NASA đã mời các công ty tư nhân, hoạt động trong lĩnh vực vũ trụ, thông báo những ý tưởng tốt nhất về công nghệ đưa phi hành gia lên Mặt trăng, đồng thời phát triển những công nghệ quan trọng khác, có thể được sử dụng trong thời gian diễn ra sứ mệnh Mặt trăng.
“Dựa trên mô hình liên quan đến quỹ đạo thấp quanh Trái đất, chúng tôi đã mở rộng danh sách các đối tác công nghiệp từ nhiều quốc gia, nhằm thúc đẩy công việc nghiên cứu Mặt trăng phát triển. Chúng tôi sẽ đưa phi hành gia lên Mặt trăng vào thập kỷ tới” - ông
Jim Bridenstine, Quản trị viên NASA, cho biết như vậy.
Kế hoạch quay trở lại Mặt trăng sẽ được thực hiện theo 4 giai đoạn. NASA cần có tàu vũ trụ chở phi hành đoàn - một số phi thuyền đã được chế tạo để đưa các phi hành gia lên Trạm Vụ trụ quốc tế ISS. Tuy nhiên, trong quá trình diễn ra sứ mệnh Mặt trăng cần phải có tàu vũ trụ với động cơ khỏe hơn. Có thể, các nhà khoa học sẽ phát triển các công nghệ mới cho phép đưa người lên Mặt trăng.
Không phụ thuộc vào việc hệ thống nào sẽ được sử dụng, các phi hành gia sẽ không lên Mặt trăng trực tiếp từ Trái đất. Trước thời điểm đó, NASA sẽ xây dựng Geteway - trạm vũ trụ tự động quay xung quanh Mặt trăng. Gateway sẽ có các hệ thống duy trì sự sống một cách thích hợp.
Chính từ Gateway, các phi hành gia sẽ đổ bộ lên Mặt trăng. Để thực hiện điều này, cần phải có thiết bị đổ bộ. Tuy nhiên, thiết bị này vẫn chưa được thiết kế. NASA đang chờ đợi các dự án từ các công ty bên ngoài. Lúc đầu, tàu đổ bộ sẽ sử dụng nhiên liệu cung cấp từ Trái đất, tuy nhiên NASA cũng đang quan tâm đến công nghệ sản xuất nhiên liệu trực tiếp từ đất đá Mặt trăng.
NASA chờ đợi thông báo từ các công ty bên ngoài đến ngày 25/3. Sau thời điểm này, chắc chắn chúng ta sẽ biết thêm các thông tin mới về sứ mệnh đưa người lên Mặt trăng.