha mẹ. Không lâu sau đó, trẻ sẽ trở nên thành thục hơn, vừa cười với bố mẹ đồng thời vừa ríu rít bằng thứ ngôn ngữ trẻ con riêng của mình.

Sau đó, trẻ sẽ dần trở nên cởi mở hơn với những người xung quanh. Trẻ có thể bắt đầu tập nói và bạn sẽ phải ngạc nhiên vì những bước phát triển nhảy vọt của con trong thời gian này. Để khích lệ, bạn hãy cổ vũ hoặc nói chuyện nhiều với trẻ bất cứ khi nào có thể.

Trong khoảng 7 tháng tuổi, trẻ vẫn chơi một mình do chưa biết cách để chơi với những đứa trẻ khác. Lúc này bé đã quen với những gương mặt mà bé thường xuyên tiếp xúc như bố mẹ, ông bà… Vài tháng tới có thể bé sẽ bắt đầu tỏ ra sợ sệt với những người lạ mặt và đấu tranh với sự lo âu khi mẹ không có ở bên.

Đến khi 12 tháng tuổi, cách giao tiếp của trẻ thường là chống đối. Trẻ khóc quấy khi mẹ rời đi hoặc bồn chồn, khó chịu khi không nhận ra những gương mặt thân quen xung quanh mình.

Hầu như trẻ nào cũng phải trải qua giai đoạn tách mẹ khó khăn này, đỉnh điểm là khi bé khoảng từ 10 - 18 tháng tuổi. Đôi lúc sự hiện diện của mẹ chính là cách duy nhất khiến bé bình tĩnh trở lại.

Trong khoảng 2 tuổi, trẻ bắt đầu học nói và giao tiếp, con cũng sẽ học cách để kết bạn. Ở độ tuổi này bé rất thích được chơi cùng với những đứa trẻ khác cho dù là bằng tuổi hay lớn tuổi hơn.

Thời điểm này, trẻ rất quyết liệt trong việc bảo vệ đồ chơi của mình. Điều này có thể khiến bố mẹ không vui vì nghĩ con ích kỉ và cần phải học cách chia sẻ. Cha mẹ có thể nhận thấy rằng trẻ dành rất nhiều thời gian để quan sát và bắt chước bạn bè. Trẻ còn muốn khẳng định sự độc lập của mình bằng cách nhất quyết không chịu nắm tay mẹ khi đi ngoài đường hay trở nên giận dữ vì bạn không cho phép bé mang đồ chơi lên giường ngủ…

Khoảng hơn 3 tuổi, trẻ luôn tự coi mình là “cái rốn vũ trụ”. Con chẳng mảy may quan tâm xem người khác muốn gì hay cảm thấy thế nào bởi trẻ luôn cho rằng mọi người đều theo ý của mình.

Đừng quá lo lắng, khi lớn lên một chút, cộng với sự hướng dẫn, dạy dỗ của bố mẹ, bé sẽ dần học được cách chia sẻ, quan tâm cũng như có được một vài người bạn đặc biệt.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Những bài học nên có từ sớm

Cô giáo Nguyễn Thị Liên, Trường Mầm non Hoa Sen (Hà Nội) chia sẻ, đối với trẻ còn nhỏ, cần hướng dẫn con những điều cơ bản trong giao tiếp. Trong đó, biết cảm ơn, xin lỗi là bài học cơ bản về kỹ năng ứng xử cho trẻ.

Cha mẹ cần nhắc nhở, dạy cho con thói quen nói lời cảm ơn khi nhận được quà và sự giúp đỡ từ người khác. Trẻ cũng cần hiểu rõ lời cảm ơn thể hiện sự lịch sự, yêu quý và trân trọng đối với người đã giúp đỡ, tặng quà.

Tương tự, lời xin lỗi cũng có giá trị quan trọng không kém để thể hiện sự chân thành khi bản thân mắc lỗi, gây ảnh hưởng đến người khác. Thói quen và việc hiểu rõ được giá trị của lời cảm ơn, xin lỗi sẽ góp phần giúp trẻ trở thành người có nhân cách tốt, văn minh.

Cô Liên cũng cho rằng, người lớn nên dạy con biết chào hỏi, hỏi thăm, quan tâm đến mọi người như lễ phép, thể hiện thái độ niềm nở khi gặp người khác, nhất là người lớn tuổi. Trẻ cũng cần được biết thói quen chào hỏi thể hiện thái độ lịch sự cần có trong những buổi gặp gỡ, chuyện trò. Đồng thời, cha mẹ cũng nên dạy con cách hỏi thăm, quan tâm chân thành đến mọi người. Điều này không chỉ đơn thuần là dạy kỹ năng ứng xử mà còn giúp con phát triển chỉ số cảm xúc tốt hơn.

Cốt lõi của giao tiếp là sự chân thành, tôn trọng và điều này được thể hiện rõ nét nhất qua ánh mắt. Do đó, bố mẹ nên dạy con nhìn thẳng vào mắt người khác khi đang nói chuyện để truyền đạt cảm nghĩ, thể hiện sự tự tin, phép lịch sự tối thiểu và giúp cả hai cởi mở hơn. Bố mẹ cũng phải là người thực hiện kỹ năng ứng xử này đối với trẻ để con dần hình thành thói quen từ khi còn nhỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ