Năm 2017, giải quyết việc làm cho khoảng 1,5 triệu lao động

GD&TĐ - Đây là con số từ báo cáo tổng kết tại Hội nghị công chức, viên chức và người lao động năm 2018 được tổ chức vừa qua của Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội). 

Về Chính sách việc làm, năm 2017 cả nước đã giải quyết việc làm cho khoảng hơn 1,5 triệu lao động trong nước
Về Chính sách việc làm, năm 2017 cả nước đã giải quyết việc làm cho khoảng hơn 1,5 triệu lao động trong nước

Trong năm 2017, Cục Việc làm đã xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ ban hành 3 thông tư về chính sách việc làm công, cấp giấy phép lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử, về Quỹ quốc gia về việc làm.

Về Thị trường lao động, năm 2017 các Trung tâm Dịch vụ việc làm; đã tổ chức 1211 phiên giao dịch việc làm, có 2984 lượt lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm qua Trung tâm, có 953 nghìn lượt người có việc làm do Trung tâm giới thiệu.

Ngoài ra, các hoạt động sàn giao dịch vệ tinh, lưu động và các ngày hội việc làm cũng được tổ chức rộng rãi, góp phần tăng cường kết nối cung - cầu lao động, giải quyết việc làm cho người lao động.

Về Chính sách việc làm, năm 2017 cả nước đã giải quyết việc làm cho khoảng hơn 1,5 triệu lao động trong nước.

Về Bảo hiểm thất nghiệp, năm 2017, cả nước có 660.491 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 650.410 người, số người được tư vấn giới thiệu việc làm là 1.076.589 lượt người và số người được hỗ trợ học nghề là 33.521 người.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác chuyên môn như việc xây dưng văn bản còn chậm tiến độ; việc tổng hợp chỉ tiêu việc làm còn nhiều bất cập, thiếu hệ thống các chính sách giải quyết việc làm hiệu quả cho các nhóm đối tượng đặc thù; hệ thống thông tin thị trường lao động chưa đáp ứng kịp thời cho các đối tượng có nhu cầu và cho công tác quản lý.

Công tác kết nối cung-cầu lao động còn hạn chế như tổ chức dịch vụ việc làm hoạt động chưa thống nhất, tính chuyên nghiệp chưa cao, thông tin thị trường lao động bị thiếu và bị chia cắt. Công tác phối hợp, trao đổi thông tin trong quản lý lao động nước ngoài giữa các cơ quan chuyên môn ở địa phương thiếu chặt chẽ, kịp thời.

Ngoài ra, nhận thức của một số người lao động, người sử dụng lao động, cơ quan ban ngành về chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn chưa cao, nhiều người chưa hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình về chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ