Dự Lễ kỷ niệm có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ngô Văn Dụ; nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo một số tỉnh.
Tham dự lễ kỷ niệm còn có gần 1.000 đại biểu là cán bộ, đảng viên, công dân tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc.
Đại biểu tham dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Duy Linh |
Trong diễn văn kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh: 60 năm qua, thực hiện lời căn dặn của Bác “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền bắc nước ta”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã nỗ lực phấn đấu, xây dựng Vĩnh Phúc từ một tỉnh thuần nông thành một tỉnh công nghiệp-một trung tâm công nghiệp sản xuất ô-tô, xe máy của cả nước. Những địa danh in dấu chân Bác Hồ về thăm trước đây như Vĩnh Yên, Tam Đảo, Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Phúc Yên nay đều là địa phương phát triển, địa danh đáng sống.
Với quan điểm xuyên suốt “Mọi người dân Vĩnh Phúc đều được hưởng thành quả từ sự phát triển”, Vĩnh Phúc đề ra nhiều giải pháp cụ thể để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn tìm tòi đổi mới phương thức lãnh đạo, tập trung vào những yêu cầu cấp bách, những vấn đề khó, vấn đề mới; tăng cường thu hút, trọng dụng nhân tài; đổi mới công tác kiểm tra, giám sát.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Duy Linh) |
Phát biểu ý kiến tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Vĩnh Phúc là vùng đất lịch sử, chính trị và văn hóa lâu đời. Trong lịch sử lập quốc và phát triển mấy nghìn năm của đất nước, ở bất cứ thời kỳ nào, trên bất cứ phương diện nào, nhân dân Vĩnh Phúc cũng tận hiến to lớn, góp phần làm rạng danh lịch sử hào hùng và bất diệt của dân tộc.
Để xứng đáng với lời căn dặn của Người, 60 năm qua, trong đó có hơn 36 năm đổi mới, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc không ngừng đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện. Khi tái lập năm 1997, từ một tỉnh thuần nông, hôm nay Vĩnh Phúc là một trong những điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế-xã hội, một trong số ít các tỉnh, thành phố có giá trị sản xuất công nghiệp và tổng thu ngân sách cao trong cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngày càng đồng bộ, hiện đại; diện mạo đô thị và nông thôn ngày càng khởi sắc. Sự nghiệp văn hóa-xã hội; các chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm có nhiều tiến bộ; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực; năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng các cấp, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân vươn ngang tầm yêu cầu phát triển.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng song hành và chặt chẽ với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17; tìm tòi, đổi mới phương thức, làm chuyển biến thực chất công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, gắn chặt với huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy cao nhất tiềm năng, các lợi thế và vị trí cửa ngõ phía tây bắc của Thủ đô Hà Nội nhằm xây dựng Vĩnh Phúc xứng đáng là tỉnh giữ vị thế quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.
Nhân dịp này, tỉnh Vĩnh Phúc khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật.